Khi bắt đầu mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ trải qua nhiều thay đổi để thích nghi với việc cưu mang, bảo vệ và nuôi nấng một sinh linh bé bỏng. Những thay đổi này không chỉ diễn ra ở vẻ bề ngoài như bạn tròn trịa hơn, bụng to hơn, tăng cân nhiều hơn, mà còn có một số bệnh lý sẽ phát sinh trong quá trình mang thai, chẳng hạn như tiểu đường trong thai kỳ.

Đây là căn bệnh xảy ra trong thời kỳ mang thai khi cơ thể người mẹ không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu khiến nó tăng cao. Nói cách khác, khi dung nạp thực phẩm, các hormone insulin được tạo ra bởi tuyến tụy có nhiệm vụ chuyển hóa glucose từ tế bào máu thành năng lượng.

Vì mang thai nên cơ thể người mẹ cần nhiều glucose hơn để cung cấp cho em bé. Tuy nhiên, có một số trường hợp, cơ thể của mẹ bầu đã không sử dụng insulin tốt như trước đây hoặc không sản xuất ra đủ insulin để chuyển hóa lượng glucose cần thiết. Do đó, đường dư thừa sẽ đi vào trong máu và gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ.

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào đối với mẹ và em bé?

Tiến sĩ Michael Paidas, công tác tại khoa phụ sản của trường đại học Y Miami (Mỹ) cho biết: "Việc tầm soát tiểu đường trong thai kỳ là rất quan trọng. Bởi căn bệnh này sẽ gây ra các biến chứng cho mẹ và bé như làm tăng huyết áp của thai phụ, tiền sản giật, em bé nặng cân nên phải sinh mổ và người mẹ có thể có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ngay cả khi đã sinh con. Đây chính là lý do vì sao bác sĩ phải theo dõi chặt chẽ bệnh tiểu đường trong thai kỳ ở thai phụ".

Có một căn bệnh rất nhiều mẹ bầu mắc phải trong thai kỳ nhưng lại không biết làm cách nào để ngăn chặn nó - Ảnh 1.

Phụ nữ mang thai nên được tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ khi bước vào tháng thứ 3 và giai đoạn từ 24 – 28 tuần (Ảnh minh họa).

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có khoảng 10% phụ nữ mang thai được phát hiện mắc bệnh tiểu đường thai kỳ ở Mỹ. Tiến sĩ Michael giải thích: "Bạn sẽ có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn nếu bạn đã mắc phải bệnh này vào lần mang thai trước đó, hoặc bạn bị béo phì hay gia đình có người bị tiểu đường. Do đó, phụ nữ mang thai nên được tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ khi bước vào tháng thứ 3 và giai đoạn từ 24 – 28 tuần. Những bệnh nhân có nguy cơ cao nên được kiểm tra sàng lọc sớm hơn một chút".

Tiến sĩ Michael cũng cho biết rằng quy trình kiểm tra tiểu đường thai kỳ vô cùng đơn giản. Đầu tiên, kỹ thuật viên sẽ lấy một mẫu xét nghiệm máu để xác định chỉ số đường huyết lúc đói của thai phụ. Việc này thường được thực hiện vào buổi sáng khi bệnh nhân chưa ăn uống gì hoặc đã nhịn ăn ít nhất trong khoảng 8 giờ và không quá 12 giờ.

Sau đó, bạn sẽ được hướng dẫn uống 200ml nước có pha 75g glucose trong khoảng thời gian 3 đến 5 phút. 1 – 2 giờ đồng hồ tiếp theo, thai phụ không được ăn uống hay hút thuốc, vận động mạnh cho đến khi kỹ thuật viên lấy mẫu máu thứ 2 để đo đường huyết.

Kết quả đường huyết bình thường là:

- Lúc đói: dưới 95 mg/dL.

- Sau 1 giờ uống nước đường là dưới 140 mg/dL.

- Sau 2 giờ uống nước đường là dưới 120 mg/dL.

Tiểu đường thai kỳ được xác định nếu bạn có từ hai mẫu máu bằng hoặc cao hơn các giới hạn trên. Còn nếu bạn chỉ có một mẫu máu cao hơn hoặc bằng thì gọi là rối loạn dung nạp đường trong thai kỳ.

