Dù đã làm cha mẹ hay chưa, hẳn đã không ít lần trong đời bạn được chứng kiến những lần đứa bé đạp bụng mẹ. Và theo một nghiên cứu mới được công bố, những pha “Nộ Long cước” đó không hề nhẹ ký chút nào.

Nghiên cứu này được công bố trên tờ tạp chí Journal of the Royal Society Interface, và là nghiên cứu đầu tiên định lượng lực tác động lên tử cung mẹ, và sức ép từ tử cung mẹ lên hệ xương của bào thai.

Có thể bạn chưa biết: lực đạp của bào thai lên bụng mẹ là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI), kết hợp với việc lập trình máy tính nhằm theo dõi những cử động của bào thai, từ đó tính ra lực đẩy của bào thai lên tử cung người mẹ.

Kết quả cho thấy, lực đạp của bào thai tăng dần theo thời gian, khi hệ cơ xương khớp của bé dần phát triển. Vào tuần thứ 20, lực này có giá trị là 29 Newton, và vào tuần thứ 30, nó đã là 47 Newton.

Tuy nhiên, tới tuần thứ 35, con số này lại giảm xuống chỉ còn 17 Newton. Điều này được lý giải bởi sự hạn hẹp về không gian, khi bào thai đã dần chiếm mọi chỗ trong tử cung người mẹ.

Những lần đạp bụng mẹ đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của bào thai, đồng thời, sức ép từ tử cung ngược lại cũng giúp kích thích sự hình thành và phát triển hệ xương khớp của đứa bé.

Tham khảo: Livescience