Tiếng kêu của con cá
Con cá không kêu ra tiếng, nên dù xung quanh có những con cá khác, chúng không thể tìm thấy nhau.
Chúng nghĩ chúng chỉ có một mình.
Con vịt kêu ra tiếng, nhưng vì chỉ có mình nó trong đám đông, nên chạy loạn lên, kêu khản cổ cũng chẳng tìm được con vịt nào khác.
Chúng cũng nghĩ chúng chỉ có một mình.
Con mèo đứng yên một chỗ kêu meo meo, nhưng vì có rất nhiều con mèo khác nên chúng nhanh chóng tìm được nhau. Tiếng kêu của mèo lập tức át hết tiếng kêu của những con vật khác.
Chúng nghĩ cả thế giới này chỉ toàn là mèo.
Đó là trò chơi Vườn thú được chơi trong buổi gặp gỡ giữa cộng đồng LGBT và các nhân viên, bác sĩ của bệnh viện Hồng Hà (Hà Nội) sáng 24/7/2020.
Vườn thú là một trò chơi “kinh điển” của các nhóm cộng đồng LGBT khi muốn hình dung về các nhóm đa số và thiểu số trong xã hội.
Trên 52% nhóm chuyển giới muốn được chăm sóc sức khỏe tâm lý khi dùng hormone
“Mèo” hay bất cứ nhóm nào đông nhất, là những người hợp giới dị tính. “Cá” ,”vịt” hay bất cứ nhóm thiểu số nào, có thể là người đồng tính, song tính, chuyển giới, phi nhị giới hoặc vô tính… - những nhóm ít hơn trong cộng đồng dân cư, và do vậy, ít hiện diện hơn trong xã hội.
Ít hiện diện hơn, nhưng tỷ lệ của các nhóm này trong dân cư là 0,3% - 0,9% (theo nghiên cứu về tỷ lệ chung trên toàn thế giới). Tính ra, cộng đồng LGBTI ở Việt Nam vào khoảng 3 triệu người, trong đó có 500.000 người chuyển giới. Con số này không hẳn theo kịp thực tế vì theo các khảo sát gần nhất, có nhiều người không dám thừa nhận mình là LGBTI, do các định kiến xã hội khiến họ sợ bị kỳ thị và phán xét.
3 triệu người LGBTI chỉ là con số lõi. Xung quanh họ là cha mẹ, anh chị em, ông bà, dòng họ hai bên và người yêu/bạn đời. Cứ tính như thế thì con số những người liên quan lên đến hàng chục triệu. Vấn đề của một người LGBTI do vậy không thể quan sát riêng rẽ là chuyện hoàn toàn cá nhân của từng người mà phải được xem xét trên tổng thể, nhóm và gia đình nói chung.
Những con “cá”, con “vịt” nếu bị ở trong môi trường áp đặt định kiến giới, không được chấp nhận để sống tự do với bản dạng giới hay xu hướng tính dục của mình sẽ cảm thấy lạc loài, rơi vào cô độc và trầm cảm.
Trong nghiên cứu của Viện iSEE về hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới ở Việt Nam, có đến gần 94% nhóm chuyển giới nam và gần 68% nhóm chuyển giới nữ thường xuyên bị bức bối giới. Trên 52% thường xuyên có nhu cầu được chăm sóc sức khỏe tâm lý, sức khỏe tâm thần khi sử dụng hormone.
Theo một nghiên cứu khác, những người chuyển giới trẻ tuổi không được gia đình chấp nhận về giới tính thật có khuynh hướng tự tử cao gấp 13 lần so với nhóm được gia đình chấp nhận. Nếu được hỗ trợ cần thiết từ người thân, bạn bè hoặc xã hội, nguy cơ tự sát giảm đến 82%.
Có một số người cố gắng lấy vợ lấy chồng, sinh con để yên lòng gia đình và tránh tiếng, rồi nhanh chóng ly hôn, sống đúng với bản thân. Nhưng bi kịch khác lại nảy ra từ đó, khi họ kéo một người dị tính vào đứng chung tấm bình phong của mình.
HIV hay các bệnh lây nhiễm qua tình dục chiếm tỷ lệ cao trong nhóm nam quan hệ tình dục với nam (gọi tắt là MSM). Nếu xã hội - đặc biệt nhân viên y tế càng kỳ thị thì họ càng giấu bệnh và không dự phòng tốt, khiến bệnh nặng hơn và dịch tăng lên trong cộng đồng.
