"Quần nhỏ" vượt khó đến vùng cao
Sau 1 năm tiền trạm và khảo sát, tổ chức Nơ Xanh Việt Nam nhận thấy còn rất nhiều phụ nữ ở vùng cao, vùng sâu vùng xa bị thiếu điều kiện cơ sở vật chất, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và phụ khoa rất nghèo nàn lạc hậu.
Tình trạng phụ nữ ở vùng cao bị viêm nhiễm phụ khoa nặng vẫn còn rất nhiều. Việc vệ sinh cá nhân còn nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân:
- Làm nương rẫy có khi cả tuần/ tháng mới về nhà nên không có điều kiện vệ sinh đầy đủ.
- Thiếu nguồn nước sạch, toàn xã dùng nước từ suối.
- Không có sản phẩm phụ khoa phù hợp, thiếu kiến thức sinh sản và phụ khoa.
- Kinh tế gia đình khó khăn, không mua được sản phẩm chăm sóc phụ khoa.
- Tâm lý ngại ngùng, sợ hãi khi tiết lộ vấn đề "thầm kín", sợ bị thăm khám chỗ nhạy cảm.
- Nhân lực y bác sĩ và cơ sở vật chất còn thiếu tại địa phương.
- Chi phí khám, tái khám cũng là trở ngại lớn cho phụ nữ vùng cao.
Để giải quyết các vấn đề trên, Nơ Xanh Việt Nam (NXVN) đã khởi xướng và phát động dự án "Câu chuyện Chiếc Quần Nhỏ" (CCCQN) - với mục tiêu tuyên truyền kiến thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe phụ nữ.
Ngoài việc phổ biến, truyền tải thông điệp cho phụ nữ nói chung trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, NXVN còn triển khai xây dựng mô hình các trạm lưu động chia sẻ kiến thức và thăm khám cho phụ nữ tại các xã vùng sâu vùng xa bằng nhiều hoạt động.
- Chia sẻ: Bác sĩ chuyên môn chia sẻ kiến thức về 3 bước vệ sinh vùng kín đúng cách, nhận biết bệnh phụ khoa và cách phòng bệnh. Gửi tặng các phần quà thiết thực cho chị em phụ nữ.
- Hỗ trợ: Tặng trang thiết bị, sản phẩm y tế phục vụ việc thăm khám như mỏ vịt nhựa dùng 1 lần, găng tay y tế, thuốc...
Sứ mệnh cao cả của những "chiếc quần nhỏ"
Chị Chung Thúy Linh (Founder của tổ chức NXVN) là người đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mẹ bầu, mẹ sau sinh. Chị từng chứng kiến nhiều trường hợp mắc bệnh liên quan đến phụ khoa và tử cung nên chị nhận ra nếu phụ nữ biết cách chăm sóc sức khoẻ đúng cách thì sẽ giảm thiểu rất nhiều nguy cơ xảy ra chuyện đáng tiếc.
Mỗi năm có tới 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, tương ứng 14 người mắc mới và 7 người tử vong mỗi ngày. 90% phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa, đặc biệt là viêm âm đạo. Số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27%.
Trong khi tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng và yếu tố nguy cơ ngày càng nhiều, vẫn chưa có một tổ chức nào tập trung chăm sóc sức khỏe tử cung cho nữ giới và hướng tới mục tiêu dài hạn nhằm phát triển cộng đồng.
Sau khi sáng lập nên NXVN, chị Linh đã tích cực cùng cộng sự đi khắp nơi nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về sức khỏe tử cung trong cộng đồng phụ nữ, đồng thời tăng cường giáo dục và thông tin về phòng ngừa các bệnh phụ khoa.
Trong năm 2022, dự án CCCQN được khởi xướng, bắt đầu giai đoạn khảo sát và đi qua 2 trạm đầu tiên là Gia Lai và Thừa Thiên Huế. Tại đây, dự án đã chia sẻ thông tin, mở lớp tập huấn và trao quà cho gần 600 phụ nữ đồng bào dân tộc.
Đến tháng 2/2023, dự án tiếp tục chọn xã Trà Cang - huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là nơi diễn ra hoạt động trạm 3. Chương trình chính diễn ra tại trạm Y tế xã Trà Cang, gặp gỡ 400 phụ nữ đồng bào Xê-đăng với hoạt động tiêu biểu như: trao tặng túi quà Nơ Xanh (gồm băng vệ sinh, quần lót, nước rửa), hướng dẫn vệ sinh vùng kín đúng cách, hướng dẫn bài tập yoga sàn chậu... và nhiều công tác ý nghĩa khác để hỗ trợ địa phương.
Tháng 9 đến tháng 10/2023, dự án tiếp tục sứ mệnh với trạm 4 tại xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai từ ngày 23-24/10/2023, tiếp cận 300 phụ nữ dân tộc H’Mông và triển khai các hoạt động hỗ trợ giống như 2 trạm trước đó.
Tổng chi phí triển khai cho mỗi trạm là khoảng 65 triệu/trạm. Suốt hành trình thực hiện dự án, CCCQN đã nhận được những sự hỗ trợ, đóng góp rất lớn từ các cá nhân và tập thể khác.
THÀNH TỰU DỰ ÁN
5500: Phần tặng phẩm đã được trao đi
60: Phụ nữ có sức ảnh hưởng tham gia dự án
250: Phụ nữ khỏi bệnh phụ khoa
1500: Phụ nữ được tiếp cận và nâng cao nhận thức
Dự án CCCQN đã góp phần mang đến cuộc sống lành mạnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho phụ nữ ở những vùng đặc biệt khó khăn, giải phóng phụ nữ khỏi thói quen lạc hậu và mang đến hy vọng chăm sóc sức khỏe phụ khoa toàn diện hơn, đem lại hạnh phúc cho các chị em và gia đình.
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề "Cộng đồng kiến tạo" tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West , Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:
1. Ra mắt ấn phẩm "Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam" – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.
2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:
PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.
Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.
Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực
Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, Vietnam Plus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TpHCM, Tiktok
Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize