Tôn trọng mọi quyết định của con
22 tháng tuổi, My đã cho Nghé đi học. Buổi học đầu tiên của con như thế nào vậy?
22 tháng tuổi là khoảng thời gian con dễ dàng thích nghi với môi trường mới nhất. Sớm hơn thì bé còn non nớt, muộn hơn thì sợ con nhút nhát, khó hòa nhập.
Ban đầu, bé tò mò với môi trường mới lắm, đi đâu cũng ngắm nghía, bi bô hỏi mẹ cái này, cái kia. Nhưng bé rất vui vì ở lớp có bao nhiêu bạn cùng tuổi, lại nhiều đồ chơi mới.
Bé chỉ mất 1 giờ đầu là ngơ ngác, tò mò sau thì ăn và chơi rất ngoan. Ngay hôm đầu, cô giáo nhận xét con hòa đồng nhanh với các bạn trong lớp, biết chia sẻ đồ chơi với bạn, vận động thể chất tốt và có vốn từ phong phú, biết biểu đạt ý mình một cách rõ ràng, mạch lạc.
Để có bé có được vốn từ phong phú, Hoàng My đã dạy con như thế nào?
Trước mình rất hay kể chuyện, hát cho con nghe. Tới lúc biết nói thì ngày nào bé cũng hỏi bố mẹ, người thân xung quanh về mọi việc từ lúc… thức dậy cho tới khi đi ngủ. Bé luôn hỏi và vặn lại câu hỏi nếu người lớn chỉ trả lời cho xong.
Nghé "vặn" cả bố mẹ cơ à?
Đúng vậy. Nghé có hỏi câu này khiến mình phải suy nghĩ, một lần mình hỏi thì con trả lời là “ừ” thì mình có dặn con phải nói “vâng ạ” nhé.
Thì Nghé lại hỏi tiếp: “Vậy là chỉ người lớn mới được nói là ừ phải không mẹ?” rồi bé lại lẩm bẩm như ông cụ non “Hóa ra có những câu chỉ người lớn mới được nói, trẻ con thì không”…
Một vấn đề nhỏ đó nhưng khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Bọn trẻ con bây giờ rất nhanh, bậc làm cha mẹ cần phải nghĩ trước khi nói, hành động để con trẻ noi gương.
Có nhiều bậc phụ huynh cho con đi học Toán, Tiếng Anh, võ, vẽ, đàn hát ngay từ thời điểm này, là một cô giáo dạy piano, My nghĩ sao về vấn đề này?
Tiếp xúc với học hành từ sớm cũng khá tốt cho con trẻ nhưng vấn đề là phương pháp và chọn thời điểm thích hợp.
Ở trường, Nghé được học chữ, các bài hát tiếng Anh, mình để ý thấy con nhớ và hát hay… với mình thế là đủ, phù hợp với lứa tuổi của con.
Mình rất hay chơi đàn cho con nghe bởi hơn ai hết, mình biết âm nhạc quan trọng như thế nào đối với mọi người nói chung và trẻ nhỏ nói riêng. Nhưng mình không áp đặt. Mình cho Nghé tự nghịch đàn khi thích và hướng dẫn nếu con nhờ mẹ giúp.
“Trộm vía” Nghé nhà mình có đôi tai với thính lực tốt và có nhịp phách tốt, tuy nhiên cũng không rõ sau này con có đam mê hay không nhưng mình sẽ luôn tôn trọng quyết định của con.
Làm bạn nhưng bố mẹ và con không ngang hàng
Vậy Hoàng My theo "chủ nghĩa" nào khi con hư? Dạy con nhẹ nhàng hay con phải vào khuôn khổ “mẹ nói phải nghe”?
Mình rất mong sau này con trở thành người có chính kiến, hòa đồng. Bé hiện giờ khá hiếu động, nhanh nhẹn nên mình luôn chú trọng dạy thế nào để bé phải vào khuôn phép.
