Bố mẹ nào cũng mong con mình trở thành một người sống gọn gàng, sạch sẽ. Thế nhưng, càng hy vọng bao nhiêu thì họ càng bất lực khi thấy con cái thường ném đồ đạc tứ tung, chơi xong bày bừa không chịu dọn dẹp, khiến căn phòng lúc nào cũng như bãi rác.
Để đối phó với tình trạng này, một người mẹ ở Mỹ đã áp dụng một phương pháp cực kỳ thiết thực, khiến những đứa con của mình trở nên ngăn nắp, không dám vứt đồ chơi lung tung nữa.
Theo đó, người mẹ này có tên là Alice, có 5 đứa con 2 trai 3 gái. Vì nhà đông con nên cô rất bận rộn trong việc nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, có vẻ như những đứa con của cô không mấy quan tâm tới sự vất vả của mẹ mình, chúng thường bày bừa, xả đồ đạc tứ tung, điều này khiến cô rất phiền lòng.
Mặc dù nhiều lần Alice la hét con cái dọn dẹp đồ chơi nhưng bọn trẻ dường như không quá quan tâm, không chịu nghe lời mẹ nói. Quá chán nản trước cảnh tượng này, cô đã nghĩ ra cách gói ghém hết tất cả mọi thứ bọn trẻ đang xả dưới đất như quần áo, đồ dùng học tập, đồ chơi, thức ăn vặt… vào túi rác.
Cô nói với bọn trẻ rằng, nếu muốn lấy thứ gì đó bản thân cần, chúng cần phải trả 25$. Số tiền này không được phép lấy từ tiền tiêu vặt mà phải do bản thân tự kiếm được.
Theo đó, một đứa con gái của cô cần lấy lại cây đàn để tham gia dàn nhạc. Vì cô bé không có tiền nên chẳng còn lựa chọn nào khác là phải ngoan ngoãn làm việc nhà, sau đó được mẹ trả công. Dần dần căn phòng của bọn trẻ trở nên ngăn nắp, sạch sẽ hơn rất nhiều so với trước đây.
Độ tuổi nào bố mẹ nên cho trẻ làm việc nhà?
Tùy thuộc vào từng độ tuổi sẽ có những công việc nhà phù hợp với sức lực của trẻ như sau:
- Trẻ 2-3 tuổi
Dưới sự hướng dẫn của bố mẹ, trẻ có thể mang rác bỏ vào thùng rác, trả các vật dụng nhỏ về chỗ cũ, sắp xếp lại đồ chơi.
- Trẻ 3-4 tuổi
Trẻ có thể giúp bố mẹ dọn giường, mang bát đũa ăn xong đặt vào bồn rửa, cho áo quần bẩn vào máy giặt.
- Trẻ 4-5 tuổi
Trẻ đã biết giúp bố mẹ dọn bát đũa sau khi ăn xong, thu dọn và gấp quần áo, chuẩn bị áo quần mặc vào ngày hôm sau.
- Trẻ 5-6 tuổi
Những công việc như dọn bàn ăn, thay ga trải giường, sắp xếp sách vở, quần áo đi học… đều được trẻ làm một cách dễ dàng. Lúc này, trẻ cũng hiểu rằng sau khi dùng thứ gì đó cần phải trả lại đúng vị trí ban đầu.
- Trẻ 7-12 tuổi
Trẻ có thể giúp bố mẹ rửa bát, nấu một bữa ăn đơn giản, sử dụng máy giặt, phơi quần áo, lau dọn nhà cửa…
Làm thế nào để trẻ hình thành thói quen sống ngăn nắp, gọn gàng?
- Bố mẹ làm gương
Các nhà tâm lý học cho biết, những người không thích dọn dẹp phòng ốc đều do ảnh hưởng từ gia đình trong thời thơ ấu. Bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới con cái, trong tiềm thức của chúng sẽ luôn muốn bắt chước bố mẹ mình.
- Bố mẹ giúp đỡ và hướng dẫn trẻ cách dọn dẹp
Ban đầu, có lẽ trẻ sẽ không thích dọn dẹp nhưng dưới sự kiên trì hướng dẫn của bố mẹ, chúng sẽ dần dần biết làm mọi thứ.
Ví dụ, một người mẹ Nhật Bản đã chuẩn bị các hộp nhựa lớn, dán nhãn để con mình học cách sắp xếp và phân loại đồ chơi cho đúng.
Ban đầu, bố mẹ có thể cho con mình học cách sắp xếp các vật dụng nhỏ trước, sau đó nâng cao dần. Đồng thời, bố mẹ nên tạo không khí vui vẻ khi dọn dẹp để trẻ thấy việc này không phải ép buộc và nhàm chán. Bố mẹ cũng nhớ khen ngợi và động viên sau khi trẻ làm xong nhé.
- Quy định rõ không gian chơi đùa
Bố mẹ cũng cần nói cho con cái hiểu rằng, có những khu vực không được phép mang đồ chơi tới, chỉ được chơi trong phòng của mình.
- Nâng cao nhận thức của trẻ về sự ngăn nắp
Muốn con mình có những thói quen tốt, bố mẹ nên rèn cho chúng ngay khi còn nhỏ. Một khi trẻ ý thức được sự ngăn nắp, sau này bố mẹ sẽ không còn vất vả nhiều trong việc chăm sóc con cái nữa.
- Báo trước cho trẻ biết những gì bố mẹ định làm
Báo cho trẻ biết trước rằng, nếu không dọn dẹp, bố mẹ sẽ cất hết đồ chơi vào nhà kho hoặc cho vào túi rác. Nếu một đứa trẻ ý thức được đồ chơi của mình sắp bị vứt đi hoặc có khả năng sẽ không được chơi nữa, chúng sẽ nhanh chóng dọn dẹp ngay.
Nguồn: Aboluowang, Kknews