Sau kỳ thi đại học năm 2011, Trương Bằng (Trung Quốc) nhận được giấy báo trúng tuyển từ Đại học Vũ Hán. Trong thông báo ghi rõ anh được nhận vào chuyên ngành Tài chính của trường và phải đến nhập học từ ngày 15 - 18/9 cùng năm.
Đại học Vũ Hán là một ngôi trường danh giá nằm trong danh sách các trường đại học trọng điểm "985" và "211" của Trung Quốc. Việc Trương Bằng đỗ vào Đại học Vũ Hán khiến anh và gia đình vô cùng vui sướng.
Thế nhưng, sau 4 năm học tập tại đây, khi sắp tốt nghiệp vào năm 2015, một chuyện không thể ngờ đã xảy ra - nhà trường bất ngờ tuyên bố Trương Bằng không thể tốt nghiệp, chính xác hơn thì anh thậm chí chưa từng được nhận vào trường và dĩ nhiên cũng không phải là sinh viên của Đại học Vũ Hán.
Trương Bằng hoàn toàn sững sờ: "Tôi đã học ở Đại học Vũ Hán suốt 4 năm, vậy mà đến lúc tốt nghiệp, trường lại không công nhận tôi là sinh viên của họ?".
Rốt cuộc chuyện này là sao?

Đại học Vũ Hán
Năm 2011: Nhập học tại Đại học Vũ Hán
Năm 2011, theo thời gian nhập học quy định trong giấy báo trúng tuyển, Trương Bằng đến Đại học Vũ Hán để làm thủ tục nhập học.
Sau khi hoàn tất thủ tục, Trương Bằng cùng một số sinh viên khác được đưa đến một cơ sở huấn luyện quân sự ở ngoại ô Vũ Hán. Ở đó, anh gặp 5 người bạn cùng lớp, tất cả đều thuộc lớp Tài chính 6. Ngoài ra, anh còn gặp gần 20 sinh viên cùng khoa Kinh tế - Quản lý, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Giang Tô, Trùng Khánh, Hắc Long Giang,...
Sau nửa tháng huấn luyện, Trương Bằng và các bạn trở lại trường. Tại đây, họ gặp cố vấn học tập tên Vương Kiệt. Ông tổ chức một buổi họp lớp, thu học phí và phí ký túc xá năm đầu tiên từ sinh viên. Mỗi người phải nộp học phí và tiền ký túc xá, tổng cộng là 18.500 tệ (hơn 65 triệu đồng).
Mức học phí này khá cao so với các trường công lập khác. Dù có chút thắc mắc, nhưng vì tin rằng Đại học Vũ Hán là một trường danh giá, nên các sinh viên này cho rằng mức phí cao cũng có lý do. Sau khi thu tiền, Vương Kiệt phân phòng ký túc xá cho sinh viên và hướng dẫn sinh viên lịch trình học tập. Trương Bằng và 5 bạn cùng lớp được xếp vào phòng 3301 tại khu ký túc xá dành cho giảng viên mới, một số bạn khác ở phòng 3302.
Ngày đầu tiên, họ sắp xếp giường ngủ. Ngày hôm sau, Vương Kiệt dẫn họ đến lớp Tài chính 6 và nói với lớp trưởng: "Sáu người này là sinh viên chuyển tiếp, nhập học muộn, em giúp đỡ các bạn, sắp xếp chỗ ngồi và đưa các bạn thời khóa biểu".
Sau đó, Vương Kiệt rời đi, và cuộc sống đại học của Trương Bằng chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên, sau này khi nhớ lại, Trương Bằng nói: "Ban đầu không thấy gì bất thường, nhưng càng về sau càng có nhiều điều không ổn”.

Trương Bằng nỗ lực trong năm tháng học đại học
Những dấu hiệu bất thường
1. Không có tên trong danh sách điểm danh
Lớp Tài chính 6 có tổng cộng 45 sinh viên, nhưng khi điểm danh, giáo viên chỉ gọi tên 39 người, trừ Trương Bằng và 5 người bạn cùng phòng. Họ đã nhiều lần hỏi giáo viên, nhưng câu trả lời luôn là: "Trong danh sách không có tên của các em!"
