Khi con chuẩn bị vào lớp 1, bố mẹ vẫn có thể giúp con thuộc bảng chữ cái và một số cách ghép vần đơn giản để con nhanh chóng bắt kịp nhịp học tập với các bạn. Theo cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học ở Hà Nội, giai đoạn này bố mẹ có thể hướng dẫn con viết nét cơ bản, bảng chữ cái và tư duy ghép vần.
Nhận diện và đánh vần
Cô Ngọc Anh áp dụng một phương pháp đọc với rất nhiều học sinh, với cả con gái mình và nhận thấy sự tiến bộ vượt bậc của các con. Chỉ trong hai tháng, Sushi - con gái cô Ngọc Anh đã biết đánh vần và đọc.
Phương pháp này áp dụng với các bé đã nhận biết được chữ cái. Cách làm cực kỳ ngắn gọn và đơn giản. Bước đầu, cha mẹ cho con nhận diện hai chữ cái trong vần.
Chẳng hạn với vần "an", cô Ngọc Anh yêu cầu con cho biết âm nào đứng trước, âm nào đứng sau tính từ trái qua phải. Sau khi con gái đã nhận diện được âm a đứng trước, âm n đứng sau, cô chuyển qua bước hai là đánh vần.
"Âm nào đứng trước thì con phát âm ra trước, âm nào đứng sau thì con phát âm sau. Bây giờ đánh vần theo mẹ: "A... n...". Con đang phát âm chậm đúng không, bây giờ chúng ta sẽ nhanh hơn một chút. Mình sẽ dạy con ghép nhanh, ghép liền hai âm vào như vậy thì mình sẽ được một vần. Tương tự như vậy với tất cả các vần khác như Om", cô Ngọc Anh hướng dẫn.
Clip cô Ngọc Anh dạy con đánh vần. |
Thời gian dạy con đọc chữ
Theo cô Ngọc Anh, các con thời gian đầu chưa nhớ và bật ngay ra vần là chuyện bình thường. Bố mẹ cho con nhẩm lại vần nhiều lần. Một thời gian khi con luyện đọc nhiều, con sẽ nhớ được.
Cô Ngọc Anh cho rằng thời điểm sẵn sàng học chữ ở mỗi đứa trẻ là khác nhau. Bố mẹ nên thử giới thiệu với con, xem con đã muốn tiếp nhận hay chưa. Không nên ép trẻ!
"Ví dụ hồi 3 tuổi rưỡi, Sushi chưa muốn học chữ. Mình chờ đợi. Khi con 4 tuổi, mình thấy con tiếp nhận khá tốt, xem truyện thường hỏi mẹ xem Đây là chữ gì? Nên mình bắt đầu cho con làm quen.
Mỗi chữ cái mình cho con làm quen từ 1 - 2 ngày. Mỗi ngày 15 phút thôi. Thời lượng này có thể tăng dần, tùy vào sự tập trung của con. Sự tập trung cần phải rèn luyện nên chúng ta sẽ làm liên tục và đều đặn với con. Bảo đảm sau 1 tháng, con sẽ tự giác như một thói quen. Các cô giáo ở lớp cũng chỉ rèn các con đều đặn, liên tục và thường xuyên như vậy thôi, không có gì quá phức tạp cả", cô Ngọc Anh nói.
"Mình không yêu cầu cao siêu ở con. Mình chỉ xem học tập là một hoạt động tự nhiên và vui vẻ, mình tôn trọng thời điểm con đón nhận những hoạt động đó. Để không áp lực khi dạy con, mình chỉ có 2 bí quyết thôi. Một là hiểu con, hiểu đúng mức độ nhận thức của con để có phương pháp dạy học phù hợp. Hai là, nếu thay đổi mọi phương pháp mà vẫn chưa thấy con tiến bộ, tốt nhất nên giảm mong cầu ở mình, kiên nhẫn và đón nhận vui vẻ", cô Ngọc Anh nói thêm.
Rèn con tập viết
Cô Ngọc Anh cho rằng, để việc rèn con là những khoảng thời gian vui vẻ, không áp lực, bố mẹ hãy mang một tâm thế đồng hành, hỗ trợ con, xem như học viết là một trải nghiệm mới của con. Cả mẹ và con sẽ cùng nhận ra nhiều điều trên hành trình đó. Con có thêm những kĩ năng, mẹ có thêm sự kiên nhẫn. Bởi luyện viết là một quá trình - mẹ đừng nôn nóng. Thái độ của bố mẹ luôn quyết định rất nhiều tâm thế học tập của con.
