Nguyên mẫu lịch sử của nhân vật Hoa phi Niên Thế Lan trong phim "Hậu cung Chân Hoàn Truyện" chính là Đôn Túc Hoàng Quý phi Niên thị nhưng người này lại hoàn toàn khác với hình tượng được xây dựng trong phim.
Nàng là một trong những phi tần được Hoàng đế Ung Chính sủng ái nhất, xuất thân từ một gia tộc hiển hách, từ thời nhà Minh đã có người làm quan lại trong triều. Đến thời Hoàng đế Thuận Trị, gia tộc Niên thị nhập tịch Mãn Châu, sau đó đưa vào Hán Quân Tương Hoàng kỳ.
Phụ thân và các anh trai của nàng đều đảm nhận các chức quan triều. Anh trai thứ của nàng chính là đại thần Niên Canh Nghiêu, có vai trò quan trọng trong suốt 2 triều Ung Chính và Khang Hi.
Năm Khang Hi thứ 50, Niên thị được Hoàng đế Khang Hi chỉ định làm Trắc phúc tấn của Ung Thân vương Dận Chân, trong khi Na Lạp thị được sắc phong thành Đích phúc tấn. Lúc đấy, được Hoàng đế chỉ hôn là một điều vinh dự đối với Niên thị. Sau khi đến phủ Ung Thân vương, Niên thị được sủng ái rất lớn từ Ung Thân vương Dận Chân.
Không giống với nhân vật Hoa phi Niên Thế Lan trong phim "Hậu cung Chân Hoàn Truyện", Niên thị trong lịch sử là một nữ nhân hiền lành và ít nói. Trước mặt Đích phúc tấn Na Lạp thị (sau trở thành Hiếu Kính Hiến Hoàng hậu), Trắc phúc tấn Niên thị luôn kính cẩn hầu hạ.
Đối với những người hầu hay cách cách khác, Niên thị cũng rất khoan hậu. Điều này đã khiến trên dưới phủ Ung Thân vương đều yêu mến nàng. Ung Thân vương Dận Chân thường xuyên tán dương sự dịu dàng và cách đối nhân xử thế khiêm tốn của Niên thị, ông luôn bày tỏ sự biết ơn với Hoàng đế Khang Hi vì đã chọn cho mình một nữ nhân tốt đẹp.
Có thể nói, Niên thị thật sự có được độc sủng từ Ung Thân vương Dận Chân. Bởi ngay cả lúc bận rộn thì ông vẫn dành thời gian ở bên Niên thị. Cũng chính vì thế mà nàng là một trong những nữ nhân sinh cho ông nhiều con nhất.
Năm Khang Hi thứ 54, Trắc phúc tấn Niên thị hạ sinh con gái thứ 4 cho Ung Thân vương Dận Chân.
Năm Khang Hi thứ 59, Trắc phúc tấn Niên thị hạ sinh con trai thứ 7 Phúc Nghi cho Ung Thân vương Dận Chân.
Năm Khang Hi thứ 60, Trắc phúc tấn Niên thị hạ sinh con trai thứ 8 Phúc Huệ cho Ung Thân vương Dận Chân.
Năm Ung Chính nguyên niên, Niên thị hạ sinh con trai thứ 9 Phúc Phái cho Hoàng đế Ung Chính.
Nhưng không may, ngoài người con trai thứ 8 là sống đến 7 tuổi, 3 người con còn lại đã chết yểu. Khi Niên thị mang thai Phúc Phái trùng hợp là thời điểm cử hành tang lễ cho tiên đế, lễ nghi phức tạp và sức khỏe không ổn định đã ảnh hưởng đến thai kỳ. Đứa bé mất sau khi ra đời 1 tháng.
Con cái liên tục mất sớm đã giáng đòn nặng nề lên Niên thị, nhất là đợt sinh Phúc Phái trước đó đã khiến sức khỏe nàng sa sút trầm trọng.
Sau khi Ung Thân vương Dận Chân nối ngôi, tức Hoàng đế Ung Chính, Trắc phúc tấn Niên thị được phong Quý phi. Quý phi Niên thị là phi tần duy nhất có tước vị Quý phi trong hậu cung lúc đó. Đây là một đặc ân đối với Niên thị bởi vì Trắc phúc tấn Lý thị sinh được con trai lại có tư lịch cao hơn Niên thị cũng chỉ được phong Tề phi.
Tuy nhiên, không có sự vinh quang hay phú quý nào có thể bù đắp nỗi đau mất con. Quý phi Niên thị ôm nỗi đau khiến cơ thể ngày càng suy kiệt. Đến năm Ung Chính thứ 3, nàng lâm bệnh nặng.
Cuối năm đó, Hoàng đế hạ chỉ tấn phong Quý phi Niên thị thành Hoàng quý phi với hi vọng xung hỉ, bệnh nặng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, bệnh trạng của nàng ngày càng nghiêm trọng hơn.
Cũng trong thời gian này, Hoàng đế Ung Chính phải thực hiện lễ tế trời. Khi nghe tin Hoàng quý phi Niên thị đang nguy kịch, vừa kết thúc tế lễ ông liều quay trở lại hoàng cung theo dõi tình hình, đồng thời hủy bỏ thiết triều vào ngày hôm sau.
Lúc Hoàng quý phi Niên thị đang hấp hối, một người nghiện công việc như Hoàng đế Ung Chính cũng phải bỏ hết tất cả để ở bên nàng những ngày cuối đời. Cuối tháng 11 năm Ung Chính thứ 3, Hoàng quý phi Niên thị hoăng thệ (qua đời), thụy hiệu là Đôn Túc Hoàng quý phi.
Ngày Hoàng quý phi Niên thị mất, Hoàng đế nghỉ triều 5 ngày và cử hành đại lễ an táng đặc biệt. Tang lễ của nàng đã trở thành điển phạm cho tất cả tang lễ của các Hoàng quý phi về sau.
Sau này, Hoàng đế Ung Chính đặc biệt sủng ái Phúc Huệ, người con trai duy nhất còn sống của Hoàng quý phi Niên thị. Nhưng đáng tiếc, đến năm Ung Chính thứ 6, Phúc Huệ cũng mất. Hoàng đế vô cùng đau lòng, hạ lệnh chôn cất theo quy cách của một Thân vương.
Cũng phải nói, vì sự tồn tại của Niên thị trong cuộc đời Hoàng đế Ung Chính mà toàn bộ gia tộc Niên thị được đối đãi đặc biệt hơn. Sau khi Niên Canh Nghiêu bị kết án tử hình, chiếu theo luật định thời đó, chắc chắn sẽ liên lụy đến cả gia tộc. Nhưng Hoàng đế đã khai ân, chỉ xử tử Niên Canh Nghiêu và con trai của hắn là Niên Phú, những người khác trong gia tộc đều được miễn tội chết.
Nguồn: Toutiao, Baidu, Qulishi