"Bậu sang phà Rạch Miễu,
Vô Chợ Giữa nhởn nhơ
Về Trúc Giang đang chờ hay về,
Cù Lao Ốc trăng mơ?".
Nhưng câu hát dễ thương "đốn tim" khách phương xa khiến chúng tôi quyết tâm phải ghé cho được Cù lao Ốc nổi tiếng làm xiêu lòng người bởi giọng nói ngọt ngào của những nàng con gái xứ dừa.
Chuyến hành trình về miền Tây sông nước, cảnh vật xung quanh yên bình đến lạ...
Ghé Bến Tre, mảnh đất xứ dừa với sự mến khách phương xa.
Quán nhỏ níu chân khách lỡ đường...
Phà Rạch Miễu không còn nữa, thay vào đó là chiếc cầu cao cùng tên nối đôi bờ Tiền Giang – Bến Tre ngút ngàn.
9 giờ sáng, trời Bến Tre đổ mưa tầm tã. Nhưng cơn mưa miền Tây mát rượi và đã đời lắm chứ không ngột ngạt khói bụi như Sài Gòn, vì có mùi cỏ cây sông nước, mùi ruộng vườn, và cả mùi người chân chất.
Đường đến Cù Lao Ốc (hay Cồn Ốc) đi qua những rặng dừa thật cao. Những con đường nhỏ uốn quanh trải dài cả trong thành phố.
Chúng tôi vô tình dừng chân ở làng bánh tráng Mỹ Lồng, nơi nổi tiếng với món bánh tráng dừa, bánh tráng chuối.
Cô Nguyễn Thị Thúy (45 tuổi), đã theo nghề làm bánh tráng hơn 30 năm.
Mặc vội chiếc áo mưa, chúng tôi chào cô bảy bán cơm để tiếp cuộc hành trình mà lòng vẫn chưa thôi thắc mắc: Sao dĩa cơm tấm có đủ thứ thịt thà, chả, trứng, cà chua, dưa leo mà chỉ có… 15 ngàn đồng. Dĩa cơm giá rẻ nhưng làm ấm lòng khách lỡ đường nhiều lắm.
Nhưng chỉ chạy được một quãng thì gió càng lúc càng rít lớn, nước mưa cứ nhắm thẳng mặt mà tạt. Biết không cãi được ý trời, chúng tôi đành tấp đại vào một quán bên đường. Dụi mắt cho đỡ rát, một hình ảnh thân thân hiện ra trước mặt khách đường xa.
Trong quán nhỏ treo lủng lẳng nào bánh phồng, bánh tráng, bánh dừa, có hai mẹ con nhà nọ đang cặm cụi cán từng mảnh chuối mỏng. Bên cạnh, bếp lò khói bay nghi ngút. Tự nhiên thấy nhớ nhà ghê gớm!
Những chùm bánh treo lủng lẳng trước hiên nhà.
Chỉ có vài ngàn đồng nhưng vị ngọt, giòn của bánh khiến ai cũng phải thổn thức.
Không ngại ngùng vì biết người miền Tây ghét thói xã giao "giữ kẽ", chúng tôi đi thẳng vào trong xin trú mưa. Cô chủ quán bánh tráng mỉm cười gật đầu trong khi tay vẫn thoăn thoắt với mớ chuối trước mặt. Nhìn kỹ, thì ra cổ đang làm bánh chuối.
"Ngồi đi hai đứa, cô đang lu bu. Ngồi im đừng đi nhiều chó nhà cô tưởng ăn trộm, nó cắn đó" - cô Thúy, giọng dí dỏm mở màn cuộc nói chuyện với khách đường xa. Ở ngoài sạp, cô con gái mới 19 tuổi của cô cũng nhoẻn miệng cười, nhìn khách đôi ba giây rồi cúi mặt xuống cán chuối thành lát mỏng như mẹ.
Đôi bàn tay thoăn thoắt của cô Thúy.
Đoạn, họ dùng dao ép chuối lên miếng bánh tráng. Dường như có chất keo nào đó giữa chuối và bánh mà hai thứ này khi tiếp xúc với nhau là dính như sam.
Nghe khách thắc mắc cô Thúy cười, nói: "Hổng biết nữa, chuối nó khô là tự nhiên nó dính hà. Thấy ông bà già xưa làm vậy nên mình bắt chước. Nè, hai đứa ăn bánh không, ra sạp lựa đi. Ăn cho biết. Cô lấy vốn cho, không có đồng lời nào đâu".
Vào những ngày trời mưa, bánh sau khi làm xong sẽ được sấy khô bằng cách đốt lửa từ vỏ dừa.
Dù công việc vất vả, lời ít nhưng cô Thúy chẳng bao giờ bỏ được, dù cho có lúc bị trộm hết bánh ở trước nhà.
"Cứ bị cướp hoài mà bỏ nghề không được, ngộ ghê"
Mà chúng tôi cũng có duyên lắm!
Ở cái xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm này vốn nổi tiếng với làng nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng. Mấy mẹ con cô Thúy cũng chuyên làm bánh tráng kiếm sống. Nhưng hổm rày mưa gió thất thường, họ chuyển sang làm bánh chuối bỏ mối vài bữa.
