Các giáo viên ở Đại học Trịnh Châu, Trung Quốc truyền tai nhau câu chuyện về một cậu sinh viên, từ nhỏ đã được bố mẹ phục dịch từ ăn uống, giặt giũ, dọn dẹp nên không biết làm bất cứ việc gì.
Cũng không bõ công bố mẹ o bế, cậu con trai nhỏ ngày nào giờ đã là một thanh niên và trúng tuyển vào trường Đại học danh tiếng Trịnh Châu. Nhưng câu chuyện dở khóc dở cười từ đây mới bắt đầu. Ngay ngày nhập học đầu tiên, cậu tân sinh viên đã gọi hàng chục cuộc điện thoại cho mẹ chỉ để hỏi: Tất con mẹ để đâu, mẹ không cài mật khẩu cho ipad của con à?...
Cậu thanh niên này là một đứa trẻ to xác điển hình, nạn nhân của tư duy "Con chỉ cần học giỏi, mọi việc khác không cần quan tâm" mà cha mẹ đã nhồi vào đầu chúng từ khi còn nhỏ.
Từ nhỏ tới lớn, mọi việc đã có bố mẹ làm hộ và các con chỉ có nhiệm vụ học thật giỏi, đạt thành tích cao cho bố mẹ vừa lòng. Thế nên khi phải bước vào môi trường sống độc lập, bao nhiêu khuyết điểm của con mới lộ ra hết. Ngoài kết quả học tập, mọi kỹ năng sống của những đứa con cưng này đều ở mức kém.
Thực tế, cách nuôi dạy con chỉ coi trọng kết quả học tập và không dạy con bất kỳ kỹ năng cuộc sống nào sẽ dẫn đến 3 kết quả:
Khả năng tự chăm sóc kém
Một giáo viên đại học cho biết, có những sinh viên không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Một số người đã 20 tuổi nhưng không biết dọn giường, mặc quần áo bẩn trong cả tuần vì không biết giặt, thậm chí, cuối tuần gọi mẹ tới tắm cho mình.
Trẻ sống thiếu trách nhiệm
Một cặp vợ chồng than phiền cô con gái của họ đã lớn nhưng cuối tuần từ trường đại học trở về nhà chỉ cắm mặt vào điện thoại, tivi chứ không chủ động ra cửa hàng giúp đỡ bố mẹ, dù có đông khách cỡ nào.
Trước đó, cặp vợ chồng này cũng giữ tư duy chỉ cần con gái học tốt vào được đại học, mọi việc đã có bố mẹ lo. Họ còn nghĩ, tới khi đó, con thể hiện lòng hiếu thảo, sự chăm chỉ, quan tâm tới bố mẹ vẫn chưa muộn.
Nhưng họ đã nhầm, bởi bao năm được bố mẹ làm hết nên trong ý thức của cô gái không hề có hai từ trách nhiệm và việc nhà. Cô sinh viên không bao giờ coi giúp đỡ bố mẹ là việc mình phải làm vì trong một thời gian dài, cô đã không phải nhúng tay vào việc gì và coi đó là một lẽ đương nhiên.
Không phải làm gì, nhưng trẻ rất căng thẳng
Theo suy nghĩ của những bậc cha mẹ, khi đã không phải làm việc nhà, chỉ mỗi việc học mà học không tốt, sẽ là một tội lớn của con. Điều này khiến con cảm thấy rất áp lực và lúc đó học tập không còn là niềm vui mà chỉ là một gánh nặng cho con. Chúng sẽ học như một cỗ máy chứ không phải vì niềm ham thích nữa.
Ví dụ điển hình cho kiểu dạy con sai cách khiến làm hỏng cả cuộc đời con sau này chính là thần đồng Trung Quốc Ngụy Vĩnh Khang. Thần đồng sinh năm 1983 nổi tiếng với các thành tích lẫy lừng như: 2 tuổi đã thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung, 4 tuổi đã tốt nghiệp cấp 2, 8 tuổi vào được trường cấp 3 danh tiếng, 13 tuổi thi khoa Vật lý Đại học Tương Đàm với điểm số chót vót. Rồi Ngụy Vĩnh Khang thi đỗ vào Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách dạy và chăm sóc con của bà Tăng Học Mai, mẹ Vĩnh Khang, đã biến cậu trở thành một cái máy học và không biết làm bất cứ gì. Lên cấp 3, mẹ vẫn đút cơm, tắm cho Vĩnh Khang. Bà mẹ cũng bắt con chỉ học mà không cho con giao lưu với bạn bè.
Khi vào đại học, bà mẹ cũng đi theo phục vụ con trai một thời gian nhưng đến năm 2000 nhà trường yêu cầu cậu phải sống độc lập một mình thì mọi chuyện xảy ra. Thần đồng thậm chí không biết những thứ đơn giản nhất như nóng thì cởi áo, lạnh thì mặc thêm quần áo. Quần áo, nhà cửa rất bẩn thỉu vì không biết giặt giũ, dọn dẹp…
Kết quả là năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học vì không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh.
Rồi viễn cảnh mà bà Tăng Học Mai vẽ ra cho con là chỉ học mới có tương lai đã vỡ vụn khi Vĩnh Khang đi tìm việc ở đâu cũng thất bại và cuối cùng chỉ làm một nhân viên bình thường trong một công ty phần mềm.
Mới đây nhất, một bà mẹ là doanh nhân ở Trung Quốc cũng bị chỉ trích vì nuông chiều con thái quá khi lên mạng xã hội tuyển người giúp việc cho con gái đang học năm nhất đại học Hồ Bắc.
Người mẹ này thổ lộ, con gái bà chưa bao giờ phải làm việc nhà từ lau dọn nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ quần áo bởi toàn bố mẹ làm hộ. Còn bây giờ, hai vợ chồng bà quá bận, không phục vụ được con gái nên muốn tìm người giúp việc cho con. "Tôi muốn thuê người giúp việc để làm việc vặt cho con. Trong trường của con tôi có rất nhiều sinh viên làm như vậy như vậy", bà mẹ doanh nhân lập luận.
Tổng hợp