Tiếp viên hàng không - nghề của trải nghiệm và những chuyến đi
Cũng như nhiều cô gái trẻ, Đinh Thị Trang (1991) từ nhỏ đã say mê hình ảnh của những cô nàng tiếp viên hàng không mặc đồng phục gọn ghẽ, nụ cười tươi như hoa, sau lưng là chiếc vali kéo chất đầy những món quà từ những miền đất xa lạ. Với Trang, thế giới của những cô gái làm việc “trên chín tầng mây” ấy luôn cực kỳ rực rỡ và hào nhoáng, là được đi khắp nơi trên thế giới, một nghề nhàn lương cao. Đó cũng là lý do mà cô gái tốt nghiệp ngành Du lịch, Đại học Mở Hà Nội quyết tâm trở thành một nữ tiếp viên hàng không.“Nhăm nhe” thi vào hãng hàng không Emirates từ khi chưa tốt nghiệp, nhưng duyên chưa đến, Trang vẫn không từ bỏ ước mơ gia nhập vào “gia đình bay”. Tốt nghiệp, rồi đúng lúc đang chuẩn bị cho đám cưới, cô gái trẻ ứng tuyển cùng lúc vào hãng Eva Air và hãng bay Hàn Quốc cô đang làm việc. Cô nhớ lại: “Buổi chiều dự thi vào hãng bay Hàn Quốc thì buổi sáng mình còn đang tung tẩy đi… mời cưới. Hôm đó, thực ra mình chỉ nghĩ thi vào đây cho vui, vì rất tự tin rằng đã trúng tuyển Eva Air rồi. Khi cưới xong 2 ngày, mình nhận được mail báo đỗ hãng Hàn Quốc và cũng trong hôm đó, có điện thoại báo trúng tuyển của Eva Air. Mình sướng “phát điên” và đã chọn hãng bay Hàn Quốc để gắn bó.
Đinh Thị Trang say mê hình ảnh hào nhoáng, đẹp đẽ của những nữ tiếp viên hàng không và quyết tâm trở thành một trong số họ.
Cô gái được thỏa ước mơ trải nghiệm, khám phá những vùng đất mới.
London là nơi ghi dấu kỷ niệm đầu tiên của Trang với nghề.
Được sải chân trên những bờ biển đẹp mê hồn nước Úc...
... hay thảnh thơi dạo chơi Paris hoa lệ là điều khiến cuộc sống của cô đáng "ghen tị".
Sau gần 1 năm đi làm, cô nàng tiếp viên hàng không xinh đẹp bảo, cô và các bạn người Việt cùng nghề thi thoảng trêu nhau: “welcome to… ác mộng”. “Người ngoài nhìn vào chắc chẳng bao giờ biết những lúc bọn mình bị trêu ghẹo, bị khách mắng đến mức áp lực và tủi thân quá, phải chui vào toilet khóc nhanh một trận; những lần say máy bay nôn ra mật xanh mật vàng, mệt lả người nhưng vẫn phải tươi tỉnh, cười nói phục vụ khách; những ngày xương khớp đau ê ẩm vì áp lực không khí, cơ thể lâng lâng vì lệch múi giờ, vì làm việc quá lâu hay những lúc hì hục cọ nhà vệ sinh, dọn rác trên máy bay …” – Trang tâm sự.
Có lúc, cô đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Đó là một lần Trang ở vị trí phục vụ đồ ăn. Đến lượt vị khách khó tính, món ăn khách muốn dùng đã hết, cô cố gắng thuyết phục khách sử dụng món ăn khác, nhưng thất bại. Cô bị khách mắng rất nặng nề, tỏ vẻ khó chịu vì sự "không chu đáo" đó, đến mức phải chạy vào nhà vệ sinh khóc, rồi sau đó nhờ tiếp viên phó “cứu trợ”. Cuối cùng mọi việc cũng êm xuôi, nhưng đó là một trong những lần khiến Trang tủi thân và cảm nhận rõ nhất áp lực của nghề mình đang theo đuổi.
Đằng sau nụ cười và sự hào nhoáng của những chuyến đi, tiếp viên hàng không là một nghề nhiều áp lực và cay đắng.
“Nghề tiếp viên hàng không cũng là nghề nhiều tiếng đồn, ví dụ chuyện “cặp kè”, quan hệ tình cảm ngoài luồng với các nam đồng nghiệp hoặc các phi công, cơ trưởng. Ở hãng tôi làm việc, chuyện đó không thể xảy ra. Tôi thậm chí còn không thể lưu giữ hình ảnh một người phi công nào vào đầu, vì không có thời gian hay điều kiện tiếp xúc với họ. Các tiếp viên chỉ gặp nhóm bay khoảng 5 phút, trong giờ họp. Khi hạ cánh, họ cũng được bố trí xuống máy bay trước, từ khoang riêng. Đến khi nhận phòng ở khách sạn, các tiếp viên cũng chỉ được nhận phòng khi họ đã lên rồi. Thêm vào đó, phi công lái cho hãng toàn những người rất lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm và tích lũy giờ bay nên cũng không hấp dẫn lắm (cười)” – Trang thẳng thắn tiết lộ.
Cô cũng cho biết thêm, nếu muốn, việc gặp lại và hẹn hò với các đồng nghiệp nam cũng không dễ, vì hãng của cô liên tục xáo trộn, chọn ngẫu nhiên trong 6.000 tiếp viên để tạo thành phi hành đoàn, nên cơ hội để gặp lại một ai đó từng bay cùng cực kỳ khó, chứ chưa nói đến chuyện tìm hiểu hay trao đổi thông tin với nhau. Có lẽ vì thế, việc quan trọng nhất của các tiếp viên là làm tốt nhất công việc của mình, đảm bảo ê-kíp hoạt động trơn tru. Và cũng bởi sự khắt khe trong quy trình làm việc “nghiệt ngã” ấy, nhiều cô gái theo nghề này khó có hạnh phúc riêng tư. Cô đã thấy nhiều đồng nghiệp người Hàn ngoài 30 mà vẫn chưa có gia đình, thậm chí, chưa có mối tình nào, bởi họ gần như chẳng có thời gian cho chuyện yêu đương.
Cô cho rằng, những lời đồn về mối quan hệ ngoài luồng giữa tiếp viên hàng không và các nam phi hành đoàn là ác ý.
Còn chuyện kinh doanh, quy chế của hãng không nói rõ là nhân viên không được phép mua bán hàng, nhưng cấm việc mua đồ hiệu đắt tiền, vali cá nhân cũng nhỏ, nên dù muốn, tôi cũng khó mà giàu nhanh nhờ việc buôn bán được. Thế nên, gia tài lớn nhất của tôi là trải nghiệm và khám phá những vùng đất mới, phần nào với chi phí rẻ hơn người khác, thế thôi!”.
"Tài sản lớn nhất của tiếp viên hàng không là trải nghiệm và những chuyến đi".