Họ tìm gặp Vương Kiệt để hỏi, nhưng ông chỉ nói: "Không sao đâu, cứ tiếp tục học đi".
Dù cảm thấy kỳ lạ, nhưng không ai giải thích rõ ràng, nên họ đành tạm gác lại chuyện này.
2. Không có thẻ sinh viên và thẻ ăn canteen
Trong khi các sinh viên khác có thẻ sinh viên để vào thư viện và thẻ ăn để dùng bữa tại canteen, thì nhóm của Trương Bằng lại không có bất kỳ thẻ nào. Điều này khiến họ bắt đầu nghi ngờ: "Chúng ta có thực sự là sinh viên của lớp Tài chính 6 không? Hay thậm chí, chúng ta có thực sự là sinh viên của Đại học Vũ Hán không?".
Họ lại hỏi Vương Kiệt, nhưng ông chỉ đáp: "Các em vào bằng hình thức khác biệt, chuyện này là bình thường, đừng bận tâm, cứ yên tâm học đi".
3. Không thi chung với lớp và không có điểm số
Khi đến kỳ thi, thay vì thi chung với lớp Tài chính 6, nhóm của Trương Bằng được Vương Kiệt sắp xếp thi riêng cùng 20 sinh viên khác mà họ gặp lúc đầu. Kết quả thi cũng không bao giờ được thông báo.
Mỗi lần trước kỳ thi, Vương Kiệt chỉ nhắc: "Các em cứ làm bài nghiêm túc, kết quả sẽ gửi về nhà cho phụ huynh".
Nhưng suốt 4 năm, gia đình họ chưa từng nhận được bất kỳ bảng điểm nào.
4. Bị yêu cầu rời khỏi ký túc xá sau năm nhất
Khi lên năm hai, họ bị yêu cầu rời khỏi ký túc xá sinh viên và phải tự thuê phòng ở trong khuôn viên trường. Không chỉ họ, mà cả sinh viên chính quy trong lớp cũng nhận thấy sự khác thường.
Một sinh viên lớp Tài chính 6 kể lại: "Ngay từ khi nhập học, sáu người đã đến muộn. Sau đó, chúng tôi để ý thấy họ không bao giờ bị gọi tên điểm danh và cũng không phải nộp bài tập" .
Một cán bộ lớp còn từng báo cáo với giáo viên phụ trách sinh viên, nhưng câu trả lời nhận được chỉ là: "Có thể họ thuộc diện giáo dục thường xuyên hoặc không phải hệ chính quy".
Nghe vậy, mọi người cũng không để tâm thêm nữa.
Nghi ngờ bị lừa đảo
Dù có rất nhiều điểm bất thường, nhưng nhóm của Trương Bằng vẫn tiếp tục học vì Vương Kiệt luôn trấn an họ bằng đủ lý do. Họ chỉ bán tín bán nghi, chưa dám khẳng định mình bị lừa. Tuy nhiên, vào học kỳ cuối năm tư, một sự kiện khiến họ không thể không đối mặt với sự thật.
Trong khi tất cả sinh viên khác bận rộn làm luận văn tốt nghiệp và được giáo viên hướng dẫn, thì nhóm của Trương Bằng hoàn toàn bị bỏ mặc. Họ tìm gặp Vương Kiệt để hỏi, nhưng phát hiện ông đã biến mất không dấu vết, điện thoại cũng không liên lạc được.
Lúc này, họ thực sự hoảng sợ. Những nghi ngờ trước đây trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Họ quyết định kiểm tra thông tin sinh viên của mình trên hệ thống quản lý dữ liệu sinh viên đại học quốc gia.
Ngày 18/5/2015, Trương Bằng nhập thông tin cá nhân vào hệ thống và… không tìm thấy bất kỳ dữ liệu nào về mình. Cả 5 người bạn cùng phòng cũng kiểm tra và nhận được kết quả tương tự. Họ hoàn toàn suy sụp.

