“Các dự án mà ASA Lighting Design Studios đã triển khai luôn khiến khách hàng mãn nhãn và hài lòng bởi thiết kế ánh sáng khác biệt và độc đáo… Nếu quý khách hàng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một dự án đẳng cấp – khác biệt – tiềm năng thì đây là một lựa chọn rất đáng để cân nhắc”.
Đó là lời giới thiệu trên trang web chính thức của Park Hyatt - Phu Quoc Residences về một công ty thiết kế ánh sáng của Việt Nam. TS.KTS Trần Văn Thành là một trong 2 người lãnh đạo của đơn vị thiết kế ánh sáng này.
Anh nhận bằng Tiến sĩ về ánh sáng và môi trường xây dựng của The Cass School of Art, Architecture and Design (London, Anh) và Thạc sĩ về chiếu sáng kiến trúc tại Đức. Anh được ví là người “nâng tầm” công việc tư vấn chiếu sáng tại Việt Nam lên tầm nghệ thuật với nhiều công trình được thế giới ghi nhận.
-Thiết kế ánh sáng là một lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam, anh đã bén duyên với nghề này như thế nào?
Tôi xuất thân học kiến trúc và có bằng kiến trúc sư chính quy, trong quá trình nghiên cứu và thực hành, tôi càng ngày càng thấm câu nói của KTS bậc thầy Le Corbusier: “Kiến trúc là trò chơi sắp đặt hình khối và không gian với ánh sáng”. Thế là tôi quyết định sang Châu Âu để học và thực hành sâu hơn về chiếu sáng, thời điểm đó cũng rất mới mẻ ở Châu Âu.
Khi tôi theo học ở Đức, ngành học về thiết kế ánh sáng cũng mới mở được 2 năm, và tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên học ở đây.
Càng dấn thân, tôi lại càng thấy đam mê. Thiết kế ánh sáng vừa cần những suy nghĩ logic, hiểu biết về khoa học; vừa óc tưởng tượng và sự sáng tạo và cảm xúc của một bộ môn nghệ thuật thị giác diệu kỳ.
Ánh sáng không cầm nắm được, nhưng cảm nhận được bằng tâm hồn. Thiết kế ánh sáng cho các công trình đặc sắc cho tôi cơ hội trải nghiệm những thứ độc đáo, làm những thứ thú vị ở khắp nơi… Càng làm nhiều tôi càng nhận ra ánh sáng không chỉ là “trò chơi sắp đặt hình khối”, mà còn mang cả những triết lý và thế giới quan của con người về văn hóa, xã hội, và tôn giáo.
Nhà thiết kế ánh sáng cũng giống như “mood maker” – người tạo ra cảm xúc. Tôi thiết kế ánh sáng cho dự án cũng như đang “trang điểm” cho khuôn mặt của chủ đầu tư vậy. Bởi thế, họ sẽ gặp trực tiếp tôi để hiểu tôi đang làm gì với bộ mặt của họ (cười).
Nếu làm những vị trí khác thì chưa chắc tôi đã có cơ hội gặp những người lãnh đạo có tầm nhìn, có khả năng tài chính và thẩm quyền như vậy.
- Với anh, thiết kế ánh sáng khác gì so với thiết kế kiến trúc?
“Without light, no architect” - không có ánh sáng thì kiến trúc không tồn tại, câu này do KTS lừng danh Louis Kahn nói. Kiến trúc chỉ xuất hiện, được cảm nhận khi có ánh sáng. Một công trình vĩ đại vẫn tồn tại dưới dạng vật chất, nhưng không có ánh sáng chúng ta không thể thấy vẻ đẹp của nó.
Kiến trúc là một bộ môn cảm nhận thông qua mắt nhìn, mà ánh sáng là phương tiện thể hiện. Ánh sáng trong kiến trúc như âm thanh trong âm nhạc. Tuy hai mà là một. Nếu không có ánh sáng thì một công trình kiến trúc sẽ không được cảm nhận, không tồn tại.
- Đang làm việc ở nước ngoài, vì sao anh lại quyết định về Việt Nam và thành lập ASA Lighting Design Studios khi ngành chiếu sáng trong nước vẫn còn “sơ khai”?
Trước năm 2010, tôi sống và làm việc ở London, Anh. Một người bạn đã đề nghị tôi làm thêm một vài việc thiết kế chiếu sáng cho dự án xây dựng Resort mang thương hiệu Marriott ở Việt Nam. Lúc đó tôi đang làm dự án J.W.Marriott ở Almaty thủ đô Kazakhstan, và một khách sạn Marriott khác ở Cairo - Ai Cập nên nắm rất rõ những yêu cầu khắt khe của thương hiệu này.