Vậy làm thế nào để tránh nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ?

Tiến sĩ Michael chia sẻ để ngăn chặn tình trạng tiểu đường thai kỳ, các mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, đồng thời phải thường xuyên vận động, tập luyện thể dục nhẹ nhàng.

1. Cắt giảm tinh bột, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, hạn chế nước trái cây và bánh ngọt

Có một căn bệnh rất nhiều mẹ bầu mắc phải trong thai kỳ nhưng lại không biết làm cách nào để ngăn chặn nó - Ảnh 2.

Các loại thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống, gạo lứt, bột yến mạch, rau và trái cây là những lựa chọn giúp các mẹ bầu vừa no vừa bảo đảm sức khỏe (Ảnh minh họa).

"Muốn ngăn chặn tình trạng tiểu đường trong thai kỳ, chúng tôi thường khuyên các thai phụ cắt giảm lượng tinh bột, chẳng hạn như ăn ít cơm, khoai tây và bánh mì trắng. Thay vào đó, bạn cần bổ sung ít nhất 20 – 35gram chất xơ mỗi ngày. Các loại thực phẩm như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, mì ống, gạo lứt, bột yến mạch, rau và trái cây là những lựa chọn giúp bạn vừa no vừa bảo đảm sức khỏe", tiến sĩ Michael cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia dinh dưỡng Sonia Angel – người đứng đầu Trung tâm Dinh Dưỡng tại bệnh viện Khu vực Memorial ở Hollywood (Mỹ) cũng chia sẻ thêm: "Mang thai không phải là thời điểm thích hợp để bạn ăn kiêng. Cho nên bạn có đang bị tiểu đường trong thai kỳ hay không thì bạn cũng cần đảm bảo ăn ít nhất 3 bữa chính và 2 bữa phụ mỗi ngày. Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ thì nên tránh các loại đường tinh chế nằm ẩn trong nước trái cây, nước ngọt, bánh kẹo.

Đồng thời, bạn nên ăn ít carbohydrate hơn vào buổi sáng. Nguyên nhân là do hormone thai kỳ khiến bạn có xu hướng tăng lượng đường trong máu vào buổi sáng hơn so với buổi trưa hay buổi chiều tối".

Sonia Angel cũng khuyên các mẹ bầu hãy ăn trứng, giăm bông hoặc phô mát vào buổi sáng và để dành trái cây cho bữa xế vào buổi chiều. Và dù có như thế nào, bạn cũng cần phải bổ sung protein: thịt bò nạc, trứng, thịt gà, cá,… trong mỗi bữa ăn và đảm bảo mình nhận đủ sắt và canxi trong chế độ ăn.

Có một căn bệnh rất nhiều mẹ bầu mắc phải trong thai kỳ nhưng lại chưa lường hết được mối nguy hiểm của nó - Ảnh 4.

2. Tập thể dục nhẹ nhàng đều đặn hàng ngày

Bên cạnh việc ăn uống lành mạnh, điều độ ra, chuyên gia dinh dưỡng Sonia Angel cũng nhắc nhở các mẹ bầu hãy tập thể dục như một thói quen hàng ngày. "Bạn không nhất thiết phải tập luyện bài bản hay cường độ cao, nhưng ít nhất hãy đi bộ 15 đến 30 phút mỗi ngày hoặc thực hiện các bài tập giãn cơ. Việc duy trì hoạt động thể chất không chỉ giúp bạn và em bé khỏe mạnh, mà quan trọng hơn, nó còn ngăn lượng đường trong máu của bạn tăng lên", cô nhắn nhủ.

Ngoài ra, sau khi kết thúc thai kỳ, những phụ nữ bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai tiếp thục theo dõi lượng đường trong máu. Vì theo tiến sĩ Michael, rất có khả năng bạn sẽ bị mắc tiểu đường tuýp 2 ngay sau khi sinh con xong. Để giảm rủi ro mắc căn bệnh này, bạn nên :

- Giữ cân nặng ở mức phù hợp với cơ thể.

- Thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và thịt nạc.

- Tập thể dục đều đặn và thường xuyên.

Và hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ nếu bạn có vấn đề gì thắc mắc liên quan đến căn bệnh này.

Nguồn: News, WebMD