Người chuyển giới còn có các nhu cầu chăm sóc sức khỏe chuyên biệt khác như dùng hormone hay phẫu thuật để thay đổi ngoại hình, giọng nói, các tác dụng phụ khi dùng hormone lâu dài như teo âm đạo, tử cung, u nang, gan, tim mạch… Ngoài ra, như tất cả mọi người, họ mong muốn có con và được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Giảng viên bộ môn Tâm thần học của một trường Đại học Y gợi ý đồng tính nam là rối loạn tâm thần
“Cứ bốn người LGBT thì có một người từng nghe, nhìn thấy những nhận xét, hành động tiêu cực từ các nhân viên y tế (…) tập trung vào việc phớt lờ các quy trình y tế chuẩn mực như tò mò quá mức về chuyện cá nhân, nhận lời khuyên không liên quan tới việc khám, điều trị và xúc phạm bằng lời nói. Các nhu cầu đặc thù của người chuyển giới cũng chưa được lưu ý, khiến tỷ lệ người chuyển giới tìm đến hỗ trợ y tế thấp hơn so với các nhóm còn lại. Người LGBT cũng trải qua sự từ chối hay gây khó khăn khi điều trị bởi nhân viên lễ tân, y tế trong hai trường hợp là điều trị cấp cứu (5,4%) và khám chữa bệnh thông thường (7,9%)” (Nghiên cứu mang tên “Có phải vì tôi là LGBT?” về phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới ở Việt Nam; tác giả Lương Thế Huy và Phạm Quỳnh Phương, Viện iSEE 2016).
Tại buổi gặp gỡ, Nguyễn Minh Anh (Nhóm LGBT Thái Nguyên - sinh viên năm cuối một trường Đại học Y) kể trong lớp có một bạn đồng tính nam. Bạn tâm sự với cô giáo - giảng viên bộ môn Tâm thần học của trường thì bị cô gợi ý là rối loạn tâm thần.
"Sổ tay về các bệnh tâm thần đã cập nhật từ cách đây hơn 10 năm mà có bác sĩ (BS) vẫn phát ngôn như thế thì thật kỳ lạ. Các bác sĩ này cần phải cho đi học thêm" - Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Cao Minh bật thốt.
Viện trưởng Viện iSEE, Lương Thế Huy cho biết thực tế có nhiều bác sĩ ở các bệnh viện lớn luôn kê thuốc an thần để “chữa bệnh đồng tính” khi các bạn LGBT được cha mẹ đưa đến khám.
Ths.BS Nguyễn Minh Nghĩa (Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Saint Paul), Hà Nội) kể một trường hợp anh vừa chứng kiến: “Bố quân đội, mẹ giáo viên, sống ở vùng xa. Đưa con đến khám, bố mẹ nói: “Tôi không biết, tôi cũng không cần biết! Thuốc gì cũng được, cái gì cũng được, phải chữa cho con tôi (trở lại) là con gái”.
"Muốn đạt hiệu quả thì phải tư vấn (tâm lý) cho cả một nhóm, gồm gia đình và những người xung quanh" - BS Nghĩa đề xuất.
BS Trần Bích Châu, Phó giám đốc bệnh viện Hồng Hà (thường được biết đến với tên Johnny Chen) cho biết anh hay gặp các gia đình đưa con đến khám. Sau khi được tư vấn, thường cha mẹ hiểu ra và đồng ý cho con được sống với bản dạng giới hay xu hướng tính dục thật sự, thậm chí đồng ý cho sử dụng hormone hay phẫu thuật chuyển giới sau khi học xong phổ thông chẳng hạn.
ThS.BS Nguyễn Văn Thìn (khoa Nội, bệnh viện Hồng Hà) nói nhiều BS Việt Nam được đào tạo từ thập niên 70-80 thế kỷ trước và rất ít được cập nhật kiến thức hoặc tái đào tạo nên đã lạc hậu.
"Nếu BS đã không cập nhật kiến thức mà còn làm ở những khoa Thần kinh hay Tâm thần học thì rất dễ đem cái tôi ra áp đặt vào các trường hợp tư vấn cho người LGBT, cụ thể là gán ngay cho họ chứng hoang tưởng hay bị tâm thần." - ông nói.
Có mặt trong buổi gặp gỡ, Linh (người chuyển giới nữ, là trợ lý giám đốc của một công ty nước ngoài tại Hà Nội) tỏ ra vừa háo hức vừa rụt rè. Cô cho biết, khi đi khám để tư vấn dùng hormone nữ tại một phòng khám ở Hà Nội, phòng khám đã kê thuốc tránh thai có chứa nội tiết tố nữ rồi nói vì thuốc đó sẽ có tác dụng phụ về huyết áp nên phải uống thêm thuốc hạ huyết áp.