Tôi thường bay về Việt Nam vào tối thứ 6 để làm việc, rồi tối chủ nhật, tôi bay trở lại để 7h sáng thứ 2 có mặt ở London để đi làm. 2 nước chênh lệch 7 múi giờ, khí hậu khác nhau, bởi vậy, 1 số đồng nghiệp bên Anh thắc mắc, tại sao thứ 6 mới thấy tôi trắng trẻo, mà thứ 2 gặp lại đã thấy “đen thui vì rám nắng”. (cười).
Những chuyến đi rất ngắn như vậy đã cho tôi trải nghiệm thú vị và dần gắn bó với công việc. Ở Việt Nam, tôi được làm những công trình mà nói tên ai cũng biết. Đó có thể là những nơi mà ngày bé tôi thường đến, và giờ thì tôi được chạm vào và tự tay thiết kế ánh sáng cho nó. Điều ấy cho tôi có cảm giác đó là những công trình thuộc về mình và mang nhiều ý nghĩa hơn thiết kế một công trình tại nơi xa xôi nào đó mà tôi không hiểu nhiều về nó và cũng không phải là luôn luôn có cơ hội đến thăm sau khi làm xong.
Khi trở về Việt Nam làm việc, thực ra tôi có 2 cảm xúc: vừa sướng lại vừa khó. Sướng ở chỗ, là người đầu tiên nên tôi có thể “muốn làm gì thì làm”. Nhưng khó ở chỗ, không nhờ ai giúp được, không có ai dẫn đường. Những ngày đầu đó, tôi phải giải thích, phải nói, phải ra những ví dụ, phân tích để mọi người hiểu được về thiết kế ánh sáng.
- Là nhà thiết kế của nhiều công trình ở Việt Nam và Đông Nam Á, anh ấn tượng nhất với công trình nào?
Có một công trình công cộng do chính quyền địa phương đầu tư mà tôi rất tâm đắc, dù nó cũng hơi lâu rồi. Đó là dự án Cầu Rồng tại Đà Nẵng từ năm 2012. Nó một một thách thức rất lớn, không phải về mặt kĩ thuật, mà Cầu Rồng còn mang ý nghĩa lớn về mặt biểu tượng và tâm linh, một công trình mang đậm bản sắc Việt Nam.
Công trình này là 1 trong những niềm tự hào của tôi và đội ngũ thiết kế, đã nhận Giải thưởng Biểu dương đặc biệt (Best Citation) của Hiệp hội các nhà Thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD), năm 2014.
Khi tôi được mời trình bày lại thiết kế đoạt giải của mình tại hội nghị toàn cầu của IALD sau đó tổ chức tại Berlin, ông Charles Stone - giám khảo năm đó, bào tôi rằng: “Khi tôi nhìn thấy công trình của anh, nó quá độc đáo, và tôi hoàn toàn tin rằng nó phải được trao giải”. Ông Stone là một trong những nhà sáng lập của công ty thiết kế chiếu sáng Mỹ lừng danh Fisher Marantz Stone.
Sau đó, tôi đưa các công trình tiếp theo tham gia một số giải thưởng khác và có nhận được giải như Darc Award, FX Award, Lighting Design Award. Tôi tham gia thiết kế ánh sáng cho rất nhiều dự án lớn khác sau này và rất nhiều dự án được các đối tác công nhận, được nhiều báo chí chuyên ngành nhắc đến… Nhưng tiếp theo đó, để chọn được công trình lớn, tầm cỡ, và thực sự đánh dấu cột mốc sự nghiệp chuyên môn hay chất lượng chiếu sáng tôi chưa thực sự cảm thấy ưng ý, thấy “đã” đủ để dự thi.
Thực tế, giải thưởng của IALD đã là một cột mốc quan trọng nhất của sự nghiệp làm nghề, bởi đó là giải thưởng chuyên môn cao nhất, ví như Oscar trong điện ảnh hay Grammy trong âm nhạc. Tôi tiếp tục hướng tới những cột mốc tiếp theo, quan trọng và có ý nghĩa như vậy. Tôi vẫn luôn mong muốn có một công trình đủ sức thuyết phục bản thân trước đã.
-Trong hồ sơ chuyên môn , ASA đã làm rất nhiều công trình cho những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam, phải đáp ứng yêu cầu về thiết kế thời gian, đội ngũ rất khắt khe. Có phải anh đang đặt ra cho bản thân tiêu chuẩn quá cao không?
Tôi không chỉ tham gia nhiều dự án thiết kế ánh sáng cho các khách sạn, mà còn làm nhiều thể loại khác nữa như quy hoạch chiếu sáng cho cả một đại đô thị mới Mandani Bay ở Cebu, các tòa nhà trụ sở các tập đoàn lớn như CP Group (Thái lan), Kalpataru Group (Ấn Độ), nên áp lực công việc và tính chuyên nghiệp cao trở thành một điều mình thường xuyên làm và quen thuộc.
