Có nên giữ tiền lì xì cho con?
Trên thực tế, việc xử lý tiền lì xì là một cơ hội giáo dục tốt, có thể giúp trẻ hiểu được ý nghĩa văn hóa đằng sau phong bì mừng tuổi.
Lại đến “mùa mưa bao lì xì đỏ” rồi! Có lẽ đây là dịp lễ được đám trẻ con yêu thích và mong ngóng nhất trong năm.
Trẻ con là người vui nhất trong ngày Tết, vì chúng có thể nhận được rất nhiều tiền lì xì. Chỉ trong vài ngày, đứa trẻ đã trở thành "tiểu phú hộ", cười vui vẻ suốt cả ngày.
Nhưng nhiều bậc cha mẹ có một nỗi lo lắng chung, đó là không biết làm thế nào để đối phó với tiền lì xì của con cái? Để chúng tự giữ lấy, một là sợ làm mất, hai là sợ tiêu tiền bừa bãi.
Đây là một câu hỏi hóc búa, vậy cha mẹ nên làm gì?
Tâm lý của trẻ khi không được giữ tiền lì xì
Nhiều bậc cha mẹ sẽ nói với con rằng: “Để mẹ giữ tiền lì xì cho con!”, nhưng hầu như tiền “một đi không trở lại”. Nhiều người cho rằng đây là lời nói dối lớn nhất của cha mẹ.
Nếu cứ ép lấy cho bằng được, trẻ nhất định sẽ nhảy dựng lên, điều này sẽ khơi dậy tâm lý nổi loạn của trẻ. Rõ ràng là được người lớn cho tiền, tại sao lại bị lấy đi, trẻ em sẽ rất không cam lòng cùng buồn bực.
Tuy nhiên, việc để trẻ cầm số tiền khá lớn trong tay cũng không phải là điều lý tưởng.
Đối với tiền lì xì của trẻ, cha mẹ có thế lấy đi, mặc dù đây là cách trực tiếp nhất nhưng cũng sẽ khiến trẻ tổn thương nhiều nhất. Trẻ sẽ trở nên cực kỳ khao khát đồng tiền và cảm thấy bực bội, từ đó gây ra hệ lụy khác như sử dụng tiền bạc không hợp lý sau khi kiếm được tiền, vì thuở nhỏ đã bỏ lỡ thời kỳ mấu chốt tiếp nhận giáo dục quan điểm về tiền bạc.
Dần theo thời gian, nhiều đứa trẻ sẽ nảy sinh tâm lý phản cảm và nghi ngờ khi tiền lì xì mỗi năm đều đưa cho mẹ giữ hộ nhưng lại không thấy đâu. Từ đó, chúng phát hiện ra chân tướng của "lời nói dối" muôn thuở và không còn tin tưởng bố mẹ.
Trên thực tế, việc xử lý tiền lì xì là một cơ hội giáo dục tốt, có thể giúp trẻ hiểu được ý nghĩa văn hóa đằng sau phong bì mừng tuổi, giúp trẻ hiểu rõ hơn về tiền và nuôi dưỡng cách nhìn đúng đắn của trẻ về tiền và tiêu dùng.
Làm thế nào để "giữ tiền lì xì cho con" một cách thuyết phục
Trẻ em sẽ rất vui khi nhận được lì xì, bạn có thể tận dụng niềm vui của trẻ để kể câu chuyện đằng sau lì xì: “Con có biết tại sao người lớn lại lì xì cho con trong dịp Tết không?”.
Năm mới, người lớn sẽ lì xì cho trẻ nhỏ là một phong tục truyền thống, người ta cho rằng lì xì có thể trấn áp được tà ma, thu hút vận may.
Nhưng tiền lì xì không phải là "đếm không xuể", người khác lì xì cho con mình, bố mẹ cũng lì xì cho con họ, xét cho cùng số tiền này vẫn là tiền của bố mẹ, vậy tiền của bố mẹ từ đâu ra? Tất nhiên là kiếm được thông qua làm việc chăm chỉ.
Sau khi để trẻ hiểu văn hóa và nguồn gốc đằng sau việc lì xì, bạn có thể dạy trẻ về tiền. Tiền có thể làm được gì? Đối với câu hỏi này, trẻ chắc chắn sẽ tiếp nhận một cách tích cực, vì chúng có thể mua kẹo, văn phòng phẩm, sách đẹp...