Chứ nếu không, chúng tôi làm sao thấy mấy cái nia lá dừa đầy bánh hun khói bếp, làm sao thưởng thức được cái hương vị béo béo của dừa hòa lẫn với vị ngọt ngọt của chuối xiêm.
Căn nhà nhỏ là nơi sinh sống và làm nghề bánh tráng của hai mẹ con cô Thúy.
Những chiếc bánh chuối được làm rồi phơi khô trông rất hấp dẫn.
Hỏi bánh này bao nhiêu một cái, cô Thúy thiệt tình: Bán lẻ bánh nướng sẵn thì 4.000 đồng/cái. Bỏ mối sỉ cho người ta chỉ có 2.000 đồng thôi. Một tiếng đồng hồ được vài chục cái, trừ vốn ra thì còn lời mười mấy ngàn đồng.
Nghe bà mẹ hai con nói xong mà phát hoảng. Ngồi cán chuối muốn xụi lơ 2 cánh tay, ròng rã cả buổi trời đủ tiền mua được một ổ bánh mì ở thành phố.
Thấy khách "sốc", cô Thúy cười khanh khách đáp: "Thì dân quê tụi này có ai dám ăn sáng đâu mấy đứa ơi. Cứ cơm nóng tự nấu, cá khô cho chắc bụng mà đỡ tốn".
Nói kiểu hà tiện vậy đó mà khi thấy chúng tôi hít hà mùi bánh một cách ngon lành, cô Thúy lại sảng khoái ra giới thiệu từng loại bánh rồi mời ăn thử.
Cảnh khói bếp hun hút, không gian thôn quê dân dã khiến chúng tôi cảm thấy yêu mến đến lạ thường.
Sau khi ép chuối lên bánh, sẽ trải ra nia bằng lá dừa và đem đi phơi khô.
Nhìn cái cách người phụ nữ mân mê từng miếng bánh trong bịch ni-lông, sợ làm bể chúng mới thấy cô Thúy yêu nghề thế nào.
Cô kể, cái nghề làm bánh tráng có từ hồi ông cố bà sơ xưa lắc xưa lơ rồi. Đến đời của cô đã là thế hệ thứ ba, thứ bốn gì đó.
"Sở dĩ bánh tráng xứ này nổi tiếng gần xa là vì cái vị dừa. Nước cốt dừa phải đậm đặc và thiệt nhiều. Mà làm tới đâu thì nấu tới đó. Chứ nhiều chỗ người ta làm số nhiều nên nấu sẵn, để qua đêm bánh cũng không còn được ngon. Đơn giản vậy hà chứ đâu có gì phức tạp" – cô Thúy tiết lộ luôn bí mật mà không thèm giấu nghề.
Nhờ sự cần mẫn và kiên trì, nghề làm bánh tráng giúp cô Thúy chuyển từ nhà lá sang nhà gỗ ván ép. Mấy năm nay mới lên được cái nhà tường mái tôn.
Em Thủy sau khi học xong cấp 3 thì không đi học nghề mà ở nhà học làm bánh tráng để giúp cô Thúy làm nghề.
Cái nghề nghĩ cũng cực thiệt mà theo cô Thúy, cô cũng nuôi được hai đứa con gái lớn cùi cụi như ai rồi đó.
Trời tạnh mưa, bẻ vội miếng bánh tráng chuối dẻo thơm cho vào miệng, chúng tôi hỏi thiệt cô Thúy, rằng khó khăn lớn nhất của cô bây giờ là gì.
Chỉ tay ra ngay sạp bánh, cô tâm sự, nhiều lần đem cả xấp lớn ngàn cái bánh tráng ra sạp để, mà loay hoay chưa kịp bán thì tụi "cô hồn" rinh mất. Cứ mất bánh hoài đến lỗ vốn. Có thời điểm cô mất đến hai, ba chục triệu tiền bánh, mấy mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc ròng.
Bánh sẽ được phơi trên những tắm nia bằng lá dừa khi trời nắng ráo. Vỏ dừa sẽ dùng để đốt và sấy bánh vào ngày trời mưa.
Chia tay mẹ con cô Thúy, những chiếc bánh chuối và nụ cười trìu mến của người dân Mỹ Lồng sẽ luôn còn đọng lại trong tâm thức của một người khách phương xa.
"Mà sao mỗi lần nghỉ làm bánh 2-3 bữa là trong bụng cứ bồn chồn, lại muốn khom lưng cán chuối, đảo bột. Cứ bị cướp hoài mà bỏ nghề không được, ngộ ghê!".
Cái chữ "ngộ ghê" cứ văng vẳng trong đầu chúng tôi khi lên xe rời khỏi sạp bánh nhỏ nhưng chan chứa vị nhà quê xứ dừa ngọt ngào. Nó giống như cách mà người dân miền Tây sông nước níu chân khách đường xa, vừa chân chất lại ngọt lịm tình người.
Mời độc giả đón xem những câu chuyện bình dị của xứ miền Tây sông nước được chúng tôi ghi lại qua góc nhìn chân thật, đậm nét nhất ở các bài viết tiếp theo.
Đọc lại bài 1: Về miền Tây nghe những câu chuyện nhỏ xíu, nhìn nụ cười hiền khô của dì Bảy, thím Ba, thấy thứ gì cũng ngọt vị tình người.