Ông Hợp, bà An hiện vẫn khỏe mạnh nhưng đã bị con dâu "khai tử" từ nhiều năm trước. Nguồn Lao động
"Khai tử" cho bố mẹ chồng để chiếm đất
Vợ chồng ông Đỗ Văn Hợp và bà Nguyễn Thị An (SN 1932) tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội) cho biết trên báo Lao Động, mặc dù đang sống nhưng từ năm 1998 đã bị con dâu là Vũ Thị Viễn "khai tử".
Theo trình bày của vợ chồng ông Hợp với nguồn trên, năm 1998, vợ chồng ông bà có chia cho con trai là anh Đỗ Mạnh Tiến 185m2 đất (120m2 đất ở, 65m2 đất vườn) thuộc tổ 7 cụm 1 phường Nhật Tân (số mới 62A, ngõ 399 đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).
Đầu năm 2005, anh Đỗ Mạnh Tiến chết, con dâu ông bà là chị Vũ Thị Viễn đã đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội khai người thừa kế chỉ có chị này và 2 con là cháu Đỗ Thị Mai và Đỗ Thị Thanh Hoa, còn vợ chồng ông Hợp thì đã chết.
Theo báo Dân Việt, tại thông báo về việc khai nhận di sản do công chứng viên Nguyễn Thanh Tú - Phòng Công chứng số 3 Hà Nội ký duyệt ngày 4/7/2006 có nêu rõ: "Người để lại di sản là ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết. Cha, mẹ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết".
Tiếp đó, từ ngày 4/7/2006 - 4/8/2006, UBND phường Nhật Tân đã có thông báo niêm yết thông tin về việc kê khai di sản thừa kế, trong đó có sự việc vợ chồng ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An đã chết.
Chị Đỗ Thị Huyền (con gái ông Hợp, bà An) đặt ra nghi vấn trên báo Lao Động, liệu có sự tiếp tay không khi mà không có giấy chứng tử, công chứng viên vẫn chứng thực ông bà Hợp đã chết và không xác minh, chính quyền vẫn cho niêm yết thông tin này.
Công chứng viên tin GĐ trung tâm từ thiện thì không nói dối
Để lý giải về vấn đề này, báo Dân trí đã có trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tú - Phòng Công chứng số 3 Hà Nội (hiện đã chuyển công tác). Ông Tú thừa nhận mình là người đã xác nhận ông Hợp và bà An đã chết theo yêu cầu lập di sản thừa kế của chị Viễn.
Theo ông Tú, tại thời điểm năm 2005-2006, dù di chúc của anh Đỗ Mạnh Tiến để lại toàn bộ tài sản cho vợ và hai cô con gái, nhưng theo Bộ luật Dân sự thì bố mẹ ruột của anh ấy là ông Hợp, bà An vẫn đương nhiên được hưởng một phần thừa kế nếu còn sống.
Bản thông báo về việc kê khai di sản của Phòng công chứng số 3. Nguồn Pháp luật TP.HCM
Tuy nhiên, vị này cho hay, do lúc bấy giờ, người dân rất khó khăn để cung cấp giấy tờ hộ tịch, chứng tử, khai tử nên khi ông hỏi, cả chị Viễn và hai con đều khẳng định ông bà Đỗ Văn Hợp - Nguyễn Thị An đã chết từ ngày xưa nên không có giấy tờ gì.
Họ lại cam đoan nếu có vấn đề gì sai sẽ bồi thường bằng chính tài sản của mình và hứa sẽ chịu trách nhiệm về những gì đã khai nên ông mới tin tưởng.
Hơn nữa, khi phòng công chứng số 3, gửi thông báo về UBND phường Nhật Tân để xác minh, niêm yết công khai trong thời gian 1 tháng, theo ông Tú không ai có thắc mắc gì.
Đặc biệt, ông Tú trần tình với báo Dân Việt, thời điểm đó, bà Viễn là giám đốc một trung tâm từ thiện, từng được thành phố Hà Nội vinh danh và khi xin giấy chứng nhận, bà này cũng cung cấp thẻ Đảng viên cho ông làm tin nên ông mới tin tưởng.
"Vì nghĩ bà Viễn là một đảng viên sẽ không làm điều gian dối nên tôi mới tin tưởng để ký. Đây là một sai sót, là tai nạn nghề nghiệp", ông Tú nói với nguồn trên.
Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
Tổng hợp