Theo các chuyên gia, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì trong giai đoạn đầu đời này, cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, cơ quan tiêu hóa vẫn chưa thể xử lý và tiêu hóa được các dạng thức ăn cứng, đặc như bột hay cháo.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số gia đình cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi với lý do là ngày xưa nghèo đói, mẹ không đủ sữa thì vẫn cho con ăn dặm sớm cũng đâu có làm sao đâu. Song, mới đây, một bà mẹ người Trung Quốc (xin giấu tên) đã chia sẻ câu chuyện của mình và mong các bà mẹ khác đừng phạm phải sai lầm giống như mình.
Con 5 tháng tuổi đã bị sỏi thận nặng
Theo lời người mẹ này kể thì sau sinh Tiểu Di, cô có rất ít sữa để cho con bú. Kinh tế gia đình lại khó khăn nên không thể cho Tiểu Di uống sữa ngoài. Thấy cháu cứ khóc vì đói bụng, mẹ chồng của cô xót ruột liền đề nghị cho cháu ăn bột. Vốn là người có hiểu biết, người mẹ này phản đối nhưng mẹ chồng lại bảo: "Hồi đấy mẹ sinh chồng của con cũng đâu có sữa. Phải cho nó uống nước cháo loãng đấy. Thế mà nó cũng lớn phổng phao. Con cứ lo xa".
Nghe mẹ chồng nói vậy, lại nhìn con đang rấm rứt vì không đủ sữa bú, bà mẹ này đành nhắm mắt đồng ý. "Tôi đi xay gạo ra thành bột rồi nấu bột với chút thịt, cá, rau củ… để cho con ăn. Không ngờ Tiểu Di lại thích ăn như thế. Thậm chí, thằng bé còn chẳng chịu bú mẹ nữa vì ăn no rồi. Mọi chuyện đều suôn sẻ cho đến khi con trai tôi được 5 tháng tuổi thì tự dưng người nổi mẩn đỏ", cô kể tiếp.
Theo dõi con, bà mẹ phát hiện đã 1 ngày rồi mà con chưa đi tiểu lần nào. Cô vội vàng bế con vào bệnh viện. Kết quả siêu âm cho thấy thận của đứa trẻ đã bị ứ nước, chứa đầy sỏi và đang ở trong tình trạng nguy kịch, cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
Sau ca phẫu thuật, bác sĩ tìm hiểu nguyên nhân và mắng người nhà bệnh nhi té tát vì sự thiếu hiểu biết khi cho trẻ ăn dặm quá sớm.
Tại sao không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm?
Các bác sĩ giải thích rằng cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng tuổi sẽ chẳng khác nào đẩy con vào chỗ nguy hiểm vì:
1. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện
Không nên cho trẻ ăn dặm dưới 6 tháng tuổi bởi hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, và nếu trẻ ăn những thức ăn cứng, đặc thì sẽ không thể tiêu hóa được. Lượng thức ăn tích tụ lại trong cơ thể và tạo ra những viên sỏi nằm ở thận, gây ra tình trạng sỏi thận ở trẻ em. Do đó, thức ăn tốt nhất của trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ có sữa mẹ hoặc sữa công thức mà thôi.
2. Hệ tiêu hóa sẽ làm việc quá tải
Dưới 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, do đó, không tiết ra đủ chất nhầy, dịch tiêu hóa enzyme như amylase (phân cắt tinh bột), protease (đạm) và lipase (chất béo), không đủ sức phân cắt hết protein, lipid thành các mảnh nhỏ để cơ thể sử dụng.
Vì thế, thận của trẻ sẽ làm việc quá sức nếu bé ăn những thực phẩm giàu protein, lipid và gây cặn lắng ở thận. Không những vậy, việc trẻ tiếp xúc sớm với thức ăn đặc quá sớm có thể dẫn đến đau dạ dày, táo bón hoặc tiêu chảy.
Những lưu ý khi cho trẻ ăn dặm mà cha mẹ cần lưu tâm
Bên cạnh việc không nên cho con ăn dặm quá sớm ra, các bác sĩ cũng lưu ý có 2 điểm mà cha mẹ cần phải chú ý khi cho con ăn dặm.
1. Không cho muối vào thức ăn của con
Có thể nói muối là "kẻ thù không đội trời chung" với thận của trẻ em. Vì ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng gánh nặng cho thận của bé, thậm chí muối còn có khả năng làm thận ngừng hoạt động. Vì vậy, bạn đừng bao giờ nêm muối vào đồ ăn dặm của con. Có thể bạn thấy món ăn thật nhạt nhẽo nhưng đối với vị giác của trẻ nhỏ, muối là không cần thiết.
2. Đề phòng các chất gây dị ứng
Có một số trẻ bị dị ứng với một vài thực phẩm chẳng hạn như thịt bò, tôm, nấm, rau thơm, trứng… Do đó, khi chuẩn bị thức ăn dặm cho con, bạn nên cho con ăn thử từng chút một để theo dõi phản ứng của cơ thể. Và khi phát hiện con có dấu hiệu lạ thì ngưng ngay món ăn đó lại, đồng thời đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra các chất gây dị ứng.
Bạn nên biết rằng mỗi một đứa trẻ sẽ có thể trạng khác nhau. Thế nên, kinh nghiệm của mọi người chưa chắc đã phù hợp với con của bạn. Do đó, hãy nuôi con theo phương pháp khoa học, cho con ăn uống theo đúng hướn dẫn của bác sĩ, chuyên gia để trẻ phát triển tốt và khỏe mạnh.