Nhưng để vượt ra khỏi những thứ thường nhật thì cần rất nhiều yếu tố, từ tầm nhìn của nhà phát triển dự án, tới ý tưởng sáng tạo mới lạ và “độ chịu chơi”, muốn có công trình tạo dấu ấn đặc biệt của tất cả các bên. Và bạn biết để có được một công trình hội tụ đủ yếu tố như thế thì chúng ta có thể phải rất kiên nhẫn.
Cá nhân tôi, tôi luôn muốn thử nghiệm những ý tưởng mới, làm gì khác lạ đi để tạo nên những công trình thực sự độc đáo và luôn đề xuất với các chủ đầu tư những ý tưởng như vậy. “Khác biệt hay không có gì cả” là câu châm ngôn tôi vẫn luôn nằm lòng.
- Khi thiết kế ánh sáng, anh có những bí quyết “chơi sáng” như thế nào?
Có thể bạn không tin, nhưng thực sự là tôi không có bí quyết nào cả. Tôi luôn nghĩ rằng mục tiêu quan trọng nhất khi gặp chủ đầu tư là, phải đề xuất giải pháp “thật” - genuine design, mang lại tiện nghi “thật”, cảm xúc “thật” , phù hợp với người sử dụng. Và cũng rất “thật” với điều kiện chi phí và thời gian chúng ta có.
Ví dụ như tôi đang tham gia làm công trình cải tạo 1 khách sạn 5 sao lâu đời tại Hà Nội. Khi quan sát thực địa và tìm hiểu vị trí, lịch sử, bối cảnh của công trình, tôi nhận thấy khách sạn đó như là một người phụ nữ ở độ tuổi 30-40, sinh sống trong một gia đình trâm anh thế phiệt, có phong cách riêng, sang trọng và duyên dáng.
Vậy nên khi đưa ra ý tưởng về thiết kế làm đèn chiếu sáng, tôi tưởng tượng như đang trang điểm cho người phụ nữ đó với style riêng, vừa dịu dàng, vừa hiện đại… Từ đó, “bức tranh ánh sáng” đã dần hình thành và trở thành ý tưởng thiết kế để tôi thuyết phục chủ đầu tư.
Nhưng nếu dứt khoát phải có “bí quyết” thì đầu tiên có lẽ là sự am hiểu sâu sắc. Người thiết kế phải hiểu được bối cảnh, tinh thần của công trình và những mong muốn, khả năng tài chính của chủ đầu tư để đưa ra những phương án phù hợp, linh hoạt, sao cho vẫn đạt được hiệu quả mong muốn.
Thiết kế ánh sáng là nghề không có đúng, sai, điều quan trọng nhất là phù hợp. Mỗi công trình tôi đều tới tận nơi, gặp chủ đầu tư, những người trực tiếp đặt tâm huyết vào công trình để cảm được điều mong muốn của họ, biết họ đang cần gì để đưa ra phương án phù hợp với bối cảnh của công trình và đạt hiệu quả tốt nhất.
Nhưng chúng ta cũng phải tỉnh táo hiểu rằng ánh sáng không phải phép màu biến 1 công trình trở thành biểu tượng. Một công trình trở thành biểu tượng cần hội tụ nhiều yếu tố, mà sự phù hợp có lẽ là yếu tố quan trọng nhất.
Bình thường trong đời sống, một công trình đã có 12 tiếng ở dưới ánh sáng mặt trời rồi, còn 12 tiếng còn lại là tác động sáng nhân tạo. Nếu ánh sáng nhân tạo phù hợp và đẹp, công trình sẽ có thêm một nét đẹp riêng vào buối tối. Người thiết kế ánh sáng cần sáng tạo để công trình có “gương mặt được trang điểm” phù hợp và hài hòa cả dưới ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Và ánh sáng kết hợp hài hòa với bối cảnh của công trình sẽ đẩy thiết kế lên 1 tầm cao mới.
-Là công ty tư vấn chiếu sáng Việt Nam đủ tiêu chuẩn nằm trong danh sách tư vấn chiếu sáng cho nhiều tập đoàn nghỉ dưỡng lớn nhất toàn cầu như IHG, Hyatt, Hilton…. Điều gì giúp ASA Lighting Design Studios khẳng định được vị thế của mình?
Tôi nghĩ có hai bí quyết, rất đơn giản nhưng cũng rất khó đạt được. Thứ nhất là tính chuyên nghiệp, cách làm việc mang tính toàn cầu, cái này thì tôi đã rất quen thuộc trong quá trình làm việc tại Châu Âu.
