Trong một chương trình tạp kỹ của Trung Quốc, một bà mẹ chia sẻ, mình đã giáo dục con thông qua việc "tự ngược đãi bản thân" khiến con thấy tội lỗi, từ đó sửa chữa hành vi chưa đúng.
Người mẹ kể rằng có lần đứa con gái bốn tuổi cầm chơi rồi làm mất món đồ gì đó, đã hơn 12 giờ đêm mà đứa trẻ không nhớ nổi chỗ cất. Chị bắt đầu bực bội, rồi cuối cùng suy sụp và hút thuốc trước mặt con. Chỉ cần con gái phạm lỗi, người mẹ sẽ tự đánh mình, và đứa trẻ, lúc nào cũng trở nên vô cùng sợ hãi.
Khách mời chương trình, Li Chengru cho rằng cách làm của người mẹ đã gây ra áp lực tâm lý, đồng thời có tác động xấu đến sự phát triển của trẻ.
Trên mạng từng xuất hiện một đoạn video rất nổi tiếng. Con mắc lỗi, người cha cho rằng "con không ra gì là do cha" nên ra lệnh con đánh mình, nếu con không dám thì cha dùng gậy tự đánh trước mặt con. Nguy hiểm nhất là những bình luận ngưỡng mộ trên mạng: "Đây mới là cha", "Tình cha sâu nặng", "Nếu hồi nhỏ được cha dạy dỗ theo cách này thì hay quá"...
Hình thức giáo dục này nhìn bề ngoài sẽ khiến trẻ thấy tội lỗi và tạo ra động lực để tốt hơn, nhưng thực tế là sự tra tấn cảm xúc của trẻ.
Nhà tâm lý học Susan Fuward cho biết: Sợ hãi, trách nhiệm và tội lỗi là những cảm giác phổ biến nhất trong trái tim của những kẻ bị thao túng, và những kẻ tự bạo thường kiểm soát cảm xúc và hành vi của mình bằng cách truyền đạt ba cảm giác này.
Cha mẹ cứ nhấn mạnh sự vất vả với con cái, thể hiện tình yêu thương lớn lao của họ bằng cách tự làm tổn thương chính mình. Họ thực sự đang dùng hành vi "tự ngược đãi bản thân" để đổi lấy sự kiểm soát tinh thần con cái, dùng sự hy sinh và cống hiến của mình để ép con thay đổi và tuân theo.
Con cái sẽ tiếp tục khắc sâu nỗi mặc cảm, tội lỗi vì cha mẹ đã hy sinh sức khỏe, sự nghiệp, thậm chí cả bản thân vì lợi ích của mình. Bà Montessori cho rằng để trẻ tuân theo ý muốn là sai lầm lớn nhất và đáng xấu hổ nhất của người lớn. Và thói quen hy sinh bản thân để con cái vâng lời lại càng quá sai.
Khiến đứa trẻ cảm thấy tội lỗi nặng nề
Có lần, diễn viên Hoàng Chí Trung (Trung Quốc) đã kể một câu chuyện: Mỗi khi ăn cá, người mẹ sẽ đưa con cá cho con và tự mình ăn đầu cá. Cho đến khi hấp hối, người mẹ mới nói với con trai: "Mẹ thực sự không bao giờ thích ăn đầu cá". Tưởng thương con nhưng thực tế, bà mẹ đã khiến đứa trẻ áy náy suốt đời.
Đứa trẻ còn nhỏ chưa biết nói thật hay nói dối, đối mặt với cách "giáo dục tội lỗi", phản ứng đầu tiên của trẻ là "Tất cả là lỗi của tôi". Trẻ sẽ nghĩ rằng mình là gánh nặng của cha mẹ và là nguồn gốc của sự khốn khổ của gia đình, không có mình, cha mẹ sẽ sống tốt hơn.
Những đứa trẻ lớn lên trong trạng thái tâm lý này sẽ thiếu tự tin, nhạy cảm và nghi ngờ, chúng sẽ cảm thấy thấp kém và rụt rè, thậm chí coi thường giá trị cuộc sống của mình. Ở tuổi vị thành niên, một số trẻ sẽ gặp các vấn đề về tình cảm và tâm lý. Ngay cả khi đã trưởng thành, họ vẫn mang nặng cảm giác tội lỗi trong lòng.
Mối quan hệ cha mẹ - con cái căng thẳng
Khi đứa trẻ còn nhỏ, nó phải chấp nhận một cách thụ động "giáo dục tội lỗi" tiêu cực. Nhưng bước vào tuổi vị thành niên và bắt đầu tự "thức tỉnh", một số đứa trẻ bắt đầu phản ứng lại cảm xúc này, nếu cha mẹ nói điều gì đó tương tự, chúng bắt đầu phản kháng, thoát ra và hy vọng sẽ định hình lại bản thân. Lúc này, mối quan hệ cha mẹ - con cái sẽ căng thẳng và rạn nứt.
Một khi cha mẹ sử dụng sự cống hiến hoặc hy sinh như một con bài thương lượng để đổi lấy sự vâng lời của trẻ, điều đó có nghĩa là giáo dục gia đình đã bắt đầu sai lầm. Nếu tiếp tục, bi kịch sẽ là kết quả nhận lại.
Nhà văn người Mỹ Jeanne Allim từng nói: Có những khuyết điểm ở con cái không có gì là ghê gớm, điều đáng sợ là những bậc cha mẹ là người đi đầu trong cuộc sống của con cái lại thiếu những quan niệm đúng đắn về giáo dục gia đình và phương pháp dạy con.
Muốn giáo dục con cái, trước hết cha mẹ phải thay đổi chính mình và hướng dẫn trẻ bằng những phương pháp giáo dục đúng đắn. Tốt hơn là trở thành một hình mẫu chứ không phải là đóng vai một nạn nhân.
"Giáo dục tội lỗi" khiến trẻ tìm thấy động lực để tiến về phía trước từ những cảm xúc tiêu cực, trên thực tế, động lực này không xuất phát từ bản thân trẻ, mà là từ cha mẹ, chính sự mặc cảm đã khiến trẻ phải nỗ lực.
Thay vì đặt mình vào góc nhìn của một "nạn nhân" và khiến trẻ cảm thấy tội lỗi, tốt hơn hết bạn nên để mình làm tấm gương, hướng dẫn cho trẻ. Cách giáo dục sai lầm có thể hủy hoại một đứa trẻ, và cách giáo dục đúng đắn có thể làm nên một đứa trẻ hạnh phúc. Hãy chọn một cách giáo dục tích cực, và trong tương lai bạn sẽ gặt hái được những điều tương tự.