Cô giáo Hà Thành tâm huyết chống biến đổi khí hậu
Trong 12 năm công tác, cô giáo Vũ Bích Phương luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, có nhiều sáng kiến mang tính ứng dụng cao.
Cô giáo mê công nghệ
Nhắc tới cô giáo Vũ Bích Phương, nhiều đồng nghiệp và học sinh, phụ huynh học sinh Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều bày tỏ sự yêu mến, nể phục vì đam mê sáng tạo trong công việc.
Tốt nghiệp Trường Đại học Thủ đô Hà Nội năm 2010, cô Phương thi đỗ viên chức, dạy môn sinh học tại Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (quận Hai Bà Trưng). Năm 2013, cô Phương chuyển công tác đến Trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy).
Chỉ một năm sau khi nhận công tác ở Trường THCS Dịch Vọng, cô Phương đã được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm lớp. Liên tục từ năm 2014 đến 2020, dù bận việc gia đình, chăm sóc 2 con nhỏ, cô giáo Phương vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa học và thi lấy bằng thạc sĩ, vừa tự trang bị kỹ năng tin học và ngoại ngữ.
Dấu mốc quan trọng đối với cô Vũ Bích Phương là chuyến tham dự diễn đàn giáo dục toàn cầu tại châu Âu vào năm 2016 - phần thưởng dành cho giáo viên đoạt giải Nhất cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Trở về sau diễn đàn, rất nhiều ý tưởng, phương pháp dạy học hiện đại được gợi mở, một trong số đó là sáng kiến về phương pháp dạy học đảo ngược. Đây là phương pháp ứng dụng CNTT để giao nhiệm vụ cho học sinh trước khi học bài mới ở lớp. Khi đến mỗi tiết học, học sinh sẽ cùng trình bày, chia sẻ cùng nhau những điều đã tìm được. Giáo viên tổng hợp những nội dung chính về kiến thức, kỹ năng ở bài học đó.
Với phương pháp này, giáo viên dành thời gian, công sức kỹ hơn ở phần chuẩn bị để giao nhiệm vụ cho học sinh sao cho sát với yêu cầu về kiến thức, kỹ năng bài học. Học sinh được tự học, tự tìm hiểu, được cùng nhau chia sẻ trên lớp sẽ ghi nhớ lâu hơn.
Phương pháp này đã được nhiều đồng nghiệp cùng trường và trên địa bàn thành phố Hà Nội ứng dụng, góp phần nâng chất lượng dạy học trực tuyến trong bối cảnh học sinh phải tạm dừng đến trường khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tâm huyết với Dự án chống biến đổi khí hậu
Là giáo viên dạy sinh học, cô Phương dành nhiều tâm huyết xây dựng “Dự án chống biến đổi khí hậu bằng việc làm thiết thực”, với mong muốn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và làm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Cô Phương cho biết: Năm 2015, khi chứng kiến đợt nắng nóng kỷ lục của miền Bắc, cô nhận thấy ứng phó biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết. Từ đó, cô lên ý tưởng triển khai một hoạt động giúp các em học sinh góp phần công sức ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án "Ứng phó biến đổi khí hậu - Mô hình dạy và học định hướng phát triển bền vững" ra đời.
Ban đầu, dự án chỉ là nội dung tích hợp đi kèm bài học môn Sinh học cho các em lớp 6. Đến kỳ nghỉ hè, cô Phương sử dụng phần mềm OneNote tạo sổ làm việc trực tuyến và giao việc cho học sinh .Thông qua ứng dụng sổ làm việc trực tuyến, học sinh của cô Phương đã nhận nhiệm vụ như trồng cây, tái chế phế liệu trong suốt kỳ nghỉ.
"Dù ở nhà hay đang đi du lịch, nghỉ hè với gia đình, các em đều có thể hoàn thành nhiệm vụ,đăng ảnh và chia sẻ thông tin với cô giáo và các bạn. Đồng thời, OneNote là nền tảng riêng không phải mạng xã hội, tại đây đều lưu giữ lại những hoạt động theo giờ của học sinh nên giáo viên và phụ huynh hoàn toàn yên tâm về khả năng tập trung của các em", cô Phương chia sẻ.
Giúp học sinh tự tin qua các hoạt động ngoại khóa
Ngoài ra, cô Phương cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá cho các em như đi thăm nhà máy giấy, hưởng ứng giờ Trái đất, trồng cây trong ống nhựa tái chế, phân loại rác theo 3 nhóm và tìm cách để xử lý đảm bảo an toàn. Tham gia hoạt động ngoại khoá, học sinh có ý thức tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường.
Mở rộng dự án ra ngoài trường THCS Dịch Vọng, cô Phương kết hợp với một nhóm giáo viên tại Hà Nội nghiên cứu nội dung dạy học của các khối từ lớp 1 đến lớp 12 để thống kê tài liệu liên quan đến chống biến đổi khí hậu, chia theo 5 chủ đề chính, đưa vào dạy tăng cường trong trường học.
Niềm vui lớn nhất cô Phương nhận được từ dự án là những đoạn video các em học sinh tự thực hiện về môi trường như: Tác dụng xua muỗi từ cây sả, Hãy cùng chúng em bảo vệ bầu khí quyển Trái đất, Xây dựng hệ thống tưới cây từ xa... Dự án cũng được phụ huynh chia sẻ, hướng dẫn con em mình bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai.
Điều trăn trở nhất của cô giáo Phương hiện nay là nâng hiệu quả dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế với chi phí hợp lý, đồng thời tạo thêm hứng thú cho học sinh bằng cách cho các em đi xe buýt 2 tầng, tham quan bảo tàng, thử các món ăn ngon của Hà Nội… là cách thức mà cô Phương sẽ triển khai trong năm học này, giúp các em phát triển các kỹ năng cần thiết.
Nhận xét về đồng nghiệp, cô Lê Thị Thúy Nga - Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng nhận xét: Là giáo viên trẻ nhưng cô Phương đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Cô Phương là giáo viên chủ nhiệm giỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong dạy học mang tính ứng dụng cao, được phụ huynh tin tưởng, học trò yêu quý. Ngoài ra, cô còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, là bí thư đoàn trường rất năng động.
Chị Dương Hồng Yên- phụ huynh em Vũ Duy Anh, học sinh lớp 6A6 bày tỏ: Từ một học trò khá nhút nhát, không thích tham gia các hoạt động chung, nhưng chỉ sau gần 2 tháng từ khi vào lớp 6 do cô giáo Phương làm chủ nhiệm, tôi rất mừng khi thấy con có nhiều chuyển biến tích cực. Con tự tin đăng ký làm người dẫn chương trình của lớp dịp 2/10, tích cực, hào hứng tham gia các hoạt động tập thể.