Câu chuyện Tiểu Mỹ (Trung Quốc) phản ánh một hiện tượng đáng buồn trong gia đình hiện đại, đó là ảnh hưởng tiêu cực của xung đột gia đình lên trẻ em.

Nhiều tháng nay, cứ đến cuối tuần là Tiểu Mỹ đau bụng. Ban đầu cơn đau không quá nghiêm trọng, chỉ cần bố mẹ mua thuốc, hỏi thăm vài câu là ổn. Nhưng càng về sau, tần suất đau của Tiểu Mỹ càng tăng cả về số lần và mức độ đau. Có hôm cô bé lăn lê trên nhà, ôm bụng tỏ vẻ không chịu nổi. Lo lắng, bố mẹ Tiểu Mỹ đưa con đến bệnh viện.

Con gái 7 tuổi cứ cuối tuần là bị đau bụng, bố mẹ đưa con đi khám, bác sĩ nói: Uống thuốc không tác dụng!- Ảnh 1.

Tuy nhiên, điều lạ lùng là dù làm đủ các xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ vẫn không thể tìm ra nguyên nhân. Thấy cô bé có vẻ ái ngại như có điều gì khó giãi bày, bác sĩ đề nghị nói chuyện riêng. Dưới sự khuyến khích của bác sĩ này, Tiểu Mỹ đã thú nhận rằng cô bé giả vờ ốm. Nguyên nhân chỉ là để tránh chứng kiến cha mẹ bất hòa.

Thì ra, ba mẹ Tiểu Mỹ đi làm suốt tuần không thấy mặt, giao con cho bà nội chăm sóc. Cứ mỗi cuối tuần cả nhà quây quần, những tưởng sẽ vui vẻ, nhưng khoảng thời gian quý giá hiếm hoi họ lại dành để cãi vã vì những chuyện vụn vặt không đáng kể. Lần nào họ cũng hứa sẽ đưa con đến sở thú để xem sư tử, đến công viên giải trí để đi xe địa hình, nhưng cuối cùng không thực hiện được.

Tiểu Mỹ chịu đựng căng thẳng tâm lý nhiều ngày dài. Vậy nên cứ đến ngày bố mẹ ở nhà, cô bé lại "đau bụng" để thu hút sự quan tâm, tránh chứng kiến những cuộc cãi vã triền miên, mệt mỏi không dứt.

Lời khuyên mà bác sĩ đưa ra cho bố mẹ là "thuốc không có tác dụng, quan trọng là phải điều chỉnh môi trường gia đình". Nghe lời bác sĩ, cha mẹ cô bé cảm thấy rất xấu hổ và quyết định sẽ dành nhiều thời gian hơn cho cô bé.

Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng hành vi của người lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ em, và môi trường gia đình hòa thuận là nền tảng quan trọng để hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Mối quan hệ không hòa thuận giữa cha mẹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến trẻ em?

Hầu hết các bậc cha mẹ đều nhận thức được rằng không nên đánh, cãi nhau, đặc biệt là trước mặt con cái. Nhưng khi nảy sinh mâu thuẫn, theo bản năng, họ rất khó có thể kiềm chế cảm xúc để giải quyết vấn đề một cách êm thấm, trong hòa bình. Việc bố mẹ cãi vã, đánh nhau trước mặt trẻ em được xem như một hình thức bạo lực gia đình, và đáng buồn là điều này không hề hiếm.

Trẻ không có cảm giác an toàn

Mâu thuẫn gia đình là điều không thể tránh khỏi trong mỗi gia đình, nhưng cãi vã và khóc lóc không thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì. Khi trẻ em còn nhỏ, sự cãi vã của cha mẹ không chỉ có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và không an toàn, mà còn tạo cho trẻ một tấm gương không tốt.

Khi thấy cha mẹ cãi vã, nhiều trẻ nghĩ đến điều đầu tiên là: "Mình đã làm sai điều gì?" Và theo thời gian, trẻ sