Chị Sofia (30 tuổi, Mỹ) có con trai tên Adam đang học lớp 4 tại một trường tiểu học gần nhà. Vốn là một đứa trẻ hoạt náo, năng động, nhưng dạo gần đây chị thấy con trai của mình có vẻ trầm tính hơn bình thường. Khi về nhà, cậu không sà vào lòng để ôm hôn mẹ như trước nữa mà chỉ chào qua loa, rồi vội vào phòng luôn, đã thế cậu rất hay giật mình. Thấy những dấu hiệu bất thường, chị biết chắc rằng đã có chuyện gì đó xảy ra với con mình. Chị có gặng hỏi Adam nhưng cậu bé chối phăng đi, thậm chí còn cáu giận khi chị cố đào sâu vào câu chuyện.
Để con bình tĩnh hơn, chị đành phớt lờ đi. Nhưng với linh cảm của một người mẹ, chị biết con mình đang gặp vấn đề nên nhân lúc con đang đi ra ngoài, chị đã lén vào phòng để kiểm tra cặp của con. Bất ngờ, đồ dùng học tập của Adam cái thì bị gãy, cái thì bị mất. Nhiều quyển sách, quyển vở của Adam bị xé toang. Thấy vậy, chị liền gọi cho cô giáo để hỏi han tình hình, cô giáo lúc này cũng khá bất ngờ. Hôm sau, cô giáo có lên lớp để tìm hiểu sự tình thì mới biết Adam có xích mích với 1 số bạn trong lớp. Vì không thể tự mình chống cự, nên em đành chịu đựng những lời sỉ vả của nhóm bạn bắt nạt kia. Trong lúc Adam đi vệ sinh, một số bạn đã đến cặp Adam để lấy đồ dùng học tập, xé vở của cậu.
Từ câu chuyện trên có thể thấy, trẻ bị bạo lực học đường thường sẽ không dám nói với cha mẹ và giáo viên biết vì sợ bị trả thù. Chính vì lý do này mà các bậc phụ huynh cũng không hiểu, thậm chí là không biết tình trạng của con như thế nào để kịp thời ngăn chặn. Cứ vậy, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, dưới đây là những dấu hiệu có khả năng con bị bạo lực học đường mà cha mẹ cần biết:
1. Bất thường của cơ thể
Nếu cơ thể của con thường xuyên xuất hiện những vết bầm tím, bị thương… hay trẻ thường xuyên kêu mệt mỏi, đau đớn trong người... cha mẹ cần phải để ý. Khi được gặng hỏi, có thể trẻ nói dối là bị ngã xe, không may đang đi thì bị vấp ngã... nhưng lý do đó chỉ có thể dùng 1 vài lần, không thể dùng mãi được.
Tóm lại, phụ huynh nên thường xuyên quan sát các biểu hiện trên cơ thể của trẻ. Ngoài ra, quần áo của con thường xuyên sẽ có dấu hiệu xộc xệch, bị rách, bị bẩn do bị đánh đập, kéo quần áo... cũng là dấu hiệu của bạo lực học đường.
2. Thường xuyên mất, hỏng đồ
Đồ dùng học tập của trẻ thường xuyên bị mất bị hỏng không rõ nguyên nhân, khi hỏi thì có thể trẻ nói để quên hoặc đánh rơi... Chứng kiến điều đó, nhiều phụ huynh sẽ mắng và cho rằng trẻ không biết giữ đồ của mình mà không biết rằng, có thể con đang là nạn nhân của bạo lực giống như câu chuyện của cậu bé Adam ở trên. Vậy nên, phụ huynh theo đó cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại vậy để có hướng giải quyết thích đáng nhé.
3. Thường xuyên xin tiền
Trẻ thường xuyên xin tiền rất có thể cũng là dấu hiệu của việc bị bạo lực học đường. Bởi lẽ, khả năng cao con xin tiền là bị bắt giao nộp tiền hay mua đồ gì cho những kẻ bắt nạt… Vì nếu không thực hiện theo các yêu cầu của kẻ bắt nạt, các bạn ý có thể bị tẩy chay, hành hạ nhiều hơn.
4. Biểu hiện bất ổn về tâm lý
Một vài dấu hiệu bất ổn về tâm lý như ở trên lớp không muốn nghe giảng, trầm lặng, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai, nói dối cha mẹ, thầy cô, tỏ ra mệt mỏi… Thậm chí, còn xuất hiện nhiều biểu hiện bất thường trầm trọng hơn như không muốn ăn uống, mất ngủ do gặp ác mộng... khả năng cao là những biểu hiện cho thấy con đang gặp bạo lực học đường. Nếu con xuất hiện những dấu hiệu kể trên, phụ huynh cần lưu ý nhé.
5. Sinh hoạt đảo lộn
Sinh hoạt của con có khả năng bị đảo lộn như mất ngủ do gặp ác mộng, ở trên lớp học bài ngủ gật, dậy và đi học muộn, chán ăn, học lực giảm sút… tất cả nhịp sinh hoạt trong đời sống ngày thường của trẻ sẽ bị đảo lộn hoàn toàn. Như vậy, điều này sẽ vô cùng ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe của trẻ, chất lượng học tập dẫn đến trẻ sẽ càng lúc càng chán nản, không chỉ sức khỏe mà bản thân trẻ cũng chán nản, không còn hứng thú quan tâm đến tất cả những điều gì diễn ra xung quanh trẻ.
Cha mẹ cần làm gì khi phát hiện con bị bạo lực học đường?
Khi phát hiện con bị bạo lực học đường, cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc bản thân và trò chuyện với con để tìm hiểu thêm về tình hình. Nếu nghi ngờ con bị bạo lực, cha mẹ nên trao đổi trực tiếp với giáo viên để biết thêm chi tiết và tìm cách giải quyết vấn đề. Nếu cần thiết, phụ huynh có thể đưa con đi tư vấn tâm lý hoặc xem xét việc chuyển trường để giúp con sớm lấy lại tinh thần.
Ngoài ra, cha mẹ có thể dạy con cách tự vệ và giúp con trở nên tự tin hơn để không phải trở thành nạn nhân bạo lực học đường. Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe tinh thần của con. Cha mẹ cần phải luôn ở bên cạnh và hỗ trợ con trong quá trình giải quyết vấn đề này.
Tổng hợp