Trong suốt 10 năm làm việc tại Google với tư cách là Phó Chủ tịch, có những tuần Claire Hughes Johnson dành tới 40 giờ để thực hiện các cuộc phỏng vấn xin việc. Trích ngang sơ yếu lý lịch bản thân, Claire Hughes Johnson là cố vấn cho Stripe, tác giả cuốn Scaling People: Tactics for Management and Company Building (Tạm dịch: Mở rộng quy mô con người: Chiến thuật quản lý và xây dựng công ty), và là giảng viên tại Trường Kinh doanh Harvard. Trước đây, cô là Giám đốc điều hành của Stripe và đã có 10 năm làm việc tại Google. Claire cũng là người được ủy thác và là Chủ tịch hội đồng quản trị hiện tại của Học viện Milton.
Trong suốt ngần ấy thời gian tiếp xúc và làm việc với những ứng viên tiềm năng, Claire luôn quan niệm một kỹ năng mà bản thân cô luôn tìm kiếm ở các ứng viên: self-awareness (sự tự nhận thức).
Cụ thể hơn, "self-awareness" liên quan đến việc theo dõi thế giới nội tâm, suy nghĩ, cảm xúc và niềm tin ở mỗi chúng ta. Đây là điều cực kỳ quan trọng bởi nó là một cơ chế chính ảnh hưởng đến sự phát triển của một cá nhân. Hiểu đúng "self-awareness" là biết cách xây dựng phát triển, là chìa khóa mở ra nhiều cánh cửa cơ hội cho bản thân.
"Self-awareness" là một vấn đề cơ bản nhất trong lĩnh vực tâm lý học, từ các quan điểm phát triển và tiến hóa. Lý thuyết này được phát triển bởi Duval và Wicklund trong quyển sách mang tính bước ngoặt năm 1972 của họ - A Theoary of Objective Self-awareness (Tạm dịch: Một lý thuyết về nhận thức bản thân khách quan).
Quay trở lại vấn đề chính, kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên chắc chắn quan trọng, nhưng chúng hoàn toàn có thể học được, trong khi đó khả năng tự nhận thức lại không đơn giản như vậy. Khi ai đó có khả năng tự nhận thức cao, họ sẽ có động lực tìm tòi, học hỏi mọi thứ vì họ trung thực với bản thân về những gì cần phải làm. Những ai có khả năng tự nhận thức cao cũng thường có quan hệ tốt với mọi người xung quanh.
Thêm vào đó, đây là một đặc điểm hiếm có khó tìm bởi theo một nghiên cứu, mặc dù 95% mọi người nghĩ rằng họ tự nhận thức được bản thân, nhưng thực tế chỉ có 10% đến 15% là làm được điều đó. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết những người không có khả năng tự nhận thức:
- Liên tục nhận được phản hồi trái chiều. Điều này hoàn toàn đồng nhất với việc mọi phản hồi từ mọi người xung quanh là đúng, nhưng nó lý giải về việc cách người khác nhìn nhận về bạn khác xa so với cách bạn nhìn nhận về bản thân.
- Bạn thường cảm thấy thất vọng và khó chịu vì cảm thấy không đồng nhất quan điểm, không tìm được tiếng nói chung với hướng đi hoặc quyết định của nhóm. Bạn cảm thấy kiệt sức vào cuối ngày làm việc và không thể biết được lý do là gì. Bạn không thể mô tả những loại công việc bạn làm và không thích làm.
Làm thế nào để xây dựng sự tự nhận thức?
Biết cách tự nhận thức là hiểu được lý do tại sao bạn làm việc theo cách bản thân đang làm và những gì bạn có thể đóng góp cho mọi người:
1. Hiểu được giá trị
Thấu hiểu được điều gì là quan trọng nhất, điều gì mang lại năng lượng và điều gì làm suy yếu năng lượng tích cực của bản thân... sẽ giúp bạn hiểu được cách mình vận hành việc. Với những hiểu biết sâu sắc này, bạn sẽ có thể tự do thể hiện giá trị của bản thân và hiểu khi nào chúng sẽ đối nghịch và mâu thuẫn với nhau hoặc với giá trị của người khác.
2. Xác định phong cách làm việc
Hãy dành một vài tuần để xác định xem đâu là thời điểm mà bạn cảm thấy mình dường như có thể chinh phục được đỉnh cao của sự nghiệp hoặc thậm chí những lúc thất bại nhất trong quá trình làm việc. Nếu bạn thấy khó đánh giá bản thân, hãy hỏi một người mà bạn tôn trọng: "Bạn thấy tôi làm việc tốt nhất và tệ nhất khi nào?".
3. Phân tích kỹ năng và khả năng
Trong khi phỏng vấn, bạn sẽ có thể tự tin nói về điểm mạnh và điểm yếu của mình. Để có khả năng tự nhận thức tốt hơn, hãy tự hỏi mình bốn câu hỏi:
- Mình có thể làm gì thực sự tốt?
- Những kỹ năng nào mình có, và những kỹ năng nào mình cần xây dựng?
- Khả năng của bản thân là gì?
- Mình bẩm sinh giỏi về cái gì, và những khả năng nào mà bản thân mình có được theo thời gian?
Eric Yuan - người sáng lập kiêm CEO của Zoom, có một bài tập tuyệt vời khác để phân tích kỹ năng và khả năng của bản thân. Cụ thể, ông dành 15 phút để suy nghĩ về những việc mình đã làm vào cuối ngày.
"Tôi thường tự hỏi: Bản thân đã làm tốt điều gì? Tôi có phạm sai lầm nào không? Tôi có thể cải thiện vào ngày mai không? Đôi khi tôi viết ra một cái gì đó quan trọng, nhưng hầu hết thời gian, suy nghĩ là đủ", Eric Yuan nói.
Theo Make it