Ngày 8/3 hàng năm là ngày mà người người nhà nhà đều dành những lời tri ân, tán thưởng có cánh đến những người phụ nữ xung quanh mình, nhất là những người mẹ. Tuy nhiên, giữa những câu chuyện tràn ngập màu hồng đó, cũng có những câu chuyện khiến những ai vô tình đọc được cảm thấy khó hiểu, hay đúng hơn là khó chịu. Chẳng hạn như câu chuyện của Quỳnh Trang dưới đây.
"Tôi ghét mẹ" - câu nói tiêu đề của bức tâm thư gửi mẹ ngày 8/3 gây sốt mạng xã hội
Những dòng chị viết trên trang cá nhân MXH để kể về người mẹ của mình trong ngày 8/3 không giống như bất kỳ ai khác, không phải “cảm ơn mẹ”, “con yêu mẹ” hay “mẹ tuyệt nhất trên đời”, mà là câu: TÔI GHÉT MẸ, đầy lạnh lùng và chất chứa nhiều uẩn ức. Chị kể:
“Tôi bắt đầu nhận thức được là lúc tôi suốt ngày phải ở nhà với bố, chả bao giờ tôi được mẹ cho ăn hay chăm lo cho cả, chỉ biết có bố, bố và bố. Mẹ suốt ngày ở chợ suốt ngày cãi lộn với người ta, mẹ tôi chả dịu hiền gì. Lớn hơn một chút, tôi hay đi viện vì sức khỏe kém, tôi nằm viện nhưng không mấy khi được mẹ chăm toàn một mình lủi thủi ở viện. Nhiều khi được mọi người hỏi "mẹ con đâu?", tôi chỉ im lặng.
Mẹ tôi không đẹp, không trưng diện như mẹ của các bạn trong lớp, nhiều khi mẹ đi họp phụ huynh cho tôi với bộ dạng lôi thôi lếch thếch và tôi thấy xấu hổ với mẹ. Rồi khi nhà tôi có kinh tế khá 1 chút thì mẹ suốt ngày váy váy quần quần, bôi son trét phấn mà không bao giờ mua cho bố cái gì. Mẹ không bao giờ cho tôi đi chơi với ai, cũng không bao giờ cho tôi quen ai hay đi chơi buổi đêm, xin đi sinh nhật cũng không cho. Nhiều khi tôi thấy mẹ thật hà khắc.
Tôi ghét mẹ, ghét bản thân mình tại sao lại sinh ra trong cái gia đình này. Đã nhiều lần tôi cắt tay tự vẫn vì quá phẫn nộ với thái độ thờ ơ lạnh nhạt của mẹ. Tôi tủi thân lắm nhưng mẹ tôi đâu có biết…”.
Thế nhưng, ngay sau đó, câu chuyện này lật sang một hướng khác. Bởi chỉ khi sống đủ một số năm nào đó trong đời, chúng ta mới có thể hiểu được những chuyện đó mà khi còn nhỏ, chúng ta không tài nào hiểu hết hay biết hết. Câu chuyện về việc ghét mẹ của chị Quỳnh Trang cũng thế. Chị ghét mẹ vì chị đã từng cho rằng mẹ không hiểu được nỗi cô đơn của các con, nhưng sự thật là chị ghét mẹ vì chị đã không hiểu được hết con người bà, về sự hy sinh mà bà đã dành cho gia đình.
Nỗi lòng của một người mẹ từng là cô đào hát chèo xinh đẹp vang danh, nhưng nhiều năm lại bị các con hiểu lầm
Ngược dòng thời gian, chị kể: “Nhưng sự thật tôi đâu nào biết. Mẹ tôi vốn là một nghệ sĩ hát chèo rất hay, giọng mẹ thánh thót và mẹ tôi cũng từng đẹp nổi tiếng. Mẹ tôi lấy bố tôi đúng chất là đôi đũa lệch. Chắc chỉ có tình yêu mới khiến bà có thể làm như thế, và cũng chính thứ tình yêu này khiến bà khổ cực hơn rất nhiều.
Mẹ lấy bố, từ một người sướng như gì mẹ phải lao ra chợ chạy ăn từng bữa. Bố lúc đó bệnh suốt không thể lao động nhiều, người còn bảo mẹ lấy bố thì bố sẽ không sống nổi mấy năm. Nhưng với tình yêu mẹ dành cho bố, mẹ gạt hết tất cả vẫn bên cạnh bố. Thời đấy nhà tôi buôn bán ở chợ giời, suốt ngày là những cuộc ẩu đả chửi bới tranh dành địa bàn, nhiều lần vì bảo vệ gia đình, bảo vệ chén cơm manh áo, mẹ tôi sẵn sàng lăn xả cãi nhau với những kẻ gây sự”.
