Theo y học, từ 7h đến 9h sáng là lúc dạ dày hoạt động nên rất cần ăn sáng trước 7h. Nếu không ăn thì dạ dày không có gì co bóp khiến tại đây chứa nhiều axit gây nguy cơ cao về bệnh dạ dày. Ngoài ra, cơ thể không được nạp năng lượng từ 6h tối qua sẽ thiếu dưỡng chất cho các hoạt động.
Việc chuẩn bị cơm bữa sáng tươm tất như chiều và tối rất cần thiết. Thực đơn như vậy sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, nhưng phải là cơm, thức ăn và rau nấu mới nấu, chứ không phải dùng lại đồ thừa buổi tối hôm trước.
Theo TS Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, bữa sáng là bữa ăn trọng nhất trong ngày, chúng ta không nên bỏ qua. Nếu duy trì thói quen ăn sáng đầy đủ thì bữa sáng chính là bữa ăn cung cấp đáng kể lượng canxi, các vitamin thiết yếu và khoáng chất (vitamin A và vitamin C, kẽm và sắt) ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Khi đói cơ thể con người sẽ bị thiếu năng lượng, thiếu đường trên não để hoạt động, lúc này chúng ta rơi vào trạng thái "tạm thời quên", nhưng khi được cung cấp kịp thời lượng đường glucozo trở lại thì đầu óc và trí nhớ lại trở lại bình thường.
Chúng ta nên kiểm soát việc sử dụng glucose để làm nguồn năng lượng cho cơ thể. Nếu quá lạm dụng thì rất có thể có nguy cơ bị ảnh hưởng từ quá trình glycation và oxy hóa của các gốc tự do do glucose tạo ra ở bất cứ mô nào trong cơ thể.
Về bữa sáng, thói quen ăn sáng theo giờ giấc cũng phần nào ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể con người và tùy từng ngành nghề, không có thước đo chung. Tuyệt đối không nên ăn sáng muộn đến 10 giờ sáng vì quá gần bữa ăn trưa, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe.
Vị chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh, không tự nhiên lại có câu "sáng ăn như vua, trưa ăn như chúa, tối ăn như bần cố nông". Bữa sáng cơ thể cần được ăn nhiều nhất, bởi cả đêm và rạng sáng con người mất khoảng 15 giờ đồng hồ không được ăn gì, xong còn chưa kể cả một ngày dài lao động trước mắt phải đối đầu.
Thực tế, việc ăn sáng là vấn đề của từng người, ăn thứ gì, ăn ra sao, làm sao cho hợp túi tiền, ăn thế nào là đủ… là tuỳ lựa chọn của mỗi người.