Khái niệm cho con vận động nhiều vốn đã quen thuộc với các bố mẹ. Tuy nhiên, cho con vận động ngay từ khi lọt lòng như thế nào, kiên trì và nhất quán ra sao là điều không phải ai cũng biết. Kinh nghiệm của chị Hồng Ngọc (26 tuổi, hiện đang sống tại bang Texas, Mỹ) và bé Cookie sẽ cung cấp những kiến thức mới về vấn đề này. Bởi từ khi mới sinh ra, bé Cookie đã được mẹ cho tập nằm sấp, dần đến 2 tuần bé đã tự biết xoay đầu, 1 tháng đã tự ngóc đầu dậy và nay 8 tháng bé đã đứng vững tốt, đang tập đi.
Bé tập đi xe chòi chân từ khi mới 7 tháng bởi vì 5 tháng bé đã biết ngồi.
Bé Cookie gần 8 tháng tuổi đã tự tập đi.
Nói về lý do cho con vận động từ sớm, chị Ngọc chia sẻ: "Khi sang Mỹ định cư, mình đã bị thu hút bởi những em bé với quả đầu tròn, hơi nhô ra ở sau gáy, nhanh nhẹn, hoạt bát, tự do đu mình trên các thanh xà cao trong khi ba mẹ chúng thì chẳng mảy may lo lắng gì. Hay những đứa bé mới ba tháng, cổ đã cứng cáp, đựơc cho đi học bơi, thậm chí là bé chưa đầy tháng, da còn đỏ hỏn đã đựơc đẩy đi chơi công viên đầy nắng và gió".
"Những điều này hoàn toàn khác biệt tại Việt Nam khi nhiều mẹ thường kêu than con bị móp đầu, lại bị quấn chặt trong khăn cả ngày, phải đội nón, đeo bao tay chân, mặc quần áo dày giữa mùa hè oi bức. Nếu đi công viên, các bà mẹ Việt lại phải chạy theo con, trông chừng, hù dọa và ẵm con trên tay đi khắp nẻo đường... Tại sao lại khác biệt như vậy? Mình lao vào tìm hiểu, đọc sách, học các khóa về nuôi dạy con để trang bị kiến thức và sẵn sàng chào đón thiên thần bé nhỏ sắp chào đời".
Để con có được những kỹ năng hoàn chỉnh như ngày hôm nay là một quá trình dài mẹ kiên trì tập cho con vận động sớm.
Theo đó, kể từ khi con mới lọt lòng, chị Ngọc đã cho con nằm sấp. Ngay giây phút đầu nhìn thấy con, chị đã ôm con vào lòng và cho con nằm sấp, da tiếp da trên ngực mẹ. Sau 2 ngày tuổi, chị tập nằm sấp cho con trong những giờ con thức chơi.
Ngày đầu tiên bé được nằm 1 phút rồi cứ thế từng ngày chị tăng thời gian lên cho con luyện tập. Khi con đang nằm sấp, chị ngồi cạnh và quan sát con. Sau khi bú sữa 10 phút, chị đặt con nằm trên nệm cứng, bằng phẳng, để đầu con nghiêng sang một bên, dọn hết chăn gối xung quanh để đảm bảo con không bị che mũi. Đồng thời chị hạn chế đeo bao tay và bao chân cho con, giúp con tăng độ ma sát và kích thích dây thần kinh cảm giác hoạt động.
Chị cũng để tay dưới chân con giúp con có phản xạ đạp vào tay mẹ, trườn lên phía trước hay tập các động tác như kiểu bước đi. Chị còn cho con nắm lấy ngón tay mình và từ từ nhấc con lên giúp con khai mở phản xạ cầm nắm và phản xạ đu bám, làm tăng lực cơ tay và giúp não phát triển tối đa. Chị đặt con nằm trên gối rồi xoay và kéo gối từ từ sang các hướng để kích thích con phát triển trí thông minh không gian, hỗ trợ cho tầm nhìn của con sau này.
Mẹ tạo cầu thang để con được tập leo.
Ở bất cứ môi trường nào, chị Ngọc cũng cho con được khám phá và trải nghiệm bằng tất thảy giác quan.
Trong quá trình nằm, bé Cookie liên tục cựa quậy nên có thể trào ra 1 ít sữa nhưng chị coi đó là chuyện bình thường. Nếu bé không trào sữa ra quá nhiều hoặc con bị trớ ra sữa đục, lợn cợn (sữa đã tiêu hóa xong) thì chị sẽ không cần phải cho con bú thêm.
