Thân gửi chị Minh Yên và quý bạn đọc!

Đọc xong bài viết của chị, tôi thấy rất cảm động, đặc biệt cùng tham khảo bài viết của tác giả Phạm Tú, tôi thấy bản thân mình cũng muốn tâm sự chuyện gia đình nhà tôi. Tôi cũng đang ở trong hoàn cảnh của người mẹ chồng, có hai con trai và hai con dâu với những chuyện xoay quanh đời sống gia đình giống như biết bao gia đình khác.

Tôi đã từng tham gia công tác tại một cơ quan nhà nước, nay tôi đã về nghỉ hưu, lên chức bà nội và quây quần với con cháu. Nhà tôi chỉ có 2 thế hệ, giống như chị Minh Yên, tôi đi lấy chồng cũng không phải làm dâu. Hai vợ chồng xây dựng gia đình, có hai cháu trai, cuộc sống êm ả nhẹ nhàng. Các cháu xây dựng gia đình và đều được tạo điều kiện tách ra ở riêng cho cuộc sống hôn nhân thoải mái và các cháu nhanh chóng tạo sự tự lập, tự lo lắng cho nhau. Chồng tôi vẫn thường nói vui nhà có ba đôi chim bồ câu sống bên nhau, mọi thứ êm đềm và nhẹ nhàng. Hằng ngày tôi và ông xã vẫn trông cháu giúp cho các con rồi tối đôi nào về nhà nấy.

Thế nhưng cuộc sống sẽ không có những xích mích và va chạm gì nhiều khi biến cố lớn trong cuộc sống gia đình chúng tôi xảy đến với đời sống hôn nhân của tôi. Chồng tôi bị tai biến lần 1, phải nằm viện suốt 6 tháng và mất trong lần tai biến thứ 2. Cuộc sống vợ chồng suốt bao nhiêu năm cho tới giờ phút này ngồi đây, hình ảnh về người chồng thân thương của mình đã rời xa tôi khiến cuộc sống của tôi từ ngày mất anh trở nên chao đảo.

Tôi buồn rầu, trầm lắng, nhìn các con có tổ ấm riêng, hạnh phúc riêng. Dẫu biết rằng chúng rất yêu thương và lo lắng cho mẹ nhưng quả thực tới giờ này tôi mới hiểu hết ý nghĩa sâu thẳm của câu nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Hạnh phúc dung dị của cái tuổi đã xế chiều, đã về già không có người bạn đời ở bên khiến tôi suy sụp. Tôi nghĩ nhiều và tôi bị bệnh huyết áp cao.

Từ trước đến nay, các con dâu trong nhà đều va chạm rất ít với tôi. Những ngày nghỉ lễ chúng về ăn cơm vui vẻ quây quần. Tôi thấy các cháu cũng ngoan và không có gì khiến tôi phiền lòng. Cũng do phần nữa để các cháu ở riêng nên cũng không có sự va chạm ghê gớm giữa mẹ chồng và con dâu trong gia đình tôi.

Nhưng chuyện đời đâu chỉ có đơn giản thế, thấy tôi bị huyết áp cao, hai con trai xót mẹ muốn đón mẹ về ở chung. Và bắt đầu từ đây, câu chuyện làm tôi còn mệt mỏi hơn cả khi tôi đang ở 1 mình. Chỉ đến lúc bấy giờ tôi mới có cơ hội nhìn nhận được rõ nét tính cách của từng con dâu nhà tôi.

Cả hai cặp đều muốn đón tôi về ở chung, tôi lại chỉ có 1 mình, tôi sợ phiền các con nên cứ lần lữa mãi với lý do muốn ở nhà của bố mẹ để tiện hương nhang cho bố. Nhưng chúng nhất định không chịu nghe, tôi đành phải xuống nước theo. Nghĩ con trai cả, là anh cả, mình ở cùng cũng là phải lẽ nên tôi quyết định ở cùng nhà với anh con cả. Còn nhà của vợ chồng tôi, tôi vẫn để đó để hàng tuần tôi về thắp hương nhang cho ông ấy.

Nhưng từ ngày tôi về ở chung, con dâu cả của tôi có vẻ bắt đầu thể hiện những thái độ khó chịu, giống như tôi đang làm vướng chân và làm rắc rối cho cuộc sống riêng của chúng. Tôi cũng biết ý, hiểu được sự có mặt của mình phần nào cũng làm thay đổi một chút những thói quen sinh hoạt của gia đình các con. Tôi cũng tham gia việc nhà với cháu và với trách nhiệm của bà nội, tôi vẫn chăm lo cho cháu như khi tôi còn ở nhà riêng của mình.

Ấy vậy mà tôi cũng vẫn không làm vừa lòng được con dâu tôi. Con dâu tôi còn nóng nảy nói con trai tôi là bỗng nhiên rước mệt vào người rồi xui chồng nó khuyên tôi bán nhà sang ở hẳn cùng với vợ chồng chúng. Như thế vừa tiện làm việc nhà giúp khi con dâu tôi đi làm.

Quả thực nghe được lỏm chuyện này, biết được ý các con, tôi buồn, tôi nghĩ ngợi, làm thế nào để người mẹ chồng như tôi làm hài lòng được sự ích kỷ của các con tôi. Con trai, con dâu tôi chúng còn quá trẻ so với cái nhìn về tuổi đời và sự bao dung của người làm mẹ. Lần này tôi lại tăng huyết áp, vợ chồng cháu út thấy mẹ ốm, rất nhanh ý các cháu đọc được ra sự buồn tủi của tôi, chúng xin phép anh chị đón mẹ sang nhà ở chơi mấy ngày cho khuây khỏa. Và từ đây tôi như tìm được niềm vui mới cho mình.

