Ga Hà Nội tồn tại bao nhiêu năm, thì cũng bấy nhiêu năm những tuyến đường ray chạy quanh co khắp thành phố lặng lẽ hoà mình với nhịp sống nơi này, với đủ chuyện buồn vui cũ mới không lẫn vào đâu được. Nhất là đoạn cuối Khâm Thiên giao với phố Lê Duẩn, có một khu dân cư vây kín 2 bên đường ray, từng lên báo Tây khiến dư luận kinh ngạc bởi nó là “xóm đường tàu” độc nhất vô nhị tại thủ đô.

xóm đường tàu
Giữa Hà Nội phồn hoa đô hội, có một nơi đặc biệt mà người dân sống men theo một khúc đường tàu.

xóm đường tàu
Chỉ cách con phố Khâm Thiên đông đúc náo nhiệt 1 đoạn ngắn, nhưng bước chân vào xóm đường tàu, ai cũng có thể cảm nhận không gian yên bình đượm màu cổ kính rất khác lạ.

Cả xóm chỉ dài khoảng 500 mét, nhưng khá đông hộ gia đình sinh sống từ bao đời nay. Những ngôi nhà cũ mới lẫn lộn, đủ màu sắc từ trầm đến sáng khiến mọi ngóc ngách góc quanh của xóm đường tàu đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Dân cư ở đây có đủ các thế hệ người Hà Nội lẫn những người lao động từ khắp mọi nơi đổ về thuê trọ, nên cuộc sống nơi đây khá phong phú, nhiều nét sinh hoạt pha trộn.

xóm đường tàu

xóm đường tàu
Ban ngày, xóm khá vắng vẻ, không có ai vì mọi người đi làm hết. Chỉ có các cụ già và em nhỏ ở nhà.

xóm đường tàu
Ngoài những hộ gia đình chính chủ nhiều đời ở khu đường tàu, hiện tại có rất nhiều người lao động nhập cư đến ở đây cùng con cháu.
xóm đường tàu

Bé Uyên (8 tuổi) nghỉ hè được bố mẹ đưa từ quê ra căn nhà trọ trong xóm đường tàu. Bố mẹ em nhận may thuê, nên khắp căn phòng bé xíu chỉ toàn kim chỉ, máy khâu, vải thừa… Giữa trưa, cô bé ở nhà với chị gái, loanh quanh một lúc thì dì ruột em đến.

xóm đường tàu
Chị gái Uyên ngồi học bài trước cửa, còn cô em tinh nghịch thì chạy lung tung khắp căn nhà tí hon.

xóm đường tàu
Cô Dậu – dì của Uyên cũng làm may thuê, mỗi ngày của họ trôi đi bình lặng bên kim chỉ, tận đến khi chuyến tàu đêm muộn đi qua họ mới nghỉ ngơi.

xóm đường tàu
Uyên khá lanh lợi và dạn dĩ, ngoan ngoãn, luôn tự chơi ở nhà khi bố mẹ đi vắng. Những thứ cũ kỹ nhưng đầy sắc màu trong căn phòng này cũng đủ để cô bé con nuôi giấc mơ tuổi thơ bên tiếng còi tàu âm vang quen thuộc.

xóm đường tàu
Cạnh nhà bé Uyên là nơi gia đình anh Tuấn (50 tuổi, quản lý siêu thị Metro) ở từ năm 1998. Ngôi nhà 2 tầng cổ kính của gia đình anh được Tổng công ty đường sắt phân từ gần 20 năm trước, chỉ vỏn vẹn 27m2, có vợ chồng anh và 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi học chung sống.

xóm đường tàu
Nghỉ hè nên anh Tuấn cũng đón cháu trai lên ở chơi, để lũ trẻ cùng nhau vừa học vừa chơi, căn nhà nhỏ cũng thêm tiếng cười rộn rã.

