Quyết định đột ngột của chính phủ Mỹ đưa ra trong thời điểm này có thể khiến hàng trăm nghìn lao động nước ngoài đang trông chờ vào công ăn việc làm ở Mỹ phải gánh thêm nhiều mối lo toan. Dịch bệnh cứ kéo dài nhưng các hóa đơn không chờ khi nào hết dịch mới xuất hiện trước cửa nhà.

Và đây là cái giá họ phải "trả" cho sự tụt dốc của nền kinh tế Mỹ

  - Ảnh 1.

Nhiều người nước ngoài hy vọng được cư trú hợp pháp khi có một công việc ổn định ở Mỹ (Nguồn: Reuters)

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, từ tháng 2/2020 đến nay, Mỹ đã mất khoảng 20 triệu việc làm do các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ lệnh đóng cửa và nhiều người phải ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hiện kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn dần mở cửa trở lại, song các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đầu tháng này cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đến cuối năm 2020 có thể vẫn ở mức cao, tới 9,3%, mặc dù có thấp hơn so với mức 13,3% hiện nay.

Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp có hiệu lực trong 60 ngày nhằm ngừng cấp thẻ xanh cho phép định cư dài hạn tại Mỹ, cho rằng biện pháp này sẽ đảm bảo người dân Mỹ có thêm việc làm khi nền kinh tế số một thế giới mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa vì COVID-19.

Một số trang mạng xã hội tại Mỹ ghi nhận thông tin rằng các hãng hàng không vì phải điều chỉnh theo chính sách của tổng thống Donald Trump đã cố tình tạo ra một "cái bẫy" khiến những người dù đã sở hữu thẻ xanh cũng vô tình từ bỏ quyền lợi này. Cụ thể hơn, các hãng hàng không phát mẫu đơn I-407 về thông tin "hồ sơ từ bỏ quy chế cư trú vĩnh viễn hợp pháp" sau khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế tại Los Angeles. Có một thực tế là không phải ai sở hữu thẻ xanh cũng đều thông thạo tiếng Anh, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành. Do đó, có người có thể dễ dàng ký vào mẫu đơn này.

Kể cả có tiền cũng khó vào Mỹ

  - Ảnh 2.

Người nước ngoài phải tốn kém hơn khi xin xét duyệt hồ sơ cư trú tại Mỹ (Nguồn: CNN)

Không chỉ lao động thuộc diện visa H-1B, visa H-2B, visa J-1 và chương trình L-1 mới bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh siết lao động nước ngoài công bố hôm 22/6, những doanh nhân hoặc công ty muốn đầu tư vào Mỹ theo diện thị thực EB-5 cũng gặp khó khăn hơn trước đây.

Nghị viện Mỹ đã đề nghị nâng hạn mức đầu tư quy định cho loại thị thực EB-5 từ 500 nghìn đô la Mỹ lên 1,35 triệu đô la Mỹ đối với những khu vực được đánh giá là kém phát triển (TEA) và từ 1 triệu đô la Mỹ lên 1,8 triệu đô la Mỹ cho các vùng khác. Việc nâng số tiền quy định đầu tư sẽ khiến thời gian cũng như quy trình xác minh tài chính kéo dài hơn trước. Điều này có nghĩa là giờ đây, không phải ai có tiền cũng có thể dễ dàng "mua" được thị thực Mỹ như trước.

Những bậc phụ huynh giàu có tại Trung Quốc, Ấn Độ hay Hàn Quốc giờ cũng đang đau đầu vì con đường đến với tương lai định cư tại Mỹ tăng giá. Nếu đúng theo lộ trình trước đây, các bậc cha mẹ này đầu tư để con cái họ được sang Mỹ du học, dùng giấy phép thị thực để làm bàn đạp định cư lâu dài ở Mỹ. Nhiều gia đình còn đồng ý đầu tư vào các công ty ở Mỹ, đổi lại, họ có cơ hội để gia đình có được thẻ xanh theo diện "thị thực đầu tư".

Thế nhưng ông Trump không nghĩ như vậy.

Quan điểm của ông Trump khi tranh cử trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là siết chặt các quy chế cấp thẻ xanh cho công dân nước ngoài, nhưng ông cũng không giải thích rõ việc hạn chế tỷ lệ người nước ngoài được cấp thẻ cư trú lâu dài sẽ được giữ thấp ở mức độ nào.

Năm 1921, Mỹ chỉ cho phép 3% công dân mỗi nước đã sống từ năm 1910 tại Mỹ nhận được thẻ xanh. Tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống 2% vào năm 1924, tuy nhiên không áp dụng đối với người châu Á. Vậy nên, tờ New York Times nhận định rằng để hiện thực hóa quan điểm của ông Trump, số thẻ xanh cấp mỗi năm ở Mỹ sẽ giảm từ 41% đến 50%.

Đại dịch COVID-19 góp phần làm chiếc thẻ xanh khó với tới

  - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm bức tường biên giới với Mexico (Nguồn: New York Times)

Chính nhờ viện dẫn lý do đại dịch COVID-19, chính quyền Mỹ đã thúc đẩy được một loạt các biện pháp siết nhập cư, điều rất khó khăn đạt được trước khi dịch bệnh xảy ra. Trong số những thay đổi đó là việc đóng cửa biên giới phía nam đối với người di cư, bao gồm cả những người xin tị nạn trừ khi họ đáp ứng được một số yêu cầu bắt buộc.

Hôm 23/6, 320 kilomet tường biên giới đã được hoàn thành để ngăn cách giữa Mỹ và Mexico. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có chuyến thăm tới bang Arizona để đánh dấu sự kiện này. Ông cho biết đến cuối năm nay, công tác xây dựng ít nhất 720 kilomet đường biên giới sẽ được hoàn tất.

Dãy tường là biên giới hữu hình, các loại giấy tờ chứng nhận quyền cư trú là biên giới vô hình nhưng chúng đang cùng chung một nhiệm vụ - theo tổng thống Trump – là bảo vệ lợi ích của người dân Mỹ trước người nước ngoài.