Điều hoà từ lâu đã trở thành thiết bị làm mát quen thuộc, phổ biến, được các gia đình ưa chuộng sử dụng vào mùa hè với hiệu quả làm mát nhanh, làm mát sâu. Những bộ phận cơ bản, đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của một chiếc điều hoà có thể kể tới là dàn lạnh và cục nóng. Nếu như dàn lạnh chịu trách nhiệm lắp đặt trong phòng, trong nhà để phả hơi mát trực tiếp, thì cục nóng lại mang công dụng tản nhiệt, chuyển hơi nóng từ bên trong phòng ra môi trường bên ngoài.

Cũng bởi chức năng trên mà đa phần các gia đình đều chọn lắp đặt cục nóng điều hoà ở khu vực ngoài trời như các ban công mở, sân thượng, mái nhà hay tường cạnh nhà. Vị trí này giúp hơi nóng được tản ra ngoài một cách tuyệt đối, không ảnh hưởng tới nhiệt độ của ngôi nhà. Tuy nhiên, đây đã phải là vị trí lý tưởng nhất? Dưới đây là nhận định và lời khuyên của các chuyên gia.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 1.

Lắp đặt cục nóng điều hòa trên mái nhà, ngoài sân thượng, ban công, liệu có hợp lý (Ảnh minh họa)

Chuyên gia đưa ra lời khuyên 

Trên thực tế, việc lắp cục nóng điều hoà ở ban công, sân thượng, mái nhà hay tường nhà vốn không phải là sai. Tuy nhiên, chỉ riêng việc này là chưa đầy đủ. Việc cục nóng điều hoà trong thời gian dài, phải tiếp xúc liên tục với các tác động ngoài môi trường như nắng, gió, mưa hay bụi bẩn, lâu ngày có thể khiến thiến bị bị suy giảm tuổi thọ, từ đó gặp các vấn đề về hỏng hóc, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.

Đặc biệt vào mùa hè hay những ngày nắng nóng cao điểm, việc tiếp xúc trực tiếp liên tục với ánh nắng mặt trời có thể khiến nhiệt độ của cục nóng tăng cao, cộng với việc người dùng sử dụng điều hoà với công suất cao, thiết bị dễ bị quá tải, thậm chí xảy ra chập cháy nguy hiểm.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 2.

Cần có biện pháp che chắn hợp lý cho cục nóng điều hòa (Ảnh minh họa)

Chính bởi vậy, khi lắp đặt cục nóng điều hoà ở các khu vực mở như ban công, sân thượng, tường nhà hay mái nhà, các gia đình cần có phương pháp che chắn hợp lý. Có thể thiết kế phần mái che trên cục nóng, giúp hạn chế việc thiết bị phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố môi trường.

Ngoài ra, với những gia đình lắp đặt cục nóng điều hoà ở tường nhà, tốt nhất nên thi công kỹ và cẩn thận phần giá đỡ. Giá đỡ không đủ chắc chắn, thi công lắp đặt không đảm bảo kỹ thuật tiềm ẩn nguy cơ khiến cục nóng bị rơi, ảnh hưởng tới chính sự an toàn của con người cũng như kết cấu ngôi nhà.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 3.

Giá đỡ cho điều hòa cũng cần thiết kế chắc chắn (Ảnh minh họa)

Các sai lầm về vị trí lắp đặt cục nóng điều hoà

1. Lắp cục nóng trong nhà, gần dàn lạnh

Một số người dùng lại hiệu việc bảo vệ cục nóng khỏi những tác động từ môi trường là có thể lắp đặt cục nóng ngay trong nhà, trong phòng, thậm chí là gần với dàn lạnh. Tuy nhiên điều này là rất không nên.

Như đã nói, cơ chế hoạt động của 2 bộ phận này gần như trái ngược hoàn toàn nhau: Dàn lạnh phả ra hơi lạnh - Cục nóng dùng để tản nhiệt, toả ra hơi nóng. Chính bởi vậy khi đặt cạnh nhau, 2 bộ phận sẽ vô tình ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động lẫn nhau, cả dàn lạnh và cục nóng sẽ đều bị ảnh hưởng, hoạt động không hiệu quả và không đúng chức năng. Đặc biệt, cục nóng đặt gần dàn lạnh sẽ khiến không gian nóng lên đáng kể, dàn lạnh phải hoạt động công suất liên tục để làm mát, từ đó tiêu tốn nhiều điện năng.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 4.

Lắp đặt cục nóng trong nhà, gần với dàn lạnh là điều rất không nên (Ảnh minh họa)

2. Cục nóng đặt cao hơn dàn lạnh

Dù ở 2 vị trí hoàn toàn tách biệt song người dùng vẫn nên lưu ý về độ cao của cục nóng và dàn lạnh điều hoà. Cụ thể, cục nóng không nên đặt cao hơn dàn lạnh.

Các chuyên gia có kinh nghiệm cho biết, việc này sẽ làm cho khí ga bên trong bay hơi hết, dầu dọng lại và vô tình gây nguy cơ chảy ngược lại vào trong dàn lạnh. Từ đó ảnh hưởng tới hoạt động của điều hoà. Nếu trong trường hợp người dùng bắt buộc cần lắp cục nóng cao hơn dàn lạnh, cần bổ sung thêm hệ thống bẫy dầu, uốn ống dẫn dầu hình chữ U để ngăn dầu chảy theo đường ống đến dàn lạnh.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 5.

Cục nóng nên để thấp hơn dàn lạnh để đảm bảo quá trình hoạt động của thiết bị (Ảnh Media Mart)

3. Đặt nhiều vật cản gần cục nóng

Với chức năng dùng để tản nhiệt, cục nóng điều hoà sẽ không thể hoạt động tốt, hiệu quả, nếu như xung quanh có quá nhiều vật cản, đặc biệt là khu vực trước quạt gió. Bởi vậy, người dùng cần hạn chế sai lầm này, đặc biệt là các vật dụng dễ cháy như túi nilon, túi giấy...

Phía trên của cục nóng người dùng cũng không nên tận dụng để để nhiều đồ đạc, vật dụng nặng, gây sức ép lên cục nóng.

Có nên lắp cục nóng điều hoà ngoài ban công, trên mái nhà không? Thì ra bấy lâu rất nhiều người hiểu sai- Ảnh 6.

Khu vực cục nóng cần sự thông thoáng, không có vật cản và người dùng cũng không nên đặt vật nặng lên thiết bị (Ảnh minh họa)

Bên cạnh các lưu ý trên về vị trí của cục nóng điều hoà, người dùng cũng cần duy trì lịch vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị định kỳ. Việc này nên được thực hiện khoảng 1-2 lần/năm và bởi các thợ kỹ thuật chuyên nghiệp. Người dùng không nên tự thực hiện bởi có thể xảy ra sự cố nguy hiểm.