Trường hợp của N.V.S. (sinh năm 2001) đi khám nghĩa vụ quân sự thấy chỉ có 01 "viên bi" dưới bìu, bác sĩ bảo phải tới khám chuyên khoa để xử lý. Sau đó S. cùng bố mẹ tìm tới bệnh viện để khám. Khi đến gặp bác sĩ, bố của S. cho biết ông phát hiện tình trạng của con từ nhỏ, nhưng cứ nghĩ vì nó khỏe quá nên tinh hoàn co vào chứ không có vấn đề gì nên chủ quan không đi khám. Khi nghe bác sĩ giải thích, người cha mới hiểu ra việc có 1 'viên bi' lại nguy hiểm như vậy.
Khi phẫu thuật, tinh hoàn đã teo nhỏ vì nằm 19 năm trong ổ bụng. Bác sĩ cũng không còn giữ được hay hạ xuống bìu nên đành phải cắt bỏ. Trường hợp này thật đáng tiếc nếu S. đi điều trị sớm, bác sĩ có thể phẫu thuật hạ tinh hoàn về đúng vị trí.
Một trường hợp khác trẻ 10 tuổi ẩn tinh hoàn được mẹ đưa đi khám. Mẹ của cháu bé cho biết "đã phát hiện từ lâu, nhưng giờ cháu lớn mới cho đi khám". Đây là một quan niệm sai lầm.
Khi "nhà máy sản xuất tinh binh" … đặt nhầm chỗ
Tinh hoàn lạc chỗ không chỉ là "thủ phạm" gây vô sinh mà còn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn nhiều lần so với nam giới có tinh hoàn bình thường.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên – trưởng khoa Nam học - Tiết niệu, BV E Trung ương, cho biết ẩn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ được phát hiện từ nhỏ nhưng gia đình không đưa đi mổ sớm. Sở dĩ như vậy vì bố mẹ có tâm lý sợ con đau, nghe đồn thổi là theo dõi để tinh hoàn tự xuống... dẫn đến để lâu tinh hoàn teo nhỏ, nằm cao gây khó khăn cho phẫu thuật.
Trường hợp của bé N. Đ. L. 20 tháng tuổi (tại Hà Nội) được mẹ phát hiện không thấy tinh hoàn trái dưới bìu. Bố mẹ cháu bé đã cho con đi khám ngay. Khi siêu âm bác sĩ không thấy tinh hoàn dưới bìu; trong ổ bụng khó đánh giá nên các bác sĩ đã quyết định mổ nội soi để chẩn đoán thể bệnh. Nếu tinh hoàn lạc trong ổ bụng sẽ hạ tinh hoàn xuống khi nội soi để xử lý tinh hoàn lạc chỗ cho bé tốt hơn.
Tuy nhiên, khi phẫu thuật các bác sĩ không thấy tinh hoàn trong ổ bụng, nhưng ống dẫn tinh và bó mạch tinh đi theo ống bẹn xuống. Đó là dấu hiệu định hướng hướng di chuyển của tinh hoàn. Kết quả là tinh hoàn của cháu nằm lạc chỗ ở mặt trong đùi, phía dưới cung đùi bên trái. Trẻ được phẫu thuật hạ lại tinh hoàn xuống bìu. Mặc dù tinh hoàn hơi teo nhỏ nhưng vẫn có nhiều hy vọng. Trường hợp này may mắn vì cha mẹ đưa tới cơ sở y tế sớm nếu chậm trễ thì tinh hoàn sẽ teo.
Từ ca bệnh này, bác sĩ Liên cho biết nếu phụ huynh thấy bìu con bất thường, chỉ có 1 tinh hoàn cần cho trẻ đi khám ngay. Khi khám bác sĩ sẽ tư vấn để phẫu thuật sớm. Bác sĩ Liên cho rằng phụ huynh không nên e dè việc phẫu thuật sớm bé đau hay lo con phải gây mê. Thực tế, bác sĩ sẽ cân nhắc cân nặng của trẻ để có thể gây mê.
Khi phẫu thuật ẩn tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ sớm tỷ lệ hạ thành công xuống bìu càng cao, trẻ càng lớn mổ càng khó. Ngoài ra, tỷ lệ teo tinh hoàn sau mổ sẽ thấp, tỷ lệ tinh hoàn phát triển bình thường cao nếu được mổ sớm.
Trong thời kỳ bào thai, hai tinh hoàn nằm ở vị trí phía sau sát hai thận. Khi thai nhi được 8 tháng tuổi, cả hai tinh hoàn di chuyển từ bụng qua bẹn rồi xuống bìu trước khi trẻ chào đời. Tinh hoàn ẩn là tình trạng mà lúc sinh ra một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu nhưng nằm ở bụng hoặc chỉ xuống bìu một phần. Thường chỉ một tinh hoàn bị ảnh hưởng nhưng khoảng 10% trẻ bị cả hai tinh hoàn.
Trong nhiều trường hợp, tinh hoàn sẽ tự động di chuyển xuống bìu trước khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu tinh hoàn không nằm trong bìu cho đến khi 6 tháng tuổi, rất khó để tinh hoàn tự động đi xuống và cần được điều trị.
Trẻ có tinh hoàn ẩn nếu không được điều trị có thể gặp các nguy cơ như ung thư hoá tinh hoàn, thoát vị bẹn, xoắn tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn hoặc tổn thương về tâm sinh lý do không có hay chỉ có một tinh hoàn dưới bìu.