Để bày tỏ sự biết ơn với các thầy cô giáo, nhiều nước trên thế giới đã lấy một ngày trong năm làm Ngày Nhà giáo. Vì là ngày lễ, việc tặng quà cho nhau cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, ở nhiều nước phương Đông và cụ thể là Trung Quốc, việc tặng/nhận quà lại đang khiến nhiều người bối rối.
Cách đây không lâu, một tình huống không hay đã xảy ra với cô giáo Ngô vì khoe quà nhận được nhân Ngày Nhà giáo Trung Quốc (10/9). Cụ thể, giáo viên trẻ này công khai cảm ơn một "người giấu mặt" trên trang Weibo cá nhân. Tuy nhiên, cô có giữ kết nối với nhiều phụ huynh trên MXH này và họ đã nhìn thấy bài đăng.
Một vài người chia sẻ lại vào nhóm chat chung giữa giáo viên và phụ huynh của lớp rồi chỉ trích cô giáo trẻ không tiếc lời. Họ cho rằng hành động "khoe quà" giống như "nhắc khéo" phụ huynh tặng vậy, dù việc này đã bị nhà trường nghiêm cấm.
Thậm chí, có người quá khích còn đã báo cáo lên ban giám hiệu về việc cô giáo Ngô nhận quà tặng của phụ huynh học sinh.
Cô Ngô rất khổ sở giải thích rằng mọi người nghĩ quá xa, cô không có bắt phụ huynh tặng quà. Thứ mà cô nhận được chỉ là bó hoa và thỏi kẹo socola có giá trị vật chất rất thấp. Và người tặng cô cũng không phải phụ huynh học sinh, chỉ là một người bạn. Cô cảm thấy trân trọng người đã nhớ tới nghề nghiệp và công việc của mình nên đã đăng tải lên MXH.
Không rõ nhà trường và ban giám hiệu sẽ giải quyết tình huống này như thế nào, nhưng câu chuyện này được chia sẻ lên nhiều diễn đàn đã thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Đặc biệt, hầu hết dân mạng tỏ ra phẫn nộ vì sự suy diễn quá đà của phụ huynh:
- Thật là quá đáng! Họ cần phải biết ơn tới cô giáo của con em mình chứ!
- Tất cả chỉ là suy diễn.
- Tại sao họ có thể đánh đồng việc khoe quà với yêu cầu tặng quà được chứ?
- Tội nghiệp cô giáo Ngô.
Thật sự, việc tặng quà trong Ngày Nhà giáo vốn để thể hiện sự biết ơn, tôn trọng tới những người đã, đang thực hiện sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, không ít người lại làm biến tướng đi ý nghĩa tốt đẹp ấy nhằm trục lợi cá nhân.
Và đó chính là lý do nhiều trường học đã ra lệnh "cấm" nhận quà ngoại trừ hoa hoặc những món quà handmade, quà tinh thần...
Trở lại với trường hợp của cô giáo Ngô, có thể cô chỉ hơi vô tư khi khoe món quà mình yêu thích lên MXH, nhưng rõ ràng vấn đề nằm ở phía phụ huynh học sinh. Họ đã quá nhạy cảm và làm lớn chuyện khiến ngày vui của cô giáo bỗng chốc trở nên tồi tệ!
Phụ huynh nên làm gì trong Ngày Nhà giáo?
Hầu hết các giáo viên chẳng cần quà cáp to tát gì, họ chỉ mong có được cái nhìn cảm thông hơn và sự tin tưởng, hợp tác từ phía gia đình.
Bởi nghề cầm bút thật sự không hề nhàn nhã chút nào. Trên lớp thì đối mặt với đủ trò nghịch như giặc của hội "nhất quỷ nhì ma", tối về vẫn miệt mài chấm bài, soạn giáo án. Thế nhưng hễ học sinh không ngoan hay lực học kém, giáo viên lại chính là người đầu tiên bị đổ lỗi.
Một thầy hiệu trưởng trường THCS tại Q.1, TP.HCM từng chia sẻ mong muốn, và đó cũng là tâm tư của nhiều giáo viên khác: "Đến ngày 20/11, hãy đừng tặng những lời chúc mừng khách sáo, hãy đừng tặng những món quà vật chất mà đằng sau đó là sự tranh cãi giữa các bậc mẹ cha, hãy đừng tặng thầy cô sự vô lễ. Đội ngũ nhà giáo chúng tôi chỉ cần nhận được sự tôn trọng, tin tưởng, từ tấm lòng của phụ huynh và học sinh để chúng tôi vững vàng trước những khó khăn của nghề giáo. Món quà đó hình như đang dần bị lãng quên!".
Ngày Nhà giáo là một ngày lễ để tri ân thầy cô, đừng để những hiểu lầm không đáng có mà làm khó cả đôi bên!