Khi biết mình bị lừa, Trương Bằng cảm thấy suy sụp
Trương Bằng lập tức gọi điện cho bố mình, kể lại toàn bộ câu chuyện. Bố anh nghe xong sốc toàn tập, ngay lập tức bắt chuyến xe từ Thâm Quyến đến Vũ Hán. Cùng lúc đó, nhóm của Trương Bằng liên hệ với một người tên Chu Thái, người mà họ biết có liên quan đến Vương Kiệt và Trần Đông (người đã hướng dẫn họ nhập học ban đầu).
Chu Thái trấn an: "Không sao đâu, các em đừng lo, chúng tôi đang xử lý chuyện này. Nếu muốn học tiếp lên thạc sĩ, cứ tìm đến tôi".
Vài ngày sau, Trương Bằng nhận được một bằng tốt nghiệp giả, được làm dưới danh nghĩa của một trường đại học khác.
Lúc này, sự thật đã quá rõ ràng: Họ đã bị lừa.
Gia đình báo cảnh sát, nhà trường lên tiếng
Ngày hôm sau, tức ngày 19/5, cha của Trương Bằng vội vã đến Đại học Vũ Hán. Ông lập tức làm hai việc:
Thứ nhất, gọi điện cho Chu Thái và Trần Đông, yêu cầu họ đến Vũ Hán để giải quyết vụ việc.
Thứ hai, ông báo cảnh sát. Tối hôm đó, gia đình họ Trương đã trình báo vụ việc với đồn cảnh sát Lạc Nam, quận Hồng Sơn, thành phố Vũ Hán.
Sáng ngày 21/5, Trần Đông đến Vũ Hán, đi cùng anh ta còn có một người tên là Lưu Vạn Thành. Gia đình họ Trương gặp họ tại khách sạn.
Lưu Vạn Thành giải thích rằng thực ra anh ta và Trần Đông cũng là nạn nhân. Anh ta có một người bạn học ở Vũ Hán tên là Lâm Chấn Sơn, người này đã làm giả bằng cấp trong nhiều năm. Vài năm trước, Lưu từng nhìn thấy những tấm bằng tốt nghiệp đại học và học vị do Lâm làm ra, trông rất thật, nên đã tin tưởng và tham gia vào công việc này. Sau đó, Lưu giới thiệu Trần Đông vào đường dây làm giả bằng cấp, và chính Trần Đông là người liên hệ với gia đình họ Trương.
Lưu nói thêm rằng hai năm trước, Lâm Chấn Sơn đột nhiên mất tích, còn anh ta thì bắt đầu hợp tác với Chu Thái và Vương Kiệt. Chiều cùng ngày, Chu Thái cũng có mặt tại Vũ Hán và gặp gỡ gia đình họ Trương tại một quán cà phê.
Khi bị gia đình họ Trương chất vấn, Chu Thái phủ nhận hành vi lừa đảo. Hắn khẳng định mình cùng Vương Kiệt mở công ty chuyên tổ chức các khóa học tự túc. Công ty của họ hợp tác với Viện Giáo dục thường xuyên của Đại học Vũ Hán, có thể sắp xếp cho sinh viên ở trong ký túc xá và học tại các lớp của trường. Tuy nhiên, hắn chưa bao giờ hứa hẹn rằng Trương Bằng và những người khác sẽ được tuyển thẳng vào hệ đại học chính quy, mà chỉ giúp họ theo học văn bằng hai tại Đại học Vũ Hán.
Chu Thái tiếp tục giải thích rằng hai năm trước, Đại học Vũ Hán có chính sách cho phép sinh viên đã có bằng đại học từ các trường khác đăng ký học văn bằng hai tại trường. Nếu đạt yêu cầu, họ sẽ nhận được bằng tốt nghiệp và học vị thứ hai của Đại học Vũ Hán. Nhưng từ năm 2013, chính sách này đã bị hủy bỏ, nên hiện tại không thể thực hiện được nữa.