xóm đường tàu
Xóm đường tàu nằm trong dự án di dời nên nhà anh Tuấn và nhiều hộ khác xung quanh đều không có ý định xây lại, chỉ tu sửa cho tiện nghi hơn. Những căn nhà ở 2 bên đường ray vốn dĩ được gia cố từ hơn 2 thập kỷ trước, để thích ứng với dư chấn thường xuyên của tàu di chuyển qua đây.

xóm đường tàu
Anh Tuấn bảo, khó khăn lớn nhất với các hộ gia đình sinh sống ở đây là không có mặt tiền để mở cửa hàng kinh doanh buôn bán, kiếm thêm thu nhập. "Ngoài ra thì chẳng có gì đáng phàn nàn. Thậm chí sống ở đây lâu năm, có nhiều thứ chúng tôi được hưởng thụ sướng hơn mà những người sống ở nơi khác không biết. Ở đây không phải chịu cảnh tắc đường, xe cộ bon chen qua lại, môi trường sạch sẽ, thoáng đãng, tàu thì ban ngày chạy ít, ban đêm nhiều hơn nhưng cũng không phiền hà nhiều. Mọi người đều quen rồi".

xóm đường tàu

Nhiều người không phải "thổ dân" ở xóm đường tàu đều thắc mắc sống ở đây bất tiện như thế mà hàng trăm gia đình vẫn trụ được: lối đi tử tế không có, xe cộ chẳng có chỗ để, đất đá rải khắp nơi, trước đây còn xảy ra chuyện xe để sát đường ray bị cuốn đi bẹp dúm. Nhà ai có trẻ con thì luôn phải để mắt trông chừng, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Nhưng câu trả lời đơn giản thôi, sống đâu quen đó, có những cái thân thuộc gần gũi và đặc trưng chỉ xóm đường tàu mới có, ai từng gắn bó với nơi này rồi đều lưu luyến không muốn rời đi. Còn vài điều đặc biệt khác nữa, như thói quen "cả xóm cùng ló đầu" khi nghe tiếng còi tàu hú từ xa, mọi người nhìn quanh xem có trẻ con hay ai đó lang thang lơ đễnh gần đường ray thì kêu ầm lên nhắc, rồi nhiều du khách/ sinh viên tới quay phim, chụp ảnh, lấy tư liệu... đều công nhận một điều - xóm đường tàu Khâm Thiên quả là độc nhất vô nhị, ấn tượng từ vẻ bề ngoài đến vẻ đẹp cuộc sống thường nhật.

Nhìn qua thì chỗ này có vẻ lôi thôi lếch thếch, với đủ thứ linh tinh văng vật trên khắp đường ray, thềm nhà, ai cũng tận dụng từng chỗ trống để đặt đồ trước cửa, song nếu chịu khó ngồi một góc ngắm nghía, bạn sẽ thấy nơi này có gì đó rất cuốn hút, khiến đôi chân muốn bước đi, và bàn tay giơ máy ảnh lên để ghi lại từng chi tiết không thể rời mắt: ban công một căn nhà 4 tầng toàn cây và hoa, vài chiếc mẹt phơi ớt tỏi màu mè sặc sỡ... hay đơn giản, là một mái nhà kiểu cổ được gìn giữ suốt mấy thập kỷ vẫn còn nguyên.

xóm đường tàu
Xế chiều, người dân quanh xóm bắt đầu ra ngoài nhiều hơn, tiếp tục nhịp sống bình dị thường nhật, cả chú chó dễ thương này cũng thoải mái rong chơi dọc con đường đã rất quen thuộc với nó.

xóm đường tàu
Một em bé chơi đùa quanh nhà, bên cạnh cụ già đi dạo mát.

xóm đường tàu
Xóm đường tàu từng lên báo Tây vài lần, nhiều du khách có dịp tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây cũng thấy ngạc nhiên, vì không ngờ có một nơi độc đáo thế này giữa lòng Hà Nội.