Vì một thứ tình yêu màu nhiệm nào đó, thậm chí mẹ chị còn bắt cả bố chị phải ở nhà, không cần phải động tay làm bất kỳ thứ gì cả. Mọi chuyện hãy để bà lo. Hàng ngày, bà hay rời khỏi nhà vào buổi sáng để đến chợ làm việc, đến khi tối mịt bà mới về đến nhà. Đầu tắt mặt tối có lẽ chính là câu nói được sinh ra để dành cho bà vào khoảng thời gian này, nó áp vào phần số của bà vừa vặn đến mức khiến những người xung quanh, quên đi mình đã từng xinh đẹp như thế nào, từng rực rỡ như thế nào trong vai trò một cô đào hát chèo.
Những khi đó, chị Trang lớn lên trong sự lạc lõng, bởi bố thì bệnh, mẹ thì không có nhà, cơ thể chị cũng kém cỏi, đổ bệnh triền miên, nhập viện liên tục. Cứ thế, vất vả chồng chất vất vả, trách nhiệm đè nặng thêm lên đôi vai của mẹ chị. Mà đến tận bây giờ chị vẫn còn trách bản thân rằng, tại sao mình lại oán trách mẹ chỉ vì bà đã không có mặt ở bệnh viện cùng lúc chị ốm đau. Chị đã không biết, bà vắng mặt vì phải đạp xe đạp đi hàng chục cây số để tìm cho ra phương thuốc mà có ai đó vừa chỉ, phương thuốc này có thể giúp chồng bà khỏi bệnh, con gái bà khỏi bệnh.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, vì lao lực quá nhiều, mẹ của chị đã lâm bệnh. Bà xơ xác, gầy đi hẳn, lại còn ho ra máu, tần suất ho ngày càng nhiều hơn. Bà nghĩ có lẽ bà sắp chết nên gần như thời gian đó, bà cách ly con khỏi mình, bà sợ căn bệnh của bà có thể truyền nhiễm. Bà bắt con phải ăn riêng, không cho con động vào đồ đạc của mình,... linh tính về một cái chết sắp đến cận kề, nhưng bà vẫn phải để bảo vệ con, và cái giá của sự đánh đổi này rất chua chát: bà lặng lẽ sống trong cô độc.
Sau cơn mưa trời lại sáng, sau khi sáng trời lại tiếp tục mưa, hết đưa hy vọng lại đẩy bi kịch vào căn nhà nhỏ
“May mắn thay sau một thời gian khám xét nghiệm thì bác sĩ kết luận mẹ bị lao lực chỉ cần uống thuốc nghỉ ngơi 1 thời gian là khỏi. Thời gian đó bố ngày nào cũng chăm mẹ lắm, bắt mẹ ăn nhiều ơi là nhiều, rồi sáng nào cũng pha tam thất với sữa bắt mẹ ăn hết. Chỉ một thời gian mẹ khoẻ khỏi bệnh hoàn toàn, mẹ mập lên trắng trẻo và đẹp nữa. Bệnh của bố cũng đỡ không còn đau chỉ thi thoảng mới đau thôi. Thời gian đó gia đình tôi kinh tế đã khá hơn rất nhiều nếu không nói là thuộc dạng giàu vào thời điểm đấy.
Cũng từ đó, bố hiểu nỗi vất vả của mẹ nên mong muốn bà hãy biết dành thời gian cho bản thân mình. Ông bảo mẹ đi may quần áo mới, váy đầm mà mặc cho đẹp. Bố cũng khuyến khích mẹ biết xài son, xài phấn để cho xinh hơn. Ông giúp mẹ đối diện lại với niềm kiêu hãnh của một cô đào ngày nào luôn tự tin với nhan sắc của mình. Điều này, suốt thời gian qua mẹ đã quên đi vì chén cơm manh áo” - chị Trang kể về khoảng thời gian này của mẹ, cũng như là nguồn cơn ở việc chị hiểu lầm mẹ khi xưa.
Chị Trang cứ tưởng, gia đình nhỏ này của mình rồi sẽ hạnh phúc từ đây. Nhưng không, sau đó ít lâu chính sự bồng bột của chị đã đẩy ra đình mình thêm một lần nữa rơi vào bi kịch, mẹ chị lại một lần nữa gánh chịu nổi đau tinh thần vì chị đã… không chồng mà chửa. Chị nói, đó chính là cú sốc đầu đời kinh khủng nhất của chị. Ngày chị hay tin mình có thai, cũng là ngày bố của đứa trẻ chối bay chối biến trách nhiệm. Chị vật vã suốt một thời gian rồi cũng đành nói với bố mẹ.
