Việc tiêu thụ quá nhiều đường có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với cả làn da và sức khỏe. Đường làm tăng mức độ insulin trong cơ thể, dẫn đến việc tăng sản xuất dầu và kích thích sự phát triển của mụn trứng cá. Lượng đường dư thừa còn thúc đẩy quá trình glycation, làm hỏng collagen và elastin trong da, gây lão hóa sớm và làm da mất độ đàn hồi.
Bên cạnh đó, thừa đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, và béo phì. Đường còn góp phần gây viêm, làm suy yếu hệ miễn dịch và làm chậm quá trình phục hồi của cơ thể. Việc giảm thiểu lượng đường tiêu thụ là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe và duy trì làn da khỏe mạnh.
Nhưng làm sao để biết cơ thể bạn đang bị thừa đường?
1. Ngứa vùng kín
Ngứa vùng kín là một dấu hiệu đáng ngạc nhiên cho thấy bạn có thể đang tiêu thụ quá nhiều đường.

Bác sĩ Eric Berg (làm việc tại Mỹ) cảnh báo rằng khi bạn ăn nhiều đường, lượng đường trong máu tăng cao và một phần đường dư thừa này có thể được bài tiết qua nước tiểu.
Điều này tạo ra môi trường giàu đường, thúc đẩy sự phát triển của candida, một loại nấm men sống tự nhiên trong cơ thể nhưng có thể sinh sôi quá nhanh trong điều kiện thích hợp. "Candida sống và phụ thuộc vào đường", ông nhấn mạnh.
2. Mắt mờ
Mắt mờ cũng có thể là dấu hiệu của việc tiêu thụ quá nhiều đường.
Lượng đường trong máu cao ảnh hưởng đến sự cân bằng chất lỏng trong mắt. Khi có quá nhiều glucose trong máu, nó có thể làm cho thủy tinh thể bị sưng hoặc thay đổi hình dạng, gây khó khăn cho việc tập trung rõ ràng. Bác sĩ Berg giải thích: "Vì vậy, dịch thực sự bị rò rỉ ra khỏi mạch máu vào thủy tinh thể của mắt. Điều đó khiến bạn bị mờ mắt một chút".
3. Đi tiểu thường xuyên và khát nước
Đây là 2 dấu hiệu thường đi kèm nhau. Khi bạn ăn quá nhiều đường, đặc biệt là đường tinh luyện hoặc đường phụ gia, cơ thể sẽ cố gắng đào thải nó qua nước tiểu. Điều này buộc thận phải làm việc quá sức, hút nhiều nước hơn từ cơ thể để giúp loại bỏ đường.

Kết quả là bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn bình thường và cảm thấy khát nước do mất nước. "Cơ thể đang cố gắng loại bỏ glucose vì nó coi quá nhiều đường là chất độc", bác sĩ Berg tiết lộ. Ông cũng cho biết thêm: "Đó là lý do bạn sẽ khát nước hơn bình thường".
4. Thường xuyên mệt mỏi
Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên hơn cũng là một dấu hiệu cảnh báo cơ thể thừa đường. Mặc dù đường cung cấp cho bạn năng lượng nhanh chóng, nhưng nó thường đi kèm với sự sụt giảm đột ngột khiến bạn cảm thấy uể oải và kiệt sức.
Điều này xảy ra do thực phẩm có đường gây ra sự tăng đột biến lượng đường trong máu, kích hoạt sự gia tăng insulin để đưa lượng đường trở lại mức bình thường - đôi khi quá nhanh. Sự sụt giảm đột ngột đó có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức, ngay cả khi đã nghỉ ngơi đủ.
Bác sĩ Berg lưu ý: "Bất kể ngủ bao nhiêu, bạn vẫn sẽ cảm thấy kiệt sức do lượng đường trong máu cao".

5. Dễ kích động, cần ăn vặt giữa các bữa
Dễ bị kích động tâm trạng, cần ăn vặt giữa các bữa ăn cũng là những dấu hiệu cho thấy bạn đang tiêu thụ quá nhiều đường. Thực phẩm nhiều đường gây ra sự tăng đột biến lượng đường trong máu nhanh chóng, sau đó là sự sụt giảm mạnh. Sự sụt giảm lượng đường trong máu này có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và thèm một giải pháp nhanh chóng khác, thường là dưới dạng nhiều đường hoặc carbs tinh chế hơn.
"Những gì xảy ra ở cấp độ tế bào là các tế bào không nhận được nhiên liệu; chúng không nhận được chất dinh dưỡng mà cơ thể cần", ông lưu ý. Bác sĩ Berg cũng khuyên bạn nên ăn một bữa ăn thay vì một bữa ăn nhẹ chứa nhiều đường để giữ bình tĩnh và cảm thấy tốt hơn.
(Ảnh minh họa: Internet)