Trong cuộc sống hiện đại, khi ngày càng có nhiều công cụ hỗ trợ, nhiều khi chính bản thân cha mẹ cũng không chú trọng đến việc dạy trẻ tự lập trong những thói quen cơ bản nhất. Cũng có nhiều cha mẹ lại bảo bọc chăm sóc con quá mức, để trẻ cho đến tận độ tuổi trưởng thành cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân mình. Ấy là do thiếu sự hướng dẫn, dạy dỗ từ độ tuổi thiếu nhi.

Giáo sư Yatagai Masaaki - Chuyên gia tư vấn giáo dục, Đại học Mejiro, Nhật Bản

Thiếu kinh nghiệm sống có thể làm mất kỹ năng vận động cũng như kỹ năng phát triển cảm xúc. Đừng sợ sai, hãy cứ để trẻ được sai, nhưng hãy kiên nhẫn xây dựng thói quen cho trẻ, biến thói quen thành kinh nghiệm sống cho quá trình trưởng thành của trẻ.

Giáo dục thói quen sinh hoạt cơ bản có ý nghĩa như là giáo dục tính thích ứng đối với xã hội mà trẻ em đang sống. Vì vậy, cần phải đặc biệt coi trọng nó trong khi nuôi dạy trẻ em. Thói quen sinh hoạt được phân chia ra làm hai dựa trên nền tảng mà nó được thiết lập. Đó là thói quen dựa trên nền tảng sinh lý và thói quen dựa trên nền tảng văn hóa – xã hội – tinh thần.

Cuốn sách chỉ dẫn cha mẹ giúp trẻ từ 0-6 tuổi tự lập trong những thói quen sinh hoạt cơ bản - Ảnh 1.

Cuốn sách Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi, đã trình bày thật dễ hiểu với các hình vẽ minh họa về phương pháp nuôi dạy làm cho trẻ có được 5 thói quen sinh hoạt cơ bản như ăn, ngủ, bài tiết, thay quần áo, giữ gìn vệ sinh.

Các thói quen ăn, ngủ, bài tiết là thói quen dựa trên nền tảng sinh lý và các thói quen như mặc quần áo, thói quen sạch sẽ là các thói quen dựa trên nền tảng văn hóa, xã hội, tinh thần. Các chuyên gia nghiên cứu giáo dục đều cho rằng, nếu trong thời kỳ từ 0-6 tuổi mà trẻ không hình thành được các thói quen sinh hoạt cơ bản thì về sau cuộc sống sẽ gặp trở ngại.

Để hình thành được những thói quen này, những người lớn, đặc biệt là cha mẹ cần phải hợp tác cùng nhau. Tuy nhiên, người lớn không được giúp đỡ con quá mức cần thiết mà phải dõi theo hành động của trẻ. Khi nghĩ rằng con tự mình không thể giải quyết được dù có cố gắng thế nào đi nữa thì hãy trợ giúp một cách thích hợp.

Con được nghỉ thêm 1 tuần nữa, bố mẹ đọc ngay cuốn sách này để dạy trẻ tự lập trong những thói quen sinh hoạt cơ bản - Ảnh 3.

Cuốn sách được câu trúc một cách khoa học với 5 mục quan trọng, tương ứng với 5 thói quen cơ bản của trẻ. Ở mỗi thói quen đều có sự trình bày cụ thể, bằng tranh và lời, giúp đưa ra những chỉ dẫn sinh động, dễ hiểu, dễ thực hành cho các bậc cha mẹ. Nếu biết vận dụng linh hoạt, cha mẹ sẽ tìm được cách xây dựng cho con những thói quen hợp lý, đồng thời đó cũng là quá trình cha mẹ có sự tiếp xúc gần gũi và thấu hiểu những đứa trẻ của mình.

Trong phần hướng dẫn con tự lập thói quen ăn uống, bắt đầu từ giai đoạn ăn dặm, các chuyên gia của cuốn sách Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi có khuyên rằng, thức ăn dặm là thứ mà trẻ lần đầu tiên đưa vào miệng ngoài sữa mẹ, vì thế bố mẹ cần phải tự tay làm thức ăn cho trẻ. Khi trẻ khoảng 9-10 tháng thì trẻ sẽ muốn tự ăn và bắt đầu dùng tay cầm nắm thức ăn. Trong giai đoạn này, cha mẹ hãy theo dõi và trân trọng cảm xúc ấy của con. Nếu như cha mẹ chỉ chú ý dạy cách dùng thìa thì trẻ sẽ cảm thấy căng thẳng khi không làm được và thậm chí có thể mất cảm giác thèm ăn. Nếu như trẻ không dùng thìa lấy được thức ăn và nổi cáu gào khóc, cha mẹ hãy giúp con một cách tự nhiên và cho trẻ cảm giác "mình đã làm được", và thành công.

Dùng cuốn sách làm tài liệu hướng dẫn, cùng với trái tim đầy yêu thương của cha mẹ để kiên nhẫn lắng nghe, giúp đỡ con, cũng là điều quan trọng khiến trẻ trải qua được những bướng bỉnh, bỡ ngỡ ban đầu để dần hình thành những thói quen lành mạnh.

Con được nghỉ thêm 1 tuần nữa, bố mẹ đọc ngay cuốn sách này để dạy trẻ tự lập trong những thói quen sinh hoạt cơ bản - Ảnh 4.

Bên cạnh những kinh nghiệm để rèn luyện cho trẻ những kỹ năng cơ bản, cuốn sách còn hướng dẫn cha mẹ trong việc dạy trẻ những quy tắc ứng xử trong bữa ăn cùng gia đình, giúp trẻ dần hòa nhập và hình thành thói quen ăn uống lịch sự ngay từ lúc nhỏ.

Cuốn sách Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi cũng hướng dẫn cha mẹ trong quá trình hình thành thói quen sạch sẽ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Những công việc cần hướng dẫn trong thói quen sạch sẽ như đánh rằng, lau mặt, cơ thể, tắm hàng ngày, cắt móng tay, thay áo, chải tóc, chỉnh đốn trang phục.

Những chuyên gia biên soạn cuốn sách nhấn mạnh rằng điều quan trọng để hình thành thói quen tự lập cho con chính là việc kiên nhẫn thực hành cùng con hàng ngày của cha mẹ.

Cha mẹ không nên có thái độ áp đặt hay tiêu cực sẽ khiến trẻ sợ hãi. Càng sợ hãi, trẻ càng không thể học hỏi được. Hãy dạy con bằng những tình cảm giàu có và ấm áp, trẻ sẽ cảm nhận được và dần có sự hợp tác cùng cha mẹ.

Sau mỗi phần hướng dẫn các phương pháp rèn luyện, cuốn sách còn có phần phân tích, nhằm đưa ra những việc đang trở thành vấn đề trầm trọng nhất trong các thói quen đó của trẻ. Nếu không thể dạy con tự lập những thói quen cơ bản, như nền tảng để trưởng thành này, rất nhiều những nguy cơ tiềm ẩn mà trẻ sẽ phải đối diện trong quá trình trường thành. Những điều này cũng phần nào nhắc nhở các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con.

Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi do tác giả Yatagai Masaaki chủ biên cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục mầm non Nhật Bản. Tác giả Yatagai Masaaki sinh năm 1943 tại tỉnh Tochigi. Bà là giáo sư danh dự của Đại học Mejiro, giảng viên trường Cao đẳng nữ sinh Sheishin thuộc Đại học viện đại học Mejiro.