Tuy nhiên, làm mẹ phát xít thì không ổn nhưng nuông chiều quá đáng càng không được. Mình nghĩ nên "mềm nắn, rắn buông". Nếu mình chiều quá, bạn í sẽ bắt nạt và lấn lướt còn nếu mình cứng nhắc quá thì con lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng, sợ sệt.
Có lẽ dành thời gian làm bạn với con, nói chuyện, giải thich cho con hiểu thì hay hơn cả.
Tùy vào tình huống mà mình ứng xử với lỗi của con. Nếu bé vô tình mắc lỗi thì bố mẹ có thể nói nhẹ thôi, còn nếu đã nói mà bé ngang bướng, cố tình kiểu thách thức thì phải phạt, thậm chí tét mông.
My chia sẻ kỹ hơn về “làm bạn với con” đi!
Chính xác thời bây giờ, bố mẹ và con cái là bạn của nhau. Nhưng là bạn giữa người nhiều tuổi và ít tuổi. Là bạn nhưng con vẫn phải biết tôn trọng, lễ phép với người lớn. Tuyệt đối không thể ngang hàng.
Bố mẹ là bạn có thể cùng con chơi, cùng con tranh luận về 1 vấn đề nào đó nhưng cách nói chuyện và cư xử với nhau không thể ngang bằng.
Giúp con hiểu ý nghĩa của Tết cổ truyền
Tết luôn là thời điểm trẻ con mong chờ nhất trong năm. Tuy nhiên với cuộc sống ngày càng bận rộn như hiện nay thì không phải bé nào cũng hiểu được ý nghĩa của cái Tết cổ truyền với bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, mâm ngũ quả hay những chiếc phong bao lì xì xinh xinh mà các bé nhận được. Bạn đã dạy Nghé về điều này như thế nào?
Không chỉ ở nhà mà ở trường, Nghé cũng được các thầy cô dạy về ý nghĩa của Tết cổ truyền. Mấy hôm vừa rồi, con mang về một cây đào bằng giấy, cái thiếp chúc mừng tự làm tặng gia đình. Con còn được các cô lì xì một túi sô cô la.
Khi Nghé còn bé xíu mình thường kể những câu chuyện liên quan tới Tết, những kỷ niệm xưa cũ của bố mẹ về Tết cho con nghe. Ví dụ: Lúc đó phố phường sẽ vắng vẻ như thế nào, pháo hoa đêm giao thừa sẽ lung linh, mọi người ăn mặc đẹp ra làm sao, bánh chưng, bánh kẹo, nồi măng bà làm thơm nức mũi này...
Và khi càng lớn, được cha mẹ đưa đi chúc Tết ông bà, họ hàng, hàng xóm, được nhận cả phong bao lì xì, con sẽ có những trải nghiệm riêng về cái Tết của mình.
Nhiều bé hí hửng và sốt sắng khi được nhận phong bao lì xì, Nghé thì như thế nào vậy?
Nghé còn nhỏ, gia đình mình thường hạn chế nói chuyện tiền bạc trước mặt con nên ít khi con để ý tới vấn đề này.
Tuy nhiên, vợ chồng mình luôn dạy con tiền mừng tuổi là những lời chúc tốt đẹp, là những ghi nhận về thành tích của con trong 1 năm qua. Bé phải ngoan thì ông bà, cha mẹ, họ hàng mới yêu thương con.
Ngoài ra, mình cũng dạy con rằng lì xì là truyền thống, phong tục của người Việt… Mình tin điều này sẽ hình thành trong bé tình cảm với người thân, và rèn luyện tính cộng đồng khi bé trưởng thành.
Cảm ơn những chia sẻ của My về cách nuôi dạy con. Chúc gia đình bạn có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc!
Nhìn hai bé Tuti và Tutit, ai cũng phải tấm tắc khen chị Thu Hà khéo chăm con