Đàn ông khi đang yêu có thể chiều chuộng vợ vô điều kiện. Tuy nhiên, một khi đã kết hôn rồi, họ làm sao có thể bên cạnh vợ mãi, yêu chiều nâng niu từng cảm xúc của phụ nữ. Họ còn trách nhiệm gia đình, còn đau đầu nghĩ cách để kiếm nhiều tiền chăm lo cho tổ ấm.
01
Thảo là một tiểu thư thứ thiệt. Cô sinh ra và lớn lên tại một thành phố lớn, bố mẹ giàu có. Nhà chỉ có một anh trai nên dường như toàn bộ sự yêu thương, chiều chuộng của gia đình đều dành cho cô.
Từ bé đến lớn, chưa có cái gì Thảo muốn có mà gia đình không đáp ứng được. Sức khỏe của cô hơi yếu, bố mẹ lại càng chiều hơn.
Sau này, Thảo yêu Phong. Phong là trai quê lên thành phố lập nghiệp. Anh đẹp trai, biết kiếm tiền, “lên được phòng khách xuống được phòng bếp” và rất biết cách chăm sóc người khác.
Với một người mong manh yếu đuối như Thảo, Phong lại càng chiều chuộng hơn. Sự yêu thương thật lòng ấy khiến bố mẹ Thảo lại càng ưng ý chàng rể này. Phong là người đàn ông không có gì để chê. Thảo ngang bướng, hay đòi hỏi đến thế nào anh cũng chiều được.
Ban đầu, gia đình Thảo cũng lo ngại Phong đối tốt với con gái mình chỉ vì gia tài, nhà cửa, xe cộ. Tuy nhiên lâu dần, họ cảm nhận được sự yêu thương thật lòng và sâu sắc của Phong. Đám cưới của cả hai được cử hành ngay sau đó.
Bố mẹ Phong ở quê, điều kiện cũng không mấy khá giả. Tuy nhiên, họ cũng nhẹ nhàng, đối xử với Thảo vô cùng dễ chịu và cố gắng để con dâu cảm thấy ổn thỏa nhất. Tuy nhiên, do ở thành phố nên mối khi về quê Phong, Thảo đều tỏ thái độ chẳng mấy thoải mái. Nhiều câu chê bai được đưa ra khiến bố mẹ chồng bối rối rất nhiều.
Ứng xử sau hôn nhân vô cùng quan trọng, con dâu bằng cách nào đó đều phải cố gắng hòa hợp với gia đình chồng. Đừng vì những sự đòi hỏi của mình khiến cho tình cảnh rơi vào khó xử.
02
Sau khi cưới, Phong càng cố gắng với công việc hơn. Anh hiểu rằng mình cưới được con gái nhà giàu, Thảo sống sung sướng đã quen, anh lại càng cố để kiếm nhiều tiền giúp vợ thoải mái nhiều hơn.
Dù nhà cửa bố mẹ vợ cho hai vợ chồng nhưng không vì thế mà Phong ỷ lại. Anh lại càng cố gắng. Chỉ có Thảo không hiểu điều đó. Cô vẫn muốn chồng phải như xưa, cô thích đi chơi lúc nào là chồng bỏ việc đi theo lúc ấy, cô muốn cái gì, chồng phải đáp ứng bất chấp tất cả. Nếu không được, Thảo sẽ ghen tuông, nghi ngờ chồng có bồ bên ngoài.
Sự tùy hứng của Thảo khiến Phong vô cùng khó xử. Công việc khó khăn, vợ không thấu hiểu, ngày ngày chỉ trách móc khiến Phong buồn vô cùng.
Nhưng cái làm cho anh buồn hơn là vợ hỗn hào. Mỗi khi Phong phân tích cái nọ, cái kia không nên, không được làm, Thảo lại tức giận, dỗi. Mở đầu của màn dỗi là những lời chửi thề, chửi bậy tuôn về phía chồng. Sau đó cô sẽ im bặt, đóng cửa phòng không ra ngoài, không nói chuyện, thực hành chiến tranh lạnh như bản thân mình đúng nhưng bị vu oan vậy.
Ban đầu, Phong ngỡ ngàng vì vợ lại có thể nói với mình những câu như thế. Những màn giận dỗi, chửi thề, sập cửa diễn ra ngày càng nhiều. Phong phân tích cho Thảo rằng anh còn bận việc công ty, không thể lúc nào cũng kè kè bên cô, Thảo bất chấp tất cả, không nghe, ngang ngược với ý kiến của riêng mình.