Con dâu thứ hai của tôi ăn nói rất lịch sự và chăm tôi rất chu đáo. Cháu lên khẩu phần ăn và lịch sinh hoạt cho mẹ bị huyết áp cao và đăng ký cho tôi một lớp học bài tập quyền cho người cao tuổi. Tôi rất bất ngờ vì điều này. Cháu cũng khiêm tốn và chỉ nói khi thấy việc cần thiết phải góp ý, mọi việc cháu làm chỉ có tôi và con trai thứ hai của tôi biết.

Sinh hoạt trong gia đình hết sức nhẹ nhàng và vui vẻ, tôi cũng lọ mọ giúp con những việc nhẹ nhàng, chơi với cháu để con dâu có thời gian cơm nước và tắm giặt dọn dẹp nhà cửa. Cháu cũng vui vẻ, không tỏ thái độ khinh thường mẹ hay bực bội chuyện tôi sang ở cùng.

Cháu nói với tôi: "Mẹ bây giờ có tuổi rồi, ăn uống cũng không được là bao nhiêu, mẹ sang ở với chúng con để tinh thần mẹ được vui và thoải mái. Con cũng không cảm thấy vất vả gì, cả nhà và các cháu cũng vui khi có bà ở cùng". Đúng là tôi cảm thấy tâm thái của mình nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tôi không cô đơn và buồn tủi nữa. Buổi tối đến các con dạy cháu học bài rồi 2 vợ chồng chúng ra chơi với mẹ, nói chuyện vui vẻ về rất nhiều vấn đề. Tôi thấy nỗi buồn mất chồng của mình không còn chi phối tôi và cũng không phải buồn phiền hay bứt rứt như khi sang ở cùng vợ chồng anh cả nữa.

Nhưng vợ chồng anh cả từ đó bắt đầu tỏ thái độ với các em, xin cho mẹ sang ở mấy hôm mà thấy mẹ không muốn về ở cùng anh chị nữa. Vợ chồng anh cả nghĩ vợ chồng con út xúi giục mẹ ở cùng để sau này định kiếm luôn phần nhà cửa của tôi. Nên thi thoảng chúng lại gây sự với các em và nói bóng nói gió tới tai tôi là có hai con nhưng phân biệt đối xử, bên trọng bên khinh.

Lại một lần nữa, tôi buồn. Lần này nỗi buồn của tôi còn đi kèm cả sự tự trách mình đã không biết cách dạy bảo con cái. Chúng tuy nhỏ bé trong mắt tôi nhưng chúng cũng đều đã là những ông bố bà mẹ cả rồi, tôi không thể dạy bảo như ngày chúng còn nhỏ tuổi được nữa. Tôi đã nghĩ với tuổi già 1 thân 1 mình của mình, tôi cũng không thể ở 1 mình, tôi phải nương tựa vào các con, nhưng ở với anh con cả, tôi cảm thấy cuộc đời nặng như đeo đá.

Con dâu cả của tôi khiến bệnh tình tôi ngày một thường xuyên và tinh thần tôi ức chế căng thẳng, tôi quyết định không ở cùng với cháu cả. Và tôi đã có cuộc họp gia đình, thông báo sẽ chính thức bán nhà và chuyển sang ở hẳn với vợ chồng con út. Cháu út sẽ tiếp nhận phần hương khói cho tổ tiên và cho bố, sau này là cả cho tôi. Vợ chồng anh cả có trách nhiệm về góp giỗ và cùng chia sẻ công việc với em. Phần tài sản bán nhà tôi chia làm ba phần, tôi cho mỗi cặp 1 khoản, 1 khoản của tôi, tôi ở cùng cháu út nên tuyên bố cho 1 nửa phần của tôi cho cháu út để cháu chăm lo cho sức khỏe của tôi.

Đời tôi chưa màng đến danh vọng và ham hố tiền bạc nhưng tôi nghĩ cũng không cần thiết phải cứ là con trai cả thì tôi phải sống cùng anh chị ấy để anh chị ấy làm tôi khổ sở triền miên. Tôi biết cháu cũng không vừa lòng, vẫn còn hậm hực vô cùng vì quyết định của mẹ. Nhưng quả đúng là tôi cũng đã gần gũi và cho vợ chồng chúng cơ hội, song tình người nó là từ cái tâm, là từ cái ý niệm muốn chăm sóc lo lắng không quản ngại điều gì.

Mấy tháng hè nóng nực, thấy con dâu vất vả chăm tôi, lo cho chồng, cho con mà vẫn tươi như hoa, tôi thấy càng ngày càng quý cháu. Tôi đã cùng một bà bạn ra chợ mua cho con dâu thứ 2 chiếc áo thun khoét tay mùa hè vải cotton mặc ở nhà cho mát mẻ. Tôi cũng không còn tuổi xuân xanh, chọn đồ cũng không còn tinh tế như tụi trẻ nhưng con dâu vui mừng khôn xiết, cháu cảm ơn mẹ và thấy nụ cười vui trên khuôn mặt, ánh mắt cháu nhận đồ từ tay mình, tôi thấy trời đất quả đã thương tôi. Ông trời đã trao cho tôi một cô con dâu ngoan, có ý, biết điều.

Và ngay trong dòng tâm sự này của tôi cũng được gửi nhờ từ hòm thư của cháu. Tôi đã quá tuổi để cập nhật được những xu hướng của tuổi trẻ. Nhưng tôi cũng rất mạnh dạn muốn gửi tới con dâu mình lời cảm ơn. Dù đây là phương thức gián tiếp, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành của mình tới sự hy sinh và yêu thương của cháu đã và đang dành cho gia đình chúng tôi.

Cảm ơn mọi người đã nghe tôi chia sẻ. Xin gửi lời chúc sức khỏe và thân ái!