Khi đang mang thai, ngoài việc quan tâm đến sự phát triển của con ra, hầu như các mẹ đều rất tò mò về chuyện con mình có tóc hay không. Vì trên thực tế, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tóc dày đen nhánh, vẫn có em bé trông không khác gì "tiểu hòa thượng" rất đáng yêu.
Theo kinh nghiệm dân gian của người xưa, những bà mẹ nào khi bầu bí mà bị ợ nóng hay ngứa bụng thì sẽ sinh ra những đứa con có mái tóc dày, và ngược lại những bà mẹ không gặp phải vấn đề này sẽ sinh ra em bé chỉ có lơ thơ vài cọng tóc trên đầu. Song, theo các chuyên gia, tóc của trẻ sơ sinh dày hay mỏng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dưới đây là những sự thật thú vị:
Tóc trẻ sơ sinh sẽ thay đổi khi lớn lên so với thời điểm mới sinh
Trẻ sơ sinh được sinh ra với tất cả các nang tóc mà chúng sẽ có trong đời. Tuy nhiên, tóc của một em bé vừa chào đời có thể không giống với mái tóc mà chúng sẽ có khi lớn hơn. Một đứa trẻ sinh ra với mái tóc dày có thể bị hói vài tháng sau đó, và một đứa trẻ không có tóc có thể mọc tóc dày sau một thời gian. Những lọn tóc mới của bé thậm chí có thể rất khác so với mái tóc lúc vừa ra đời.
Màu sắc và số lượng tóc của trẻ khi mới sinh phần lớn là do gen di truyền quyết định
Mặc dù không có nghiên cứu nào chứng minh rằng trẻ sẽ thừa hưởng 100% màu sắc và số lượng tóc từ cha mẹ, nhưng các chuyên gia tin rằng gen di truyền có liên quan đến việc trẻ sơ sinh có nhiều tóc hay không.
Thông thường, nang tóc – túi tế bào nằm bên dưới bề mặt da đầu nhằm tạo ra tóc - sẽ bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thứ 30 của thai kỳ. Kích thước của các nang này quyết định độ dày của tóc. Nếu nang càng lớn, sợi tóc sẽ càng dày. Mặt khác, số lượng nang cũng xác định đứa trẻ sẽ có bao nhiêu tóc. Số lượng nang càng cao, thì tóc sẽ càng nhiều.
Như vậy, kết cấu tóc của em bé được xác định về mặt di truyền trước khi được sinh ra.
Tóc của trẻ sơ sinh nhiều hay ít là do nội tiết tố của mẹ trong lúc mang thai
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ sẽ sản sinh ra nhiều hormone, trong khi đó, mức hormone cao sẽ thúc đẩy sự phát triển tóc của em bé. Nhưng sau khi chào đời, trẻ không còn nhận những hormone đó từ mẹ nữa, dẫn đến chuyện rụng tóc, tóc mọc chậm. Đó cũng chính là lý do vì sao mà khi sinh ra có nhiều bé sở hữu mái tóc xanh đen, nhưng vài tháng sau lại chỉ còn loe hoe vài cọng.
Trẻ bị rụng tóc sau sinh có phải là do thiếu chất dinh dưỡng không?
Có rất nhiều lý do để giải thích cho việc rụng tóc ở trẻ sơ sinh, nhưng chắc chắn không có nguyên nhân nào liên quan đến dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thật sự của hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh là do tóc của bé có vòng đời riêng. Nghĩa là nó có giai đoạn phát triển và giai đoạn nghỉ ngơi. Thông thường, sẽ có khoảng 5 -15% tóc trên da đầu rơi vào giai đoạn nghỉ ngơi bằng cách "ẩn mình" trong nang tóc. Khi trẻ căng thẳng, bị sốt hay có sự thay đổi về nội tiết, một số lượng lớn các sợi tóc sẽ ngừng phát triển cùng một lúc và bắt đầu rụng cho đến khi bước vào giai đoạn phát triển vào 3 tháng sau đó.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng sẽ bị rụng tóc khi nằm cọ sát trên các bề mặt như nệm, cũi, xe đẩy... Hoặc do trẻ sơ sinh có thói quen giật tóc của chính mình. Chỉ có một số trẻ bị rụng tóc do mắc phải một số bệnh như nấm, bệnh nội tiết…
Trẻ sơ sinh rụng tóc là bình thường
Và hầu hết trẻ sơ sinh bị rụng một phần hoặc toàn bộ tóc trong vòng 6 tháng đầu đời. Vì thế, sẽ có bé trở thành "đầu hói" dù lúc mới sinh tóc đen bóng, nhưng lại có bé mọc tóc ngày càng nhiều dù lúc mới sinh chỉ có loe hoe vài sợi.
Do đó, khi thấy tóc con bị rụng các cha mẹ cũng đừng quá lo lắng. Rồi từ từ con cũng sẽ mọc tóc đầy đủ cho cha mẹ xem.