Lâu dần, thấy điện thoại vợ gọi tới, Phong đều giật mình thon thót. Anh chỉ sợ cô lại đưa ra yêu sách nào đó, muốn chồng ngay lập tức thực hiện. Phong cũng chán nản, khi còn yêu, anh không ngờ vợ lại chẳng thèm phân biệt phải trái như thế.
Cuộc sống sau hôn nhân không giống như lúc còn yêu. Ngoài những chuyện lãng mạn, văn hoa, chúng ta còn phải đối mặt với hiện thực cuộc sống. Hiện thực của cơm, áo, gạo, tiền và những guồng quay thường nhật. Bất chấp tất cả, bỏ qua đi hiện thực thì chẳng phải là hôn nhân nữa rồi.
03
Dần dần, nhiều lần Phong cũng tắt máy khi vợ gọi đến. Hai vợ chồng xích mích nhiều hơn. Tất cả đến từ sự ngang ngược của Thảo. Thảo hay đòi hỏi, nghi ngờ chồng, chửi bậy liên miên và thực hiện chiến tranh lạnh. Cô nhất quyết không trao cơ hội để chồng đối thoại, giải thích tất cả.
Cô muốn bản thân là tâm điểm, chồng lúc nào cũng phải vây quanh mọi nơi mọi lúc, công việc và cuộc sống riêng của chồng chỉ là thứ yếu.
Đỉnh điểm cho tất cả chính là tư duy và suy nghĩ của Thảo. Cô cho rằng Phong lấy được mình, gái thành phố, nhà giàu như thế này là “món hời”. Anh nên biết cách trân trọng nhiều hơn. Nhiều lần Thảo rêu rao với bạn bè: “Có cho tiền ông Phong cũng chẳng dám bỏ”.
Ngày Phong đi gặp đối tác, hai người vừa bắt tay nhau trong quán cà phê. Từ đâu, Thảo lao đến chửi bới ầm trời. Thảo cho rằng chồng trốn mình đi với “gái” và quay ngang quay ngửa chất vấn đối tác của Phong là ai và chửi bậy vào mặt cô ấy.
Lúc đó, bạn Thảo đi cùng cố kéo cô ra mà không được. Đối tác của Phong giận tím mặt, quay lưng đi thẳng. Thảo vẫn chìm đắm vào màn chửi bới của mình. Lúc này, thậm chí cô còn quay sang, mặc kệ người trong quán cà phê, chửi thẳng chồng bằng những ngôn từ không chấp nhận nổi.
Thảo chẳng thèm suy nghĩ gì về chuyện đây là quán cà phê, Phong cùng người phụ nữ kia chỉ đơn giản là bắt tay, nói cười bàn bạc một cách đơn giản. Cô không có lí trí, không cần những thứ đó, chỉ chửi cho thỏa mãn mình thôi.
“Tưởng anh thế nào, cũng chẳng khá hơn thằng đàn ông nào khác. Bố mẹ anh dạy con tốt ghê. Chồng con gì bỏ bê vợ, đi nắm tay gái giữa thanh thiên bạch nhật. Anh đúng là loại không ra gì”.
Phong chán chường rời khỏi quán mà không nói thêm câu nào. Đêm đó anh không về, sáng hôm sau anh dậy sớm, vào nhà, để lên bàn lá đơn ly hôn rồi dọn đồ rời đi. Có cô vợ tùy hứng anh chấp nhận được nhưng đụng đến bố mẹ anh, nó là giới hạn cuối cùng rồi.
Thảo nhìn thấy lá đơn, hoảng hốt rồi gọi điện khóc với bố mẹ mình nhưng chẳng cứu vãn được gì. Phong không chấp nhận nổi những lời độc ác tuôn ra từ miệng cô vợ xinh đẹp.
Trong cuộc sống, có nhiều người phụ nữ ích kỷ, chỉ biết nghĩ về bản thân mình mà chẳng thèm đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Hai vợ chồng cần phải yêu thương, thấu hiểu cho nhau chứ không phải nhất nhất mong đối phương cung phụng mình.
Với gần như mọi đàn ông, gia đình là điểm mấu chốt. Bởi vậy các cô vợ hãy chú ý đến lời ăn tiếng nói. Đừng vì một phút nóng giận mà đẩy cuộc hôn nhân vào cảnh tan vỡ.