Nghiên cứu mới dẫn đầu bởi TS Ernesto Nakayasu từ Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc Thái Bình Dương (PNNL - Mỹ) cho thấy tuy việc tập thể dục được biết là giúp tăng cường hệ miễn dịch nhưng cơ chế này sẽ đảo ngược nếu bạn tập luyện quá mức.
Theo Science Alert, nhóm nghiên cứu thử nghiệm huyết tương, nước tiểu và nước bọt của 11 lính cứu hỏa trước và sau 45 phút tập luyện cường độ cao bằng cách vận chuyển thiết bị nặng 20 kg trên địa hình đồi núi.
Họ đã xác định 4.700 phân tử trong các chất dịch này, phản ánh những thay đổi tinh vi của cơ thể liên quan đến quá trình tập luyện.
Một loạt thay đổi mạnh mẽ đã được ghi nhận ở những người lính cứu hỏa tham gia nghiên cứu.
Giữa những thay đổi về thể chất được mong đợi giúp cơ thể chúng ta duy trì sự gia tăng về chất lỏng, năng lượng và oxy, còn có sự giảm các phân tử liên quan đến tình trạng viêm và tăng opiorphin - một chất làm giãn mạch máu ngoại vi.
Tuy nhiên, có một điều đã nảy sinh: Khi việc tập luyện được đẩy lên mức quá cao, sự ức chế miễn dịch xuất hiện.
Sự gia tăng các peptide kháng khuẩn được tìm thấy trong miệng những người này như để bù đắp cho phản ứng miễn dịch tổng thể được suy yếu, nhưng không đủ để chống lại một số tác nhân nhất định, ví dụ vi khuẩn E.coli.
Kết quả vừa công bố trên tạp chí y học Military Medical Research này ủng hộ một số bằng chứng khoa học trước đây cho thấy tỉ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn ở những người quá "nghiện" việc tập luyện.
Nghiên cứu này chỉ ra sự cần thiết trong việc thiết kế các bài tập hợp lý, vừa sức hơn dành cho những đối tượng cần chế độ huấn luyện đặc biệt.
Ngoài ra, với những người bình thường, yêu thể dục - thể thao là điều tốt, nhưng hãy cẩn thận nếu bạn thường xuyên làm bản thân cảm thấy kiệt sức. Bên cạnh đó, nếu thấy mình siêng tập mà vẫn hay bệnh vặt, bạn cũng nên xem lại cường độ tập luyện.