Đối với nhiều người, đổ mồ hôi thường xảy ra do ăn thức ăn nóng và cay. Tuy nhiên, với một số người khác, nó có thể xảy ra thường xuyên sau khi ăn bất kỳ thực phẩm. Với những trường hợp ăn bất kì thực phẩm nào cũng ra mồ hôi thì rất có thể là do họ bị tổn thương thần kinh trong hoặc xung quanh tuyến mang tai, tuyến trong má tạo ra nước bọt. Điều này có xu hướng xảy ra ở một bên của khuôn mặt và được gọi là hội chứng Frey hay là đổ mồ hôi vị giác (Gustatory Sweating and Flushing).
Trong một số trường hợp hiếm gặp, những người bị đái tháo đường có thể bị ra mồ hôi cả 2 bên mặt.
Đổ mồ hôi thường xuyên sau khi ăn và hội chứng Frey
Đổ mồ hôi vị giác cũng giống như hội chứng Frey và 2 thuật ngữ thường được sử dụng thay thế cho nhau.
Không có gì lạ khi mọi người đổ mồ hôi trong hoặc sau khi ăn. Đối với hầu hết mọi người, đổ mồ hôi xảy ra trên mặt, da đầu hoặc cổ khi họ đang ăn thức ăn và đồ uống cay hoặc nóng. Trong những trường hợp này, cơ thể của người đó đang phản ứng tự nhiên với sự kích thích tăng nhiệt độ cơ thể thông qua mồ hôi. Đây là một phản ứng bình thường và không phải là điều gì đó đáng lo ngại.
Nhưng một người mắc hội chứng Frey thì lại khác. Họ cũng đổ mồ hôi khi ăn nhưng là do có vấn đề với tuyến mang tai của họ và có thể bắt đầu đổ mồ hôi, đỏ bừng trên da đầu, mặt, tai và cổ sau khi ăn bất kì thực phẩm nào. Những thực phẩm khiến người ta tiết ra nhiều nước bọt có nhiều khả năng kích hoạt phản ứng hơn.
Bình thường, một người cũng có thể phát triển hội chứng Frey do kết quả của phẫu thuật gần tuyến mang tai. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể do một chấn thương hoặc bệnh tật khác ảnh hưởng đến tuyến mang tai. Trong quá trình chữa bệnh, đôi khi các dây thần kinh bị tổn thương, lẫn lộn với các dây thần kinh khác, khiến một người tiết ra mồ hôi thay vì nước bọt.
Thông thường, hội chứng Frey chỉ xảy ra ở một bên mặt. Mặc dù cả 2 má đều có tuyến mang tai, nhưng chỉ có một bên bị tổn thương. Còn đổ mồ hôi vị giác thường xảy ra ở cả 2 bên mặt.
Đổ mồ hôi vị giác có thể xảy ra mà không có lý do rõ ràng hoặc là kết quả của một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh Parkinson. Những bệnh này cũng có thể gây tổn thương cho các dây thần kinh trong miệng. Khi các dây thần kinh bị tổn thương, chúng có thể bị rối loạn và gây ra mồ hôi. Không giống như đổ mồ hôi thường xuyên do ăn thức ăn cay hoặc nóng, đổ mồ hôi vị giác khiến người bệnh đổ mồ hôi và đỏ bừng ở xung quanh thái dương, má, cổ, trán, ngực hoặc môi... sau khi ăn, suy nghĩ hoặc thậm chí nói về thực phẩm.
Đổ mồ hôi vị giác có thể khiến một số người đau khổ, nhất là khi họ không biết được nguyên nhân do đâu. Vì vậy, trong trường hợp này, người bệnh nên nói chuyện với bác sĩ của họ để tìm hiểu những gì có thể gây ra mồ hôi.
Nguyên nhân và các bệnh có liên quan đến tình trạng đổ mồ hôi vị giác
Đổ mồ hôi vị giác được kích hoạt bởi những điều sau đây:
- Ăn thức ăn
- Suy nghĩ về thực phẩm
- Nói về thức ăn
Hội chứng Frey được kích hoạt bằng cách ăn thực phẩm, nhưng nó cũng có thể xảy ra ngay cả khi đang suy nghĩ hoặc nói về thực phẩm. Nó phát triển ở một bên của khuôn mặt trong khu vực của tuyến mang tai bị ảnh hưởng.
Đổ mồ hôi vị giác thường là kết quả của một bệnh cơ bản, bao gồm:
- Đái tháo đường
- Nhiễm virus ảnh hưởng đến khuôn mặt, chẳng hạn như bệnh bại liệt hoặc bệnh zona
- Chấn thương mặt
Bị bệnh mồ hôi vị giác, khi nào cần đi khám bác sĩ
Không phải ai cũng nhất thiết phải đi khám nếu có tình trạng ra mồ hôi do ăn uống, chỉ những người không ăn đồ ăn rất cay, nóng mà vẫn vã mồ hôi thì mới cần phải lo lắng.
Những người đổ mồ hôi đầm đìa sau khi nếm, ngửi hoặc nói về thực phẩm thì càng nên gặp bác sĩ. Một bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng Frey's hoặc một loại mồ hôi vị giác khác bằng cách:
- Lưu ý các triệu chứng đặc trưng
- Lấy tiền sử bệnh
- Thực hiện xét nghiệm
Biết nguyên nhân giúp bác sĩ đưa ra cách điều trị mồ hôi vị giác tốt nhất cho bạn.
Điều trị và phòng ngừa đổ mồ hôi vị giác
Khi cơ thể bạn bắt gặp những triệu chứng này thì nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Đổ mồ hôi lâu ngày sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thần kinh thực vật, gây rối loạn hoạt động của nhiều cơ quan như nhịp tim nhanh, hay hồi hộp, căng thẳng, lo âu, tính tình hay cáu gắt, mệt mỏi không rõ lý do... Việc điều trị đổ mồ hôi phụ thuộc vào những gì gây ra nó, có thể là dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Tiêm botox cũng là một cách điều trị tình trạng này. Thuốc được tiêm vào khu vực bị ảnh hưởng để ngăn chặn mồ hôi, và có tác dụng phụ tối thiểu nên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) hiện không chấp thuận việc sử dụng Botox để điều trị chứng ra mồ hôi.
Nếu là đổ mồ hôi vị giác có nguyên nhân không phải là kết quả của chấn thương hoặc phẫu thuật thì việc điều trị thường đòi hỏi phải chữa khỏi bệnh tiềm ẩn hoặc rối loạn nếu có.
Những người nghi ngờ rằng việc đổ mồ hôi của mình là kết quả của tình trạng tiềm ẩn thì nên nói chuyện với bác sĩ về bất kì triệu chứng nào khác mà mình gặp phải.