Thứ hai là tính độc đáo, cũng có nhiều công ty thiết kế chiếu sáng tốt trong khu vực Đông Nam Á tham gia vào công trình tại Việt Nam, để thuyết phục các khác hàng chọn bạn không phải người khác, bạn cần cho họ thấy sự khác biệt, và tôi nghĩ để có sự khác biệt độc đáo, trước hết bạn cần sự am hiểu và sau đó là thấu hiểu.
Hiện nay, công ty chúng tôi đang làm rất nhiều dự án ở nước ngoài, như chúng tôi đang làm gần 10 dự án ở Ấn Độ, một vài thứ rất “hay ho” như bảo tàng quốc gia ở Battambang Campuchia, một khách sạn ở Jeddah - Ả Rập Saudi, khu nghỉ dưỡng ở Krabi- Thái Lan, và đang chào giá cho một resort tận Zanzibar xa xôi ở Tanzania.
Dù các dự án này rất rất khác nhau, cả về thể loại, địa lý, cũng như chủ đầu tư, nhưng tôi thấy rằng 2 bí quyết ấy vẫn rất đúng và giúp chúng tôi thành công trong các dự án khắp nơi.
-Nói về con đường làm nghề “mood maker” của mình, anh nghĩ tới những yếu tố gì?
Từ đầu tiên là đam mê. Làm công việc gì cũng cần có đam mê. Để đam mê tạo ra được lợi nhuận, thì bạn phải nuôi nó đủ lớn, đẩy nó lên một level cao thực sự.
Thứ 2 là sự linh hoạt. Bạn cần sự linh hoạt để không bó tay trước thử thách nào, cái gì cũng có thể làm được. Linh hoạt cũng có thể hiểu là tính tự do và coi trọng những thứ mới mẻ. Dĩ nhiên chúng ta vẫn cần có những nguyên tắc cơ bản của nghề nghiệp cần tuân thủ.
Tuần trước tôi vừa từ chối một công trình khá lớn về mặt quy mô và phí thiết kế, vì tôi thấy có cảm giác bị bó buộc trong những nguyên tắc khiến tôi không thoải mái, dù trong tình hình kinh tế hiện nay đây là một công trình tốt cho tài chính công ty.
Thứ 3 là thấu hiểu. Nhà thiết kế phải hiểu chủ đầu tư muốn gì, hiểu người sử dụng muốn gì để đưa ra phương án “thật”. Bạn làm gì “thật” thì lúc nào cũng thành công.
- Vừa là nhà thiết kế, vừa là nhà sáng lập, người quản lý. Anh cân bằng thế nào giữa việc làm chuyên môn và quản lý công ty để đạt được các mục tiêu phát triển?
Tôi có người chống lưng! Đó chính là người đồng sáng lập – anh Khoa Nguyễn. Anh ấy rất tuyệt vời trong việc xử lý quản lý công ty để tôi được tập trung vào sự sáng tạo. Không có ai hoàn hảo về mọi mặt vì thế chúng ta đều cần đối tác để hỗ trợ ở các khía cạnh công việc không phải thế mạnh của mình.
Xúc cảm thì tốt cho công việc thiết kế nhưng không tốt trong quản trị. Ngược lại, một nhà thiết kế khó có thể sáng tạo hết mình với công việc khi xung quanh còn bộn bề các vấn đề giải quyết với chủ đầu tư, lo tiền để duy trì hoạt động doanh nghiệp.
-Theo anh, người làm nghề thiết kế ánh sáng có dễ giàu không?
Làm nghề gì cũng vậy, để sống được, “có ăn” không quá khó, nhưng được sống, tức là được sáng tạo trong hạnh phúc và thỏa mãn, lại là câu chuyện khác. Anh có được làm những thứ anh muốn hay không, có được cảm thấy được sống hay không, chuyện đó lại tùy vào mỗi người tự nhận định, chứ không có khuôn mẫu nào cho tất cả.
Công ty chúng tôi đã từng có lời đề nghị “mua lại” cổ phần công ty. Chúng tôi ngồi bàn thử với nhau xem nếu đồng ý bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư tham gia, chúng tôi sẽ được gì và mất gì. Chúng tôi sẽ được rất nhiều tiền, nhưng chúng tôi mất sự tự do quyết định làm những thứ mình thích.
Với tôi, công việc thiết kế ánh sáng, nói nôm na là “dùng tiền của người khác đi xây dựng những thứ mà mình thích, mình đam mê”. Như vậy, tôi còn được trả thù lao bằng đam mê, hạnh phúc, và sự sung sướng khi làm việc rồi. Đó chính là thù lao giá trị nhất mà không ai nhìn thấy được.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguồn ảnh: NVCC