Con bị ho, sổ mũi có thể theo dõi tại nhà, nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu này thì bắt buộc phải đi khám
Ba mẹ nên nắm được các dấu hiệu trở nặng để cho con đi khám kịp thời.
Giai đoạn giao mùa, bệnh sổ mũi, viêm họng ở trẻ nhỏ thường hay tái phát. Do các bệnh viện, phòng khám thường xuyên quá tải và nguy cơ lây chéo cao nên ba mẹ thường lựa chọn phương án tự theo dõi tại nhà dựa vào những kinh nghiệm chăm con đã có.
Tuy nhiên, nếu xuất hiện dấu hiệu dưới đây thì cha mẹ cần đưa con đi khám để các bác sĩ đưa ra chẩn đoán kịp thời.
Những dấu hiệu cho thấy con cần đi khám
1. Con có sốt không?
2. Con có đau tai không?
3. Con có bỏ chơi không?
4. Con có khó thở không?
5. Đợt ho, sổ mũi này mẹ tự chăm con đã quá 10 ngày mà tình trạng vẫn chưa cải thiện?
- Nếu có bất kỳ câu trả lời nào là CÓ thì cho con đi khám ngay.
- Nếu tất cả đều là KHÔNG thì cho con ở nhà: Vệ sinh mũi, theo dõi đủ ngày sẽ khỏi.
Những thông tin về ho, sổ mũi ở trẻ mẹ cần nắm
1. Sốt có hướng tới vi khuẩn: Là sốt cao, sốt lâu, sốt mới hay sốt lại
- Sốt cao: Liên tục 39- 40 độ C, uống hạ sốt khó đáp ứng, nhiệt độ giảm không quá 1 độ, con mệt nhiều sau sốt.
- Sốt lâu: Sốt quá 72 giờ chưa giảm, có thể sốt không cao nhưng kéo dài, không có dấu hiệu giảm nhiệt khi đã dùng thuốc.
- Sốt mới: Khoảng 2-3 ngày đầu, con có triệu chứng ho, sổ mũi rồi đột ngột sốt cao, sau sốt con mệt nhiều.
- Sốt lại: Con bắt đầu đợt ho, sổ mũi với sốt, kéo dài 1-3 ngày rồi hết. Cắt sốt được 2-3 ngày thì con sốt cao đột ngột. Tình trạng như vậy là con có nguy cơ bị 1 đợt virus xâm nhập mới, lần 1 chưa khỏi thì lần 2 đã tới.
Đây là những dấu hiệu sốt hướng tới vi khuẩn (sốt do vi khuẩn), sốt do tái nhiễm khi lần bệnh đầu chưa khỏi hoặc bệnh có dấu hiệu nặng lên, ngoài tầm kiểm soát của mẹ.
2. Đau tai
Những em bé lớn sẽ khóc, chỉ tai nói đau. Các bé còn nhỏ chưa biết nói thì khóc nhiều, quấy, đưa tay lên tai, người lớn vô tình hay cố ý đụng vào tai cũng khiến trẻ khóc thét lên.
Dấu hiệu này báo hiệu có thể con đã bị viêm tai giữa hoặc tái phát viêm tai giữa. Chứng tỏ việc mẹ chăm sóc mũi họng đang chưa đem lại hiệu quả cao.
Mẹ thường không có kinh nghiệm với các vấn đề về tai nên cần cân nhắc cho con đi khám.
3. Bỏ chơi
Khi con ốm, mệt nhiều, giảm vận động, không quan tâm đến mọi thứ xung quanh, bỏ chơi tức là năng lượng hao hụt nhanh.
Thông thường con ốm có thể lười ăn hoặc bỏ ăn, nhưng khi hạ sốt thì con lại chơi bình thường. Khi con đã bỏ chơi, nằm li bì, nằm 1 chỗ là con rất mệt và dấu hiệu bệnh nặng hơn.
Nếu sau sốt con không chơi ngoan, mệt hơn, lâu hồi phục thì đó là dấu hiệu nặng lên.
Con chậm chạp hơn, làm nũng hay bắt bế, mè nheo khi ốm. Khi được bế, con vẫn nói, cười, phản xạ tốt thì không được gọi là bỏ chơi.
4. Khó thở: Biểu hiện qua 1 trong 2 hiện tượng chính là thở nhanh và rút lõm ngực
- Thở nhanh: Để con ngủ say hoặc nằm yên (không sốt). Đếm nhịp thở trong vòng 1 phút (hít vào thở ra là 1 nhịp), gọi là thở nhanh nếu nhịp thở của con:
+ > 60 lần/ phút với trẻ < 2 tháng.
+ > 50 lần/ phút nếu trẻ 2-12 tháng.
+ > 40 lần/ phút nếu trẻ 1-5 tuổi.
+ > 30 lần/ phút nếu trẻ trên 5 tuổi.
- Rút lõm ngực: quan sát sự di chuyển của ngực và bụng, sẽ thấy con thở mạnh hơn, 2 bên sườn và giữa mũi ức rút sâu vào khi con thở.
5. Quá 10 ngày không giảm ho, sổ mũi
Nếu ho, sổ mũi kéo dài quá 10 ngày không giảm thì có thể con bị viêm phế quản, viêm phổi, khò khè, bội nhiễm hoặc dị ứng... Mẹ cần cho con đi khám để nắm rõ được nguyên nhân.
Quá 10 ngày con chỉ ho, sổ mũi, không kèm các triệu chứng toàn thân khác nhưng mãi chưa khỏi thì mẹ cũng nên cho con đi khám để biết nguyên nhân và yên tâm hơn.
Lưu ý trong việc chữa ho, sổ mũi cho bé là không nên tự ý cho bé dùng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. Điều này có thể khiến cho tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp trẻ bị ho lâu ngày không khỏi thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để khám.
Trên đây là lời khuyên từ anh Phạm Văn Đông - Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn Nhi Khoa tại Phòng Khám Nhi Đồng - Hà Nội, hy vọng có thể giúp ích cho các bố mẹ nhé.