Ông bà hay tin, có đau và có tức, đến mức ngủ dậy sau một đêm, đầu tóc bạc ra thêm nhiều. Đặc biệt là mẹ chị, bà gần như suy sụp vì những lần bà hà khắc với con để hy vọng sự hà khắc này của mình có thể bảo vệ nó, vậy mà hôm nay, con gái báo thông tin có thai trong khi tác giả của cái bào thai này đã chối bỏ, trong khi đứa cháu nhỏ còn chưa ra đời, hóa ra mọi nỗ lực và cố gắn của bà đều biến mất rồi sao? Có người mẹ nào gánh chịu nỗi đau nhiều như bà không?
Nhưng cũng không người mẹ nào có thể bỏ rơi con mình trong những hoàn cảnh trái ngang như vậy cả. Mọi chuyện đã rồi, không thể làm gì thì phải cho nó có một cái kết thật tốt đẹp. Lúc đó, bà đã nói với con gái mình rằng bà chấp nhận việc này, hãy lo lắng giữ gìn sức khỏe để sinh con, sinh xong rồi còn quay lại trường lớp.
Nhưng khi đó, mãi mãi chị Trang cũng không thể biết hết được rằng, việc mẹ mình gật đầu chấp nhận chị có thai mà không có chồng, đồng nghĩa với việc bà phải chấp nhận muôn vạn lời đàm tiếu không hay từ những người xung quanh, họ ác ý nói con gái bà “chửa hoang”, “hư hỏng”... những từ ngữ này xấu xí tới mức đủ sức “tạc tượng” đứa con gái mà bà thương yêu trở thành một người con vô đạo nhất trần đời. Những khi đó bà chỉ biết mím chặt môi và giữ im lặng.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi chị Quỳnh Trang lại thêm một lần nữa làm gia đình mình điêu đứng khi chị khóc sau cú sốc đầu đời quá nhiều dẫn đến đôi mắt gần như mù lòa hoàn toàn. Giai đoạn đó, chị không thấy gì nhưng chị biết rằng mẹ của chị đang đứt từng đoạn ruột. Nỗi đau xé lòng của bà không cần phải được nhìn thấy qua gương mặt héo hắt, chỉ cần sống cùng trong một mái nhà thì hoàn toàn có thể cảm nhận được bà đang tỏa ra thứ năng lượng xám ngắt, buồn thảm.
Cái kết vẫn còn chông chênh của một người mẹ và lời xin lỗi muộn màng của đứa con gái
Rồi sau cơn mưa, trời lại sáng, chị Quỳnh Trang kể: “Được 1 thời gian mẹ dắt tôi ra viện mắt trung ương mổ thay giác mạc. Mắt tôi đã sáng được 6/10. Từ đó, bố mẹ không dám làm tôi buồn, không dám làm tôi khóc, càng không dám cho tôi giao du với ai hay đi chơi cùng ai. Vì mẹ tôi là người từng trải, mẹ biết ở ngoài quá nhiều cạm bẫy. Với một đứa dại ngơ dại nghếch như tôi và cú vấp lớn như vậy tôi sẽ rất dễ dàng sa ngã vào những cuộc vui thâu đêm hay dễ dàng bị người xấu lợi dụng”.
Và niềm vui lại tiếp tục tràn đến với chị Trang, khi có một người đàn ông xuất hiện, chấp nhận chị, chấp nhận đứa con không có bố của chị. Hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Nhưng một cánh cửa mở ra thì một cánh cửa khác lại đóng lại, trước ngày chị Trang lên xe hoa không lâu cũng là ngày bố chị từ giã cõi đời. Thế là mẹ chị phải gánh chịu cú sốc khi người đàn ông bà yêu quý nhất trên đời vĩnh viễn ra đi. Nỗi buồn chưa nguôi thì bà lại tiếp tục thay chồng dắt tay con gái vào lễ đường. Bốn bức tường trong căn nhà vốn rất hạnh phúc, giờ còn mỗi mình bà.
Cả đời bà cứ chông chênh, chông chênh như vậy, đến từng tuổi này lại chịu thêm cảnh quạnh hiu....
Hiểu được nỗi niềm của mẹ mình sau khi đi qua biết bao nhiêu biến cố đó, bây giờ lại là mẹ của 3 đứa con, chị Quỳnh Trang mới nhận ra mình đã nghĩ sai về mẹ nhiều lắm. Thế nên, hôm nay, ngày 8/3 lần thứ 28 có mặt trên cõi đời và sau khi nhận biết bao nhiêu ơn nghĩa, ân huệ từ mẹ, chị mới can đảm nói với mẹ mình rằng: “Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều lắm, suốt 28 năm sinh ra trên cõi đời con mới can đảm nói với mẹ câu này, dù cho trước đây con từng ghét mẹ, từng hiểu lầm mẹ. Con xin lỗi”.
(Ảnh: NVCC)