Tuy nhiên, Chu Thái đề nghị một phương án khác: Hắn có thể giúp Trương Bằng lấy bằng đại học liên thông từ một trường khác, rồi sau đó hỗ trợ cậu ta thi vào cao học của Đại học Vũ Hán, với mức phí "dịch vụ" là 80.000 nhân dân tệ (hơn 281 triệu đồng).
Đến đây, gia đình họ Trương đã hiểu rõ vấn đề. Chu Thái, Vương Kiệt, Trần Đông, Lưu Vạn Thành, cùng kẻ tên Lâm Chấn Sơn thực chất là một nhóm chuyên làm giả bằng cấp. Gia đình họ Trương lập tức gọi cảnh sát. Lực lượng cảnh sát, vốn đã có sự chuẩn bị từ trước, ngay lập tức xuất hiện và đưa Chu Thái, Trần Đông, Lưu Vạn Thành về đồn để điều tra.

Nhà trường thông báo Trương Bằng chưa từng là sinh viên của trường
Sự thật được phơi bày
Sau khi "giải quyết" ba kẻ lừa đảo, gia đình họ Trương mang theo tia hy vọng cuối cùng đến Đại học Vũ Hán để xác minh xem Trương Bằng có thực sự là sinh viên của trường hay không.
Viện Giáo dục thường xuyên của Đại học Vũ Hán khẳng định họ không hề biết Chu Thái là ai, và cũng chưa từng hợp tác với công ty của hắn. Tối ngày 22/5, nhà trường đã đưa ra phản hồi về vụ việc: Trương Bằng chưa từng trúng tuyển vào Đại học Vũ Hán, chàng trai này đã bị lừa.
Những câu hỏi cần giải đáp
1. Tại sao Trương Bằng có thể ở trong ký túc xá của Đại học Vũ Hán?
Ban quản lý ký túc xá cho biết Trương Bằng và những người khác được sắp xếp vào các phòng tạm của Viện Giáo dục thường xuyên, với giấy phép từ trung tâm quản lý ký túc xá.
2. Tại sao Trương Bằng có thể cho sinh viên học trong lớp của Đại học Vũ Hán?
Đại học là một môi trường mở, sinh viên từ nhiều chương trình khác nhau có thể học chung một lớp. Việc kiểm tra danh tính từng sinh viên trong lớp là bất khả thi.
3. Nhà trường có biết về những vụ lừa đảo này không?
Từ năm 2006, Đại học Vũ Hán đã công bố ít nhất 24 vụ lừa đảo liên quan đến trường. Nhà trường từng nhiều lần báo cảnh sát, nhưng do họ không phải nạn nhân trực tiếp nên cảnh sát không thể lập án điều tra. Để phòng ngừa, trường đã lập chuyên mục phòng chống lừa đảo từ năm 2007 để cảnh báo sinh viên và phụ huynh.
4. Số phận của các sinh viên bị lừa ra sao?
Mất tiền có thể lấy lại, nhưng 4 năm tuổi trẻ đã trôi qua. Khi phát hiện bị lừa, họ đã 22 tuổi – liệu có thể quay lại học lại cấp ba và thi đại học không? Rất khó. Trong một vụ án tương tự, 21 sinh viên bị lừa, sau này hầu hết phải đi làm thuê: có người làm đầu bếp, nhân viên phục vụ, shipper, hoặc khởi nghiệp kinh doanh nhỏ lẻ.
Bài học rút ra
Đây lại là một câu chuyện điển hình về "miếng bánh ngon từ trên trời rơi xuống thực chất là một cái bẫy".
Làm sao để tránh bị lừa?
Xác minh kỹ thông tin: Đừng tin vào những lời hứa "chắc như đinh đóng cột" mà không kiểm chứng.
Hỏi ý kiến người có kinh nghiệm: Đừng tự quyết định mà hãy tham khảo người hiểu biết hơn.
Suy nghĩ logic: Tại sao một cơ hội tốt như vậy lại dành cho bạn mà không phải ai khác? Nếu vào đại học top dễ dàng thế, thì người khác còng lưng học hành để làm gì?
Nếu làm được những điều trên, bạn sẽ không dễ dàng rơi vào bẫy lừa đảo!