Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm nói chung, thậm chí cả những dấu hiệu “báo nguy” thì rất nhiều người đã biết: Thay đổi thói quen, không còn hứng thú, nói/ viết những điều tiêu cực… Nhưng có một thực tế là những người con tuổi dậy thì nếu bị trầm cảm sẽ chẳng bao giờ dùng từ “trầm cảm”. Vậy họ thường nói những từ gì, và bố mẹ cần chú ý những gì?

Nếu một người con ở tuổi dậy thì cảm thấy tâm trạng của mình có vấn đề mà chia sẻ ngay với bố mẹ, thì có lẽ rất nhiều sự việc đau lòng đã không xảy ra. Nhưng các nhà nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Mỹ cho biết, qua việc trò chuyện với rất nhiều học sinh bị trầm cảm, họ nhận thấy rằng các bạn ấy không nói thẳng với bố mẹ những gì mình cảm thấy.

Nhưng thực tế là các bạn ấy có dùng thứ ngôn ngữ khá khó hiểu và mơ hồ để miêu tả cảm xúc của mình. Chính điều này có thể khiến bố mẹ, thầy cô, bạn bè đều bỏ sót các “manh mối” và luôn nghĩ rằng “chẳng có biểu hiện gì lạ cả”. Bởi có nhiều khi, chứng trầm cảm ở tuổi dậy thì không gây ra một tình trạng ủ rũ “mặc định”, mà là những đợt “bùng nổ” của cảm giác buồn bã và căng thẳng, cứ đến rồi đi.

Con cái tuổi dậy thì chẳng bao giờ nói là mình bị trầm cảm, nhưng đây là những ''manh mối'' - Ảnh 1.

Chứng trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể gây ra những đợt bùng nổ cảm xúc buồn bã, xuất hiện rồi biến mất. Ảnh: Scripps.

Theo Daniela DeFrino, một trong số các nhà nghiên cứu, thì các bạn teen bị trầm cảm có thể gửi đi những thông điệp gián tiếp về tình trạng của mình qua việc rất dễ bị căng thẳng, rất dễ cáu với người khác, nói rằng tất cả mọi người không hiểu mình… Thực tế, rất có thể chính các bạn ấy cũng không hiểu rõ rằng tại sao mình dễ cáu giận, tại sao mình buồn bực, và không biết rằng mình bị trầm cảm.

Những từ mà các bạn tuổi dậy thì bị trầm cảm có thể hay dùng là “chán”, “nản”, “mệt”, “khó chịu”, “căng thẳng”… Những dấu hiệu này có thể bị chính những người rất gần gũi với các bạn ấy - như bố mẹ và thầy cô - bỏ qua, bởi nó cũng gần như là đặc trưng của tuổi teen: Dễ thay đổi tâm trạng, dễ nổi cáu… Vì vậy, người lớn nên để ý những dấu hiệu kèm theo khác như sự bồn chồn, mất hứng thú với những hoạt động mà teen từng yêu thích, ngủ nhiều hơn hẳn hoặc khó ngủ, ăn ít hẳn đi hoặc ăn vặt nhiều hẳn lên, hay đau đầu…

Con cái tuổi dậy thì chẳng bao giờ nói là mình bị trầm cảm, nhưng đây là những ''manh mối'' - Ảnh 2.

Nhiều dấu hiệu trầm cảm ở tuổi dậy thì có thể dễ bị bỏ qua. Ảnh: Your Teen Magazine.

Ngoài ra, các bạn học sinh bị trầm cảm có thể nói xa xôi về sức ép trong học hành, bài vở, hoặc kỳ vọng của mọi người. Ở tuổi teen, tâm lý có nhiều thay đổi, nên các bạn ấy cũng có thể dễ bị trầm cảm nếu có thêm các yếu tố như cãi vã với bố mẹ, bị xúc phạm bằng lời nói, bố mẹ ly dị, hay chuyển nhà/ chuyển trường… Tuổi 15 - 17 là lứa tuổi dễ bị trầm cảm nặng nhất nếu nói về trầm cảm ở trẻ em. Khi đội ngũ nghiên cứu xem xét hồ sơ của các bệnh nhân từ 5 đến 17 tuổi từ 32 bệnh viện nhi ở Mỹ trong vòng 7 năm, thì thấy có đến một nửa số ca có liên quan đến việc tự hủy hoại bản thân hoặc tự tử là ở độ tuổi 15 - 17.

Con cái tuổi dậy thì chẳng bao giờ nói là mình bị trầm cảm, nhưng đây là những ''manh mối'' - Ảnh 3.

Lứa tuổi 15 - 17 là dễ có hành động dại dột nhất nếu bị trầm cảm. Ảnh: Bodnarchuk/ iStockphoto.

Nhà nghiên cứu DeFrino cho rằng, người nhà và thầy cô giáo của các bạn tuổi dậy thì nên chú ý tất cả những “manh mối mờ ảo” trên. Bà nói: “Trẻ ở tuổi dậy thì có thể trải qua rất nhiều tình trạng rối loạn trong nội tâm và những căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống mà chúng ta có thể dễ dàng bỏ qua, nếu chúng ta không chú ý kỹ và nhận biết bằng cách đặt những câu hỏi tinh tế và cố gắng thấu hiểu, rồi tìm sự giúp đỡ của bác sĩ nếu cần”.