Quá trình thuốc chồng lên thuốc khiến Linh lo lắng và cảm thấy không rõ ràng để tin theo.
Đây cũng là bức bối chung của nhóm chuyển giới nữ và chuyển giới nam khi không thể mua và sử dụng hormone một cách đường đường chính chính mà phải phụ thuộc vào những nguồn trôi nổi và tư vấn không có chuyên môn. Đã có những bạn chuyển giới nam/nữ gặp nguy hiểm khi phải tự tiêm hormone và tiêm sai cách, quá liều, thậm chí suýt chết.
Ấy thế mà đó mới là hậu quả nhỏ nhất của việc Bộ Luật Dân sự đã quy định về quyền chuyển đổi giới tính từ cách đây 5 năm nhưng đến nay Luật Chuyển giới vẫn chưa được thông qua.
Bình đẳng với LGBT là xu thế không thể cưỡng lại
BS Nguyễn Minh Nghĩa cho biết từ lâu các bệnh viện ở Hà Nội như bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul) 108, bệnh viện Hồng Hà, bệnh viện Đại học Y… đều được chỉ định phẫu thuật cho các trường hợp mù mờ giới tính (bộ phận sinh dục không rõ nam hay nữ; bộ phận sinh dục ngoài điển hình của giới nhưng lại trái ngược với gien...) từ nhiều năm nay.
"Phẫu thuật định giới cho người chuyển giới cũng gần giống như thế, chỉ khác một tí thôi. Nhưng tất cả phải chờ luật. Nhất là bệnh viện công thì phải chờ hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi có luật còn phải có hướng dẫn cụ thể về quy trình mới được thực hiện. Khi có luật thì bác sĩ mới để ý, nâng cao nhận thức và làm quen dần với các kiến thức mới, từ đó tạo ra thay đổi. Hiện tại việc này bị xem là cái gì hơi “phạm pháp”, nên các bệnh viện công còn rất thận trọng" - BS Nghĩa cho biết.
“Tuy nhiên các bạn đừng lo lắng” - BS Nghĩa nhấn mạnh - “Các bạn đừng lo lắng. Vì bác sĩ trẻ bây giờ được cập nhật kiến thức rất nhiều. Việc chuyển giới ở thành niên đang bùng nổ và bản thân tôi cũng đã viết sách về phẫu thuật tạo hình cho LGBT. Các vấn đề của LGBT đã được sự quan tâm của nhiều bệnh viện và đây là xu thế không thể cưỡng lại được”.
Các thay đổi để thực hiện môi trường bệnh viện thân thiện với LGBT đã diễn ra tại bệnh viện Hồng Hà rất nhanh chóng: biểu mẫu khai báo y tế về Covid-19 có mục “Khác” trong phần khai “Nam” và “Nữ”. Không có cái nhìn tò mò dành cho các khách hàng có ngoại hình khá khác biệt. Có các phòng vệ sinh kín dùng chung cho tất cả mọi người. Các lá cờ cầu vồng nhỏ rực rỡ tô điểm đây đó cho không gian bệnh viện thêm màu sắc và sự hiểu biết.
Bệnh viện Hồng Hà: Cam kết thực hiện môi trường bệnh viện thân thiện cho tất cả bệnh nhân và khách hàng
Và quan trọng hơn cả, “Chúng tôi cam kết và hứa thực hiện môi trường bệnh viện thân thiện với tất cả bệnh nhân và khách hàng. Từ việc đào tạo tập huấn kiến thức về LGBT cho tất cả nhân viên và bác sĩ trong bệnh viện hiểu được cộng đồng LGBT, đến việc tư vấn trước-trong-sau quá trình điều trị. Và để bệnh viện tiếp cận được nhiều hơn với nhu cầu y tế của cộng đồng LGBT, chúng tôi sẽ xây dựng một số câu hỏi để biết được nhu cầu của các bạn” - BS Chen tuyên bố.
Chúc mừng các bạn cộng đồng LGBT Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc. Trong chuỗi hoạt động đồng hành cùng các cơ sở y tế và tổ chức vận động quyền cho LGBTI xây dựng cơ sở y tế thân thiện mà Afamily.vn đang thực hiện, hy vọng sẽ có ngày càng nhiều cơ sở y tế văn minh, bình đẳng cho tất cả mọi người trên khắp cả nước.
Bệnh viện Hồng Hà: “Cùng nhau, chúng ta tạo nên môi trường bệnh viện thân thiện và bình đẳng cho tất cả mọi người”.