Người ta bảo những người giống nhau thường tìm thấy nhau. Có lẽ là thế thật khi một sáng lang thang trong chợ Châu Đốc ăn quà, tôi lại được run rủi cho gặp một chàng trai trẻ Châu Đốc có tình yêu với ẩm thực chẳng kém mình. Và trong câu chuyện của những người mê ăn, món cơm bò người Chăm đã được nhắc đến với đủ lời khen tặng.
Muốn ăn cơm bò làng Chăm phải đi qua phà để sang làng Chăm Châu Giang.
Có điều món ngon không dễ nếm, muốn ăn cơm bò, rất định phải đến làng người Chăm và hơn cả, cơm chỉ bán từ khoảng 5 giờ đến 8 giờ... nên đừng có hòng mà ngủ nướng. Nhưng thôi, vất vả tí để thử đặc sản cũng đáng mà. Vậy là 5 giờ 30 hôm sau, chúng tôi lục tục kéo dậy, đi tới phà để đến làng Châu Giang, nhằm thưởng món cơm bò trứ danh.
Làng Châu Giang có đến mấy quán cơm bò, theo hai kiểu khác nhau là cơm bò người Chăm và cơm bò người Việt. Từ bến phà quẹo tay phải đi chút xíu xuống là có tới 2 tiệm cơm bò nằm khá gần nhau, một quán của người Chăm, một quán người Việt. Theo chân chàng trai thổ địa, chúng tôi ghé quán cơm người Việt.
Cái quán tận dụng chút mặt tiền để buôn bán nên bé xíu, nhưng thau thịt bò tươi đỏ hồng và cả vỉ thịt đang bốc khỏi ì xèo trên bếp đủ để chúng tôi biết rằng, mình hoàn toàn có quyền kì vọng. Ngôi sao sáng của món này tất nhiên là thịt bò. Bò của người Chăm vốn nổi tiếng là ngon và sạch. Hưng, chàng trai Châu Đốc dẫn chúng tôi đến quán bảo là, nếu muốn ăn bò ngon, người Châu Đốc phải chịu khó dậy sớm sang Châu Giang về lấy nguyên liệu để nấu.
Vốn liếng của quán có nồi cơm, nồi cháo, ít mỡ hành, đồ chua, nước mắm và tất nhiên không thể thiếu ngôi sao là thịt bò tươi.
Thịt bò tươi ngon bản thân đã quá ngon nên chẳng cần tẩm ướp gì nhiều. Chủ yếu là cần đến tay nghề người nướng thịt để lật trở cho khéo, sao cho miếng thịt trở nâu nhưng khi cắt ra bên trong vẫn còn hơi hồng là được. Có thế thịt mới mềm ngọt.
Thịt bò nướng mới liên tục nên ngọt, mềm, mọng.
Nhìn đĩa cơm được dọn ra với những miếng thịt hồng e ấp, tôi không khỏi liên tưởng đến miếng beefsteak chọn độ chín medium, ngoài đã xém nhưng cắt miếng thịt bên trong lại phải bất ngờ về độ mềm, mọng theo đúng chuẩn "juicy". Có điều thường bò beefsteak ăn kèm bánh mì, nước sốt, còn bò nướng ở Châu Giang dọn kèm cơm, ít đồ chua và một bát nước mắm ớt pha ngon lành.
Một đĩa cơm ngoài thịt bò nướng còn có lòng bò, đồ chua.
Bò tươi nướng vừa tới ngọt, mềm.
Cơm dọn ra, cứ việc chan nước mắm vào cơm, vào thịt, rồi xúc ăn, nghe cái thơm của gạo mới, cái ngọt mềm của bò tươi, cái mặn cay của mắm lan ra từ đầu lưỡi đến chân răng. Ăn phần cơm như thế, lâu lâu đế thêm miếng cà rốt hay ngó sen chua ngọt mới thật ngon quên lối về. Chưa kể phần cơm của chúng tôi còn có thêm vài ba miếng lòng nướng, ăn giòn giòn, bùi bùi rất đã miệng.
Ngoài ra, các tiệm cơm đều bán thêm cả cháo bò để đổi món hoặc ăn thêm. Tô cháo ngọt đậm vị xương ninh, thịt bò, hạt gạo nở bung, thịt thà không quá nhiều nhưng đủ chất lượng để phải gật gù. Buổi sáng bắt đầu bằng một phần cơm bò, đế thêm một tô cháo có đến 3, 4 miếng lớn huyết, có vẻ hơi quá tải nhưng thật kì lạ, chúng tôi đã gần như xử lý gọn ghẽ hết sạch phần của mình. Và bất ngờ hơn, giá một phần cơm như thế chỉ 30 ngàn, cháo chỉ 20 ngàn/tô.
Phần cháo ăn kèm chất lượng.
Trên đường về, dù rất no nhưng chúng tôi vẫn ghé lại quán cơm của người Chăm để ăn thử cho đủ lệ bộ, nhưng rất tiếc khi đó đã chừng 8 giờ và quán đã hết hàng. Anh chủ quán khi biết chúng tôi đã ăn ở tiệm khác bảo cả nhóm rằng "Thế là ăn nhầm chỗ rồi". Vì bò của quán anh là bò tẩm ướp nên không nên chỉ có đủ số lượng nhất định.
Thịt bò nướng do người Chăm làm sẽ được tẩm ướp với màu đỏ đặc trưng.
Có tiếc không khi không được ăn thêm món cơm bò người Chăm? Có! Nhưng nếu bảo phải tiếc nuối vì ăn nhầm quán chúng tôi vừa ăn thì không. Vì bữa cơm của chúng tôi không hề tệ, thậm chí có thể nói rằng chất lượng hoàn toàn ổn và xứng đáng để cả nhóm dậy từ 5 giờ 30 sáng đi ăn. Nhưng vẫn hi vọng lắm, một lần trở lại Châu Đốc sớm nhất và khám phá thêm cơm bò ở tiệm này và những món ngon của làng Chăm Châu Giang.