Tem phiếu, gạo mậu dịch, cá biển, thịt tóp mỡ..., nghe tên thôi là đã thấy đậm chất thời bao cấp rồi. Thời đó, khi nền kinh tế còn khó khăn, được ăn no thôi đã là tốt lắm rồi, nói gì đến ăn ngon.
Ấy vậy mà, "cái khó ló cái khôn", ông bà ta vẫn làm ra được những món ăn vô cùng hấp dẫn. Canh bún cua là một trong những món ăn như vậy.
Dù nguyên liệu chẳng có gì xa xỉ, toàn những thứ giản dị, thế mà vẫn có những món ăn khiến người ta nhớ mãi. Để đến bây giờ, khi được tái hiện lại giữa phố phường tấp nập, thì món ăn giản dị ấy lại trở thành thứ được rất nhiều người yêu thích.
Hãy cùng xem, món canh bún cua này có gì khiến người ta yêu thích đến vậy nhé!
Là một món ăn đã có từ lâu đời, theo thời gian, các cụ ông, cụ bà bán canh bún thời xưa cũng không còn nữa. Ở Hà Nội, chỉ còn vài hàng len lỏi giữa các con phố Hàng Chiếu, Yên Phụ, Nguyễn Siêu và canh bún cua 51 Hàng Bồ là một trong số rất hiếm đó.
Quán chỉ là một gánh hàng nhỏ ở vỉa hè, ngồi ăn trên những chiếc ghế nhựa. Dù vậy, mọi người đến ăn vẫn rất vui vẻ, thậm chí có người còn thích thú với kiểu ăn "ngoài trời" này. Mở ra đã được khoảng 3 năm, cũng có nhiều khách quen nên quán gần như lúc nào cũng đông khách.
Gọi là canh bún thời bao cấp bởi món ăn này xuất phát từ thời bao cấp, hơn nữa lại vô cùng giản dị. Bát bún gồm có rau muống, rau rút, bún, thịt cua chưng với tóp mỡ và hành khô...
Theo lời của người bán hàng, trước đây, canh bún chỉ có bún, rau và thịt cua. Cho đến bây giờ, canh bún được "cách điệu" mới có thêm tóp mỡ chưng cùng với cua. Đặc biệt, thứ tóp mỡ này còn phải dính cả chút thịt nạc, có như vậy thì mới thơm và giòn.
Nước dùng được ninh từ cà chua với sườn để có thêm độ ngọt, khi ăn bún còn có cả thịt sườn được gỡ ra nữa.
Chỉ 20k cho một bát bún hấp dẫn
Sợi bún để làm canh bún này cũng đặc biệt lắm! Nó là loại bún to, phải gấp đôi, gấp ba sợi bún bình thường, mềm nhưng không bị nát. Sợi bún đã được chần nước nóng, khi khách đến ăn chỉ việc múc vào bát và chan nước dùng là được.
So với ở nơi khác, canh bún ở đây có nhiều thịt cua hơn, không sử dụng giò mà thay thế bằng thịt sườn đã ninh nhừ.
Hành phi ở đây rất thơm nhé!
Một thứ đặc trưng khác không thể thiếu để làm nên mùi vị cho canh bún cua chính là hành phi. Hành khô được phi giòn, thơm, rắc lên trên, vừa tạo màu, vừa tạo mùi thơm cho bát canh bún.
Giá cho một bát canh bún như vậy là 20.000, quá hợp lý cho một bữa ăn ở phố cổ nên được đa số khách hàng đánh giá là ngon - bổ - rẻ.
Canh bún được nhiều người ưa chuộng, nhất là vào mùa hè vì món này có nhiều rau, ăn mát. Quán mở từ 7 - 17h hàng ngày, thường đông khách vào khoảng 10 - 12h.
Phần đông khách tìm đến canh bún cua là những người già hoặc thuộc tầm tuổi trung niên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ đến ăn canh bún, phần là vì ngon - bổ - rẻ, phần còn vì muốn thưởng thức một món ăn có từ thời "ông bà anh".
Có rất nhiều người đang dần thích món canh bún cua. (Ảnh: Instagram Foodyhanoi)
Một món ăn rất đáng thử (Ảnh: Instagram Bestofpho)
Nét đẹp của gánh hàng rong ruổi suốt bao nhiêu năm trên phố cổ, nét đẹp của những thứ bình dị, đơn sơ nhất của người xưa nay đã được tái hiện lại thật rõ ràng ngay giữa thủ đô. Còn chần chừ gì mà không thử thưởng thức ngay món ăn đậm chất dân tộc này?
Canh bún cua thời bao cấp
Địa chỉ: 51 Hàng Bồ
Giờ mở cửa: 7h - 17h
Giá cả: 21k/bát