Việc dạy viết cho trẻ lớp một đòi hỏi quy trình tỉ mỉ, gồm ba bước. Bước một, giáo viên cho học sinh quan sát mẫu chữ, nhận xét độ rộng và độ cao. Bước hai, giáo viên viết mẫu, kết hợp hướng dẫn học sinh bằng lời. Bước ba, học sinh viết vào bảng con hoặc vở.
Yêu cầu về chữ viết đối với học sinh lớp 1 gồm: Viết đúng chữ thường, cỡ vừa, cỡ nhỏ và viết đúng chữ in hoa; viết liền mạch các chữ cái trong vần và tiếng; viết đúng chữ số (từ 0 đến 9); viết đúng quy tắc các chữ có tiếng mở đầu bằng c, k, q, g, gh, ng, ngh; viết đúng chính tả đoạn thơ, đoạn văn có độ dài khoảng 30-35 chữ theo các hình thức nhìn - viết (tập chép), nghe - viết, tốc độ viết khoảng 30-35 chữ/15 phút và học sinh không mắc quá 5 lỗi.
Theo cô Ngọc Anh, để trẻ viết được chữ đẹp, đúng cách, không gây hại tới thị lực và xương sống, bên cạnh cách cầm bút, tư thế ngồi rất quan trọng. Giáo viên hoặc phụ huynh cần hướng dẫn các em dáng ngồi ngay ngắn; lưng thẳng, không tì ngực vào bàn hay nằm rạp xuống; đầu hơi cúi và nghiêng sang trái; hai mắt cách vở 25-30cm; hai chân để thoải mái, rộng bằng vai, song song với nhau, trọng lượng cơ thể dồn vào vùng hông và đùi; hai tay thoải mái.
Học sinh cầm bút bằng ba ngón tay: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Trong đó, ngón cái giữ bên trái thân bút. Ngón trỏ đặt ở giữa thân bút, cách đầu ngòi bút khoảng 2 cm. Ngón cái và ngón trỏ có vai trò điều khiển hướng đi của bút. Ngón tay giữa đặt ở phía bên phải để đỡ bút.
Sau khi đã cầm bút đúng cách, học sinh cần giữ cổ tay cho thẳng. Hướng đặt bút theo hướng ngồi, góc bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy. Dùng các ngón tay và cơ cổ tay để điều khiển bút khi viết. Hướng đưa bút là từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Cánh tay và cổ tay cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để di chuyển bút theo chiều ngang.
Khi mới tập viết, mẹ cần chọn đúng loại bút chì cho con. Bút phù hợp với các con là 2B, chất chì không quá cứng, không quá mềm. Mẹ chọn thêm 1 cục tẩy loại tốt, mới tẩy sạch và không bị rách vở.
Nữ giáo viên chia sẻ, chữ viết của trẻ lớp 1 có thể tốt lên nhờ quá trình luyện tập. Việc luyện thực hành đều đặn, thường xuyên mỗi ngày sẽ giúp trẻ nhớ lâu và giúp cơ ngón tay, cổ tay linh hoạt hơn. "Trăm hay không bằng tay quen, luyện viết đều đặn giúp trẻ hoàn thiện các lỗi sai; từ đó, viết chữ đẹp hơn từng ngày", cô Ngọc Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô giáo cũng lưu ý khi dạy con tập viết, luôn đặt tiêu chí: "Chất lượng hơn số lượng" lên hàng đầu. Số lượng dòng viết ban đầu nên ít, sau đó mới tăng dần lên. Dạy gì cũng chú ý tính "vừa sức", phù hợp với khả năng của con. Con viết 3 dòng trong hứng thú mà đẹp, sẽ tốt hơn nhiều việc viết 3 trang giấy trong chán nản, uể oải.
Nếu bạn quá nóng giận, hãy dừng việc dạy con học lại. Điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Dạy học trong cơn giận chỉ làm tình hình tồi tệ thêm. Đừng giày vò cả mình cả con trong tình trạng đó. Đọc câu thần chú: "Hãy cho con thêm thời gian!", cô Ngọc Anh đưa ra lời khuyên.