Bệnh nhân L.T.H.N. (24 tuổi, ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), được xem là trường hợp trẻ nhất trước giờ mắc căn bệnh ung thư cổ tử cung hiểm ác đến điều trị tại bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM.
BS ở BV Ung Bướu TP.HCM phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư phụ khoa.
Ra máu âm đạo bất thường, phát hiện ung thư
Khi thấy liên tục ra máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục, L.T.H.N. (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đến kiểm tra tại một BV địa phương. Sau khi thăm khám và nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư, các BS đã chuyển chị N. đến BV Ung Bướu TP.HCM.
Tại đây, kết quả sinh thiết xác định bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2A và phải điều trị ngay. Kết quả này khiến bệnh nhân ngỡ ngàng , bởi chị chỉ mới 24 tuổi.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu TP.HCM.
BS Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, tình trạng của bệnh nhân tương đối nặng bởi cổ tử cung bị sang thương lớn. Để xử lý khối u, bệnh nhân sẽ phải xạ trị, cắt bỏ toàn bộ tử cung kèm nạo hạch. Điều này đồng nghĩa việc chị N. sẽ mất khả năng sinh nở.
Trong trường hợp bệnh nhân muốn sinh con, phẫu thuật bảo tồn tử cung sẽ được tính tới. Tuy nhiên việc điều trị sẽ không triệt để và khối u có nguy cơ tái phát sau này.
Trước đó vài tháng, một cô gái 26 tuổi (quê Bạc Liêu) cũng phát hiện ung thư nội mạc tử cung giai đoạn 3 sau hai tuần ra huyết âm đạo bất thường.
Đặc biệt, bệnh nhân này còn có tiền sử tiểu đường và cơ địa béo phì khi nặng đến 110kg với vòng bụng rất lớn.
Nhận thấy bệnh nhân có cân nặng quá lớn, ban đầu các BS cân nhắc chuyện có nên xạ trị triệt để hay không để tránh gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Khoa Ngoại 1 thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị ung thư phụ khoa trẻ tuổi.
Tuy nhiên xét thấy phẫu trị đầu tiên mang kết quả tốt hơn nên sau cùng, ekip quyết định phẫu thuật cắt rộng tử cung, 2 phần phụ và nạo vét hạch chậu 2 bên.
Bệnh nhân dù được phẫu thuật thành công nhưng cần tiếp tục hóa xạ trị sau mổ.
Căn bệnh ung thư phụ khoa đang trẻ hóa
Theo BS Tiến, hai trường hợp trên là điển hình cho việc ung thư phụ khoa nói riêng và ung thư nói chung đang trẻ hóa.
Bệnh nhân tại BV Ung Bướu TP.HCM đang chờ phẫu thuật.
Mỗi năm, Việt Nam phát hiện mới hơn 4.100 ca ung thư cổ tử cung, trong đó 2.400 bệnh nhân tử vong do bệnh này mỗi năm.
Tại BV Ung bướu TP.HCM, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp nhập viện điều trị ung thư cổ tử cung.
Mỗi năm có khoảng 9.000 người trẻ chết do ung thư. Con số bệnh nhân dưới 30 tuổi mắc phải căn bệnh ung thư đang gia tăng một cách đáng sợ.
Mỗi năm có khoảng 9.000 người trẻ chết do ung thư.
"Trong khi những năm trước rất thấp thì trong năm 2017, BV ghi nhận 89 trường ung thư vòm họng - lưỡi - hốc miệng, 69 trường hợp ung thư cổ tử cung và 30 trường hợp ung thư vú" – BS Tiến thông tin.
Đáng lo ngại, các nghiên cứu cho thấy ung thư cổ tử cung, buồng trứng, nội mạc tử cung ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là phụ nữ rất trẻ có mức độ tiến triển và ác tính hơn so với phụ nữ lớn tuổi.
"Phác đồ điều trị ở những bệnh nhân này cũng tương tự như ở những bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên điều cực kỳ quan trọng là cần chẩn đoán sớm để điều trị hiệu quả. BS cũng cân nhắc việc bảo tồn khả năng sinh sản cho bệnh nhân, đặc biệt là người chưa lập gia đình.
Áp lực tâm lý ở người trẻ thường nặng nề hơn, vì họ đang là trụ cột của gia đình và có một tương lai còn rất dài phía trước. Việc suy sụp tâm lý cũng làm cho căn bệnh tiến triển nhanh hơn và giảm đi hiệu quả điều trị" – BS phân tích.
Bệnh nhân ung thư đang chờ chụp CT tại BV Ung Bướu. Với những trường hợp chụp CT có cản quang phải được sự đồng ý của người bệnh vì có nguy cơ xảy ra biến chứng.
Các BS nhận định, hầu hết ung thư ở người trẻ không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng
Tuy nhiên có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư ở người trẻ như: Đột biến gen; Tiếp xúc với tia cực tím (tia UV) khi phơi nắng hay từ máy tắm nắng; Nhiễm virus HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung và một số ung thư khác; Nhiễm HIV...
Các phương pháp điều trị như hóa trị hay xạ trị các bệnh lý ung thư trẻ em có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư thứ 2, đặc biệt là ung thư máu sau đó.
Riêng với ung thư cổ tử cung, 99,7% trường hợp mắc bệnh có liên quan đến virus HPV.
BS Tiến cho biết dù nguy hiểm nhưng nếu ung thư cổ tử cung được phát hiện trong giai đoạn sớm (giai đoạn 1A) thì khả năng điều trị khỏi có thể lên đến 100%. Chính vì yếu tố này mà vấn đề tầm soát bệnh cần được hết sức lưu ý.
"Phụ nữ nên tầm soát PAP từ tuổi 21 hoặc xét nghiệm virus HPV để sớm phát hiện ung thư. Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên nếu có ASC-H (tổn thương tế bào gai không điển hình) nên được đánh giá bằng soi cổ tử cung" – BS Tiến đưa ra lời khuyên.
Ngày 23/11/2018, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa với chuyên đề tháng 11 "Hiểu đúng bệnh – Chữa đúng cách". Chuyên đề kỳ sinh hoạt lần này chia sẻ những kiến thức về bệnh ung thư cổ tử cung.
Kỳ sinh hoạt Câu lạc bộ lần này có sự tham gia chia sẻ kiến thức của BS.CKII. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1 và TS.BS. Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng Khoa Xạ 2 của bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Thời gian tổ chức chương trình sinh hoạt giao lưu bắt đầu từ 13h30 – 15h30 chiều thứ sáu ngày 23/11/2018, tại Hội trường Khu Xạ trị gia tốc, số 06 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Bình Thạnh.