Hoạt động cho con nằm sấp của chị cũng đã tham vấn ý kiến bác sĩ và rất nhiều tài liệu mà chị đã nghiên cứu: "Khi đưa con đi khám sức khỏe định kỳ tại Mỹ, tôi luôn được bác sĩ khuyên về việc nên cho con nằm sấp trong giờ chơi. Bởi nằm sấp rất có lợi cho trẻ nhỏ. Ngay từ khi trong bụng mẹ, con đã được rèn luyện kỹ năng nằm sấp nhờ sự hỗ trợ của nước ối và bánh nhau. Vì vậy, ngay sau khi chào đời, trẻ sơ sinh thích được nằm sấp hơn nằm ngửa. Nằm sấp sẽ giúp chân tay con có thể khua khoắng, lớn hơn chút con sẽ trườn, với, di chuyển, tập bò, chống tay... Vì vậy, nằm sấp sẽ hỗ trợ tối đa khả năng vận động của con. Tập cho con nằm sấp cũng để phát triển cơ cổ, cánh tay, vai, đặc biệt là hộp sọ".
Với các mẹ lo lắng con sẽ gặp vấn đề như khó thở hay non nớt… khi nằm sấp quá sớm, chị Ngọc đưa ra lời giải thích rằng bản năng sinh tồn tự nhiên sẽ giúp em bé nhanh thích ứng với tư thế này và càng sớm có kỹ năng vận động. Việc nằm sấp không chỉ kích thích con ngóc cổ lên cao mà còn giúp phát triển thị giác (vì con có thể nhìn cảnh xung quanh theo nhiều chiều hơn là nằm ngửa). Việc nằm sấp cũng sẽ giúp cho xương sống bé vận động phát triển - đây là yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra nằm sấp còn giúp hạn chế tình trạng méo, bẹp đầu và tốt cho hệ tiêu hóa, giúp con dễ ợ hơi, giảm táo bón và nhanh đói, ăn ngon hơn.
Đầu của bé Cookie có "sọ khỉ" nhô ra phía sau.
Bé tập đi với bất kỳ vật gì có thể di chuyển trong nhà.
Nhờ được mẹ cho nằm sấp từ khi mới lọt lòng, kết hợp thêm các bài vận động tay, chân, tập cơ tay giúp bé bám chắc hơn, tập lẫy, trườn, bò, tập phát triển não không gian, tập kĩ năng giữ thăng bằng..., bé Cookie đã có những mốc phát triển vượt bậc. "Sau 2 tuần tuổi, con đã có thể tự xoay đầu sang 2 bên mà chẳng cần mẹ giúp và sau 1 tháng tuổi con đã ngóc đầu lên cao. Đầu con tròn đẹp và có phần nhô ra phía sau mà người ta hay gọi là "sọ khỉ". Mình biết đó là do não sau của con được phát triển tối đa".
"Con biết lẫy rồi con biết trườn. Năm tháng con biết ngồi, sáu tháng con bò giỏi. Mình tạo điều kiện cho con tập leo cầu thang bằng việc chồng các thùng carton lên nhau. Rồi bảy tháng con bắt đầu thích đứng vịn tủ, vịn ghế. Mình không ngừng tạo điều kiện cho con thoải mái vận động. Có những lần con mất đà, con ngã. Nếu con chỉ ngã nhẹ, mình đứng nhìn xem con tự xoay xở, con khóc rồi tự biết trấn an. Nhưng nếu con ngã nặng, mình ôm con vào lòng, xoa chỗ đau rồi động viên con lần sau cẩn thận hơn".
Mẹ cùng con đồng hành theo những cách "không giống ai" nhưng lại thu được những kết quả thật bất ngờ.
Hiện bé Cookie được 8 tháng, rất hào hứng tập đi với đủ mọi vật có thể đẩy được trong nhà. Bé cũng đặc biệt rất thích bơi. Bé còn có thể giữ thăng bằng tốt trên ván trượt và rất thích tập các bài nhào lộn, nắm ngón tay mẹ quay vòng…
Mỗi ngày một chút, nhìn thấy con tiến bộ hơn, dù chỉ là bước bắt đầu nhỏ trong hành trình dài nuôi con nhưng chị Ngọc luôn cảm thấy tự hào vì quyết định nuôi dạy con "không giống ai" của mình. Chị cũng muốn cảm ơn chồng và gia đình đã luôn ủng hộ, động viên chị và cả những người thầy đã vô tình trao cho chị những kiến thức nuôi dạy con vô giá.