Lấy chồng từ năm 19 tuổi, vốn dáng hơi nhỏ, gày gò, chị Đào không ngờ 9 tháng mang thai với mình lại vất vả đến như thế. Người khác chỉ nghén 3 tháng còn chị suốt thai kỳ, sụt cân.
"Không ăn uống được gì, nên người lúc nào cũng mệt lử, hoa mắt, chóng mặt. Thấy sợ quá, mẹ chồng cũng đồng ý cho sinh một đứa thôi. Hôm đi ra viện đẻ thì đã cạn hết nước ối phải mổ gấp, mổ xong thì thắt luôn đường dẫn trứng", chị Đào chia sẻ.
Hơn một năm sau thấy mình ngày một khỏe hơn, nên chị lại nhen nhóm hy vọng sinh thêm con. Thế nhưng dù đã đi chữa nhiều nơi, đến tận Hải Phòng, Thanh Hóa... mà mãi vẫn không có tin vui. Năm 2009, hai vợ chồng chị quyết định thử lần cuối lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương khám.
Vợ chồng chị Đào hạnh phúc bên cậu con trai mới sinh. Ảnh: N.P.
"Run rủi thế nào vợ chồng mình gặp được giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc bệnh viện. Lúc nghe bác nói 'cái này chữa được' thì mình vui như mở cờ. Bác sĩ đã phẫu thuật nối lại 2 vòi trứng và dặn một năm sau thì mới được đẻ", chị nói.
Đến hẹn, bác sĩ Vy thông báo là vòi trứng đã thông và tiêm thuốc để có em bé. Được 2 tháng thì chị Đào có tin vui. Lần này mọi việc suôn sẻ, chị tăng cân nhiều, không nghén. "Giờ cháu đã được hơn 5 tháng, nghe tiếng trẻ con khóc mà vợ chồng mình vẫn cứ nghĩ đây là giấc mơ", chị Đào cười nói.
Chị Đào chỉ là một trong số mấy trăm trường hợp đã được mổ nối vi phẫu vòi trứng thành công tại bệnh viện này.
Giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, lần đầu ông thực hiện kỹ thuật này là vào năm 1999 tại Hải Dương, đến nay kỹ thuật này đã trở thành thường quy tại bệnh viện. Dù vậy vẫn có nhiều người không biết địa điểm này, đi chữa nhiều nơi, tốn nhiều tiền của công sức mà không kết quả.
Giáo sư Nguyễn Đức Vy, nguyên giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: N.P.
Tình trạng tắc vòi trứng hai bên dẫn đến vô sinh thứ phát (từng mang thai nay không mang thai được) đang gia tăng ở mức báo động. Trước đây, vô sinh thứ phát chỉ chiếm trên 40% trong tổng số vô sinh nhưng hiện tại chiếm tới hơn 67%.
Nguyên nhân chủ yếu là do viêm nhiễm, do nạo hút thai, triệt sản... Ngoài ra, có tới 26% phụ nữ chưa hề có thai sau lấy chồng cũng bị tắc.
"Có những người sinh đủ 2 con rồi mới tính đến chuyện triệt sản. Thế nhưng không may do tai nạn giao thông, chết đuối, lũ cuốn... mà cả hai con đều chết nên họ muốn có hội nữa được làm cha, làm mẹ. Có chị em thì bị dính, tắc vòi trứng bẩm sinh hoặc là biến chứng của việc nạo, hút thai hay bị chửa ngoài dạ con...", giáo sư Vy nói.
Cũng theo ông, vòi tử cung (hay vòi trứng) nhỏ đúng bằng sợi tóc, chỉ khoảng 0,5-1mm, nên phải dùng kính hiển vi để nối. Các chuyên gia sẽ cắt bỏ phần dính quanh vòi tử cung gây ra những cản trở sự lưu thông của trứng, sau đó nối lại.
Kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kiểu tắc như thế nào, điểm tắc ở đâu, có dài không... Kỹ thuật này rẻ hơn thụ tinh trong ống nghiệm, giá hiện nay là khoảng 3 triệu. Tỷ lệ thành công cao, trên 90% nếu dưới 30 tuổi, 75% nếu dưới 40 tuổi và 45% nếu trên 40 tuổi.
Thời gian có thai trở lại sau vi phẫu trung bình 4 đến 10 tháng, cá biệt có trường hợp có thai ngay tháng đầu sau mổ.