Làm thay đổi mối quan hệ cha mẹ - con cái
Khi trẻ quá chăm chú vào điện thoại, chúng sẽ không có thời gian trò chuyện với cha mẹ hàng ngày. Thậm chí, nhiều trẻ thích chat với bạn bè trên mạng xã hội hơn là nói chuyện với cha mẹ, lâu dần dẫn tới quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng trở nên xa cách.
Gây rối loạn giấc ngủ
Nếu cha mẹ để cho trẻ mang điện thoại thông minh vào phòng ngủ, chúng sẽ không thể từ chối được sự cám dỗ của các trò chơi và các trang mạng trên điện thoại. Mải mê dùng điện thoại, trẻ sẽ ngủ ít hơn, muộn hơn, ngủ không sâu giấc và ngày hôm sau mệt mỏi hơn.
Gián tiếp gây béo phì
Khi sử dụng điện thoại, trẻ thường ngồi hoặc nằm lì ở một vị trí trong nhiều giờ. Việc lạm dụng công nghệ khiến trẻ lười vận động, đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì.
Khiến trẻ mắc các tật về khúc xạ
Khi sử dụng điện thoại trong một thời gian dài, ở khoảng cách quá gần, trẻ có nguy cơ bị mắc các tật về khúc xạ như: cận thị, loạn thị, nhược thị… Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc các tật khúc xạ cần được được chỉnh kính. 90% trẻ sinh ra mắt hoàn toàn bình thường, nhưng trong quá trình sinh hoạt, học tập, trẻ bị cận thị do nhìn gần, ánh sáng kém… Dùng quá nhiều điện thoại và iPad là một trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ này.
Tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần trẻ em
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm và biếng ăn ở trẻ em là do sử dụng điện thoại thông minh kết nối Internet. Cha mẹ không thể giám sát 24/24 thời gian trẻ sử dụng điện thoại, chúng có thể bị bắt nạt hoặc quấy rối qua mạng, những điều này tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của trẻ.
Hạn chế khả năng sáng tạo của trẻ
Trên điện thoại, cái gì cũng có sẵn, các app, các trò chơi rất đa dạng. Nhưng vì cái gì cũng có sẵn nên trẻ sẽ bị hạn chế khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng, đồng thời các trò chơi trên điện thoại còn làm chậm sự phát triển vận động và các giác quan của trẻ.
Khiến trẻ mất khả năng tập trung
Nếu trẻ sử dụng điện thoại thông minh hơn 2 giờ mỗi ngày, chúng có thể gặp phải các vấn đề về cảm xúc và xã hội. Theo đó, việc tiếp xúc với các trò chơi có sẵn trên ứng dụng điện thoại thông minh khiến trẻ tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sự chú ý, trẻ khó tập trung trong học tập cũng như các hoạt động khác.
Cản trở khả năng học hỏi
Nhiều cha mẹ cho rằng, trẻ có thể học được nhiều điều thú vị thông qua Google được cài đặt sẵn trong điện thoại. Quả thực, có rất nhiều thứ có thể được tra cứu bằng Google, nhưng việc ỷ lại vào Google và điện thoại sẽ khiến trẻ lười suy nghĩ, không chịu tự tìm tòi các tài liệu để học tập. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng quá nhiều thời gian tương tác trên các thiết bị điện tử như điện thoại có thể làm giảm sự phát triển của trẻ về các kỹ năng cần thiết cho toán học và khoa học.
Điện thoại gây nghiện
Khi trẻ quá đắm đuối vào điện thoại thông minh, chúng có thể bị nghiện. Nhiều trẻ bứt rứt, khó chịu khi bị cha mẹ tịch thu hoặc giới hạn thời gian sử dụng điện thoại; thậm chí có trẻ phải điều trị tâm lý khi nghiện điện thoại quá nặng.
Khiến trẻ dễ dàng chấp nhận bạo lực
Thông qua điện thoại thông minh, trẻ em tiếp xúc với bạo lực trong các trò chơi và các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội. Việc tiếp xúc thường xuyên với các ngôn từ và cảnh tượng bạo lực sẽ khiến trẻ suy nghĩ sai lệch. Trẻ tưởng rằng, hành vi bạo lực là một cách để giải quyết vấn đề mà không biết đó là một hành động sai trái, cần phải lên án.
Bạn không thể cấm trẻ sử dụng điện thoại hoàn toàn, nhưng bạn có thể kiểm soát và giới hạn thời gian con sử dụng bằng các cách sau:
Hẹn giờ sử dụng các chương trình
Vào phần Cài đặt của điện thoại và đặt giới hạn thời gian cho từng ứng dụng để trẻ không thể sử dụng các chương trình vượt quá thời gian cho phép.
Cai điện thoại cho trẻ một cách từ từ
Để cai điện thoại cho trẻ, bạn không nên ngay lập tức tịch thu điện thoại, cấm trẻ sử dụng hoàn toàn. Việc bị ngừng sử dụng điện thoại đột ngột có thể khiến trẻ cảm thấy tức giận hoặc chán nản, thậm chí là căm ghét cha mẹ. Hãy cai điện thoại cho trẻ một cách từ từ. Nếu như trước đây, con bạn sử dụng điện thoại 3 tiếng/ngày thì giờ bạn đề nghị trẻ sử dụng điện thoại bớt đi 10 phút trong ngày đầu tiên. Các ngày tiếp theo bớt đi 20 phút, rồi 30 phút cho đến khi đạt mốc thời gian sử dụng điện thoại mà bạn đặt ra đối với con (60 phút/ngày đối với trẻ 13 tuổi chẳng hạn).
Tạo khoảng cách với điện thoại
Nếu trẻ để điện thoại bên người, chúng sẽ dùng điện thoại mọi lúc, mọi nơi. Để hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, không nên để trẻ mang điện thoại vào nhà vệ sinh, phòng ngủ, hay để ngay đầu giường. Điện thoại càng để xa tầm với bao nhiêu càng tốt cho trẻ bấy nhiêu.
Xóa bớt các trò chơi
Càng nhiều trò chơi, trẻ càng tăng thời gian sử dụng điện thoại. Khi trò chơi A hết mạng, chúng sẽ chuyển sang trò chơi B để chơi tiếp. Cứ thế, trong một ngày, trẻ có thể chơi rất nhiều trò chơi khác nhau. Bạn nên xóa bớt các trò chơi trong điện thoại, chỉ giữ lại 1-2 trò để cho trẻ giải trí.
Yêu cầu trẻ không sử dụng điện thoại trong bữa ăn
Đây là quy tắc bạn nên đặt ra không chỉ với trẻ mà với chính bản thân mình. Để bữa ăn gia đình thực sự ấm cúng, chúng ta nên để điện thoại ngoài bàn ăn và chỉ nghe các cuộc gọi khẩn cấp, không vừa ăn vừa xem điện thoại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2 - 5 tuổi nên giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong 1 tiếng, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.
Đối với trẻ nhỏ, công việc chính của con là vui chơi. Nhờ các hoạt động vui chơi, trẻ gia tăng trải nghiệm và phát triển ở các lĩnh vực khác nhau như vận động, giao tiếp, nhận thức… Phụ huynh nên dần dần loại bỏ các thiết bị công nghệ như điện thoại, iPad hay tivi và thay thế bằng các hoạt động như đọc sách, bơi lội, đạp xe, chạy bộ…