Trên thực tế, ngoài việc biết rằng tiền có thể được tiêu và mua, trẻ em không biết tiền có thể làm gì khác. Hiểu biết của chúng về tiền bạc rất hạn chế nên đây chắc chắn là cơ hội tốt để dạy con một cách bài bản hơn.
"Vậy con có biết sau khi nhận lương và có tiền, cha mẹ sẽ làm gì không?". Người lớn nói cách sử dụng tiền của bản thân là phương pháp tốt nhất để nuôi dưỡng quan niệm về tiền của trẻ em. Vì trẻ nhỏ được xem là tấm gương phản chiếu của bố mẹ.
Trẻ rất quan tâm đến cách bố mẹ tiêu tiền, sau đó có thể nói với trẻ rằng tiền lương của bố mẹ là thu nhập của gia đình, nên được phân bổ và sử dụng hợp lý: nhu yếu phẩm hàng ngày, mắm muối, đầu tư cho con học hành, sức khỏe gia đình…
Dạy trẻ biết thế nào là những khoản chi tiêu bình thường trong cuộc sống, thế nào là đầu tư cho học hành, thế nào là tiết kiệm... Nói cho trẻ biết về các khoản chi tiêu khác nhau, cho bản thân và cho người khác. Bằng cách này, trẻ sẽ hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về tiền bạc, quan điểm về tiền bạc của trẻ cũng được hình thành từng bước.
Cơ hội dạy con đằng sau câu chuyện tiền lì xì
Sau khi phổ cập kiến thức về tiền bạc cho trẻ em, chúng ta nên làm gì với tiền lì xì ngày Tết của con? Cha mẹ có thể cùng con thảo luận trước, tiền đề là phải tôn trọng ý kiến của con, đây là cơ sở để nuôi dưỡng cách nhìn về tiền bạc của con. Về cách xử lý cụ thể, tiền lì xì Tết có thể chia làm 4 phần:
1. Trẻ có thể tự chủ sử dụng một phần trong số tiền lì xì
Trẻ thích lì xì chủ yếu vì nó thỏa mãn “khát vọng tự chủ” của trẻ. Vì vậy, chúng ta phải đưa cho trẻ một phần tiền và để trẻ tự kiểm soát, chẳng hạn như mua đồ dùng học tập, đồ chơi và ăn vặt. Bạn có thể để trẻ viết danh sách những thứ cần thiết trước, tiêu tiền có kế hoạch và dạy trẻ cách quản lý số tiền đang có, để bạn có thể thấy rõ con tiêu tiền vào đâu.
2. Mở tài khoản ngân hàng để gửi một phần tiền lì xì
Đưa con đến ngân hàng và mở một tài khoản ngân hàng đứng tên con, điều này sẽ giúp con nhận thức được việc quản lý tài chính là một phần trong cuộc sống của chúng ngay từ nhỏ, nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và giúp chúng hình thành thói quen tích lũy của cải.
3. Sử dụng một phần tiền cho việc tốt
Bạn có thể khuyến khích trẻ tặng một số món quà nhỏ cho người lớn tuổi và giáo viên của chúng, điều này có thể nuôi dưỡng lòng biết ơn của trẻ. Ngoài ra, bạn cũng có thể nói với con rằng khi chúng ta đang sống vui vẻ và đủ đầy thì vẫn còn rất nhiều người trong xã hội ngoài kia đang gặp khó khăn. Nói cho trẻ hiểu bản thân chúng cũng có thể quyên góp một ít tiền và thể hiện tình yêu thương.
4. Tập làm “quản gia” trong gia đình
Vào một ngày hoặc một tuần nhất định, hãy để con làm chủ ngôi nhà, lấy một phần tiền lì xì làm chi tiêu trong gia đình, để con chịu trách nhiệm đi mua rau củ và nhu yếu phẩm hàng ngày. Bằng cách này, trẻ có thể trải nghiệm niềm vui của trách nhiệm, đồng thời để trẻ hiểu được sự khó khăn của cha mẹ.
Dù chỉ là một số tiền lì xì nhỏ nhưng đây là một thử thách trí tuệ của cha mẹ. Chỉ có giúp trẻ hiểu về tiền và học cách sử dụng tiền đúng cách thì mới có thể nuôi dưỡng quan niệm về tiền của trẻ ngay từ nhỏ và đặt nền móng vững chắc cho tương lai.