Truyền thông Trung Quốc gần đây đã đưa tin về một trường hợp hi hữu của nam thanh niên 25 tuổi đến từ Hồ Nam bị chấn thương phổi nghiêm trọng vì cố hát karaoke ở nốt cao.

Nam thanh niên chia sẻ rằng, trước đó anh đã tham dự bữa tiệc sinh nhật của một người bạn tại quán karaoke. Trong lúc đang cao hứng, anh quyết định thể hiện bằng cách hát ca khúc New Drunken Concubine – một bài hát có tông khá cao với những ai không phải ca sĩ chuyên nghiệp.

Cố hát karaoke với giọng quá cao, thanh niên 25 tuổi bị "vỡ phổi" suýt mất mạng, nhưng đáng chú ý vẫn là lời cảnh báo của bác sĩ - Ảnh 1.

Hát karaoke không nên quá sức lên tông cao kẻo mắc tràn khí màng phổi (Ảnh minh họa).

Khi đến đoạn điệp khúc cao trào, anh đã dùng hết sức để lên tông cao và bỗng nhiên thấy một cơn đau nhói ở ngực. Ngay sau đó anh đành phải dừng ngang bài hát và quyết định về nhà nghỉ ngơi, cũng không có ý định đi khám vì vẫn chịu được cơn đau.

Những tưởng ngủ dậy xong thì cơn đau cũng biến mất, nhưng không, anh cảm thấy rất khó thở, mệt mỏi và không thể cử động nổi cơ thể. Nghe tiếng kêu cứu, gia đình nhanh chóng gọi cấp cứu mang anh đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả chụp Xquang cho thấy anh đã bị tràn khí màng phổi, nếu để lâu thêm một chút nữa có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Sau khi anh thuật lại mọi chuyện, bác sĩ cho biết nguyên nhân gây bệnh chính là do anh cố gắng hát nốt cao. Khi lên tông cao, nam thanh niên đã dùng nhiều lực đến mức làm các túi khí trong phổi bị vỡ ra, khiến không khí từ bên ngoài tràn vào khoang ngực và nén thể tích phổi còn 15% so với bình thường.

Cố hát karaoke với giọng quá cao, thanh niên 25 tuổi bị "vỡ phổi" suýt mất mạng, nhưng đáng chú ý vẫn là lời cảnh báo của bác sĩ - Ảnh 2.

Sau khi phẫu thuật, sức khỏe của nam thanh niên dần hồi phục và xuất viện khỏe mạnh.

Các bác sĩ ngay sau đó liền tiến hành phẫu thuật cắt bỏ túi khí cho nam thanh niên 25 tuổi. Sau ca phẫu thuật, anh nhanh chóng hồi phục và được bác sĩ cho xuất viện vào ngày 26/11 vừa qua. Sự việc này đã gây xôn xao khắp mạng xã hội, cũng như một lời cảnh báo cho những ai thường xuyên hát tông cao quá sức.

Tràn khí màng phổi nguy hiểm thế nào?

Tràn khí màng phổi là tình trạng phổi bị xẹp khiến không khí xâm nhập vào khoang màng phổi. Lượng khí này sẽ ép vào phía ngoài phổi và làm phổi xẹp xuống, làm bệnh nhân khó thở và có thể dẫn đến hôn mê, tử vong sớm nếu không điều trị kịp thời. Tràn khí màng phổi có thể xảy ra ở toàn bộ hoặc một phần phổi.

Theo bác sĩ Yang Jicheng – giám đốc Bệnh viện Trung ương Hồ Nam (Trung Quốc) chia sẻ, chứng bệnh của nam thanh niên trên được gọi là tràn khí màng phổi tự phát – một loại bệnh xuất hiện đột ngột không rõ nguyên nhân. Tỉ lệ mắc chứng bệnh này trên thế giới dao động khoảng 1/215000 đến 1/67000.

"Bệnh gặp chủ yếu ở những nam thanh niên cao và gầy, rặn mạnh khi đại tiện, sau khi vận động gắng sức, ho mạnh hoặc hát nốt cao. Khi dùng sức lên tông cao trong những bài hát khó, bạn sẽ vô tình gây áp lực lên lồng ngực và chèn ép các cơ quan nội tạng, tạo điều kiện cho bệnh tràn khí màng phổi tấn công" – Bác sĩ Yang cảnh báo.

Cố hát karaoke với giọng quá cao, thanh niên 25 tuổi bị "vỡ phổi" suýt mất mạng, nhưng đáng chú ý vẫn là lời cảnh báo của bác sĩ - Ảnh 3.

Một số biểu hiện sớm của bệnh tràn khí màng phổi bạn cần ghi nhớ: Ban đầu là khó thở và mệt mỏi, tiếp theo là đau ngực đến mức không chịu được và xảy ra tình trạng ho khan. Trong vài trường hợp khác, bệnh còn khiến tim đập nhanh, tụt huyết áp và làm tay chân lạnh toát.

Bác sĩ Yang cảnh báo rằng, loại bệnh này không thể tự điều trị tại nhà hay dùng thuốc. Cho nên ngay từ khi bệnh bùng phát, bạn cần phải đến bệnh viện ngay lập tức để tiến hành thăm khám. Càng chậm trễ sẽ càng tăng nguy cơ xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Như trường hợp của nam thanh niên trên, bác sĩ Yang khuyên những ai có thân hình cao, gầy nên ăn nhiều thực phẩm có chất xơ thô như trái cây, lúa mạch và yến mạch để tăng cường sức khỏe phổi. Bên cạnh đó, hãy tập thêm các bài thể dục như chạy bộ, đi bộ nhanh, bơi lội, aerobic, Thái cực quyền… để cơ thể dẻo dai hơn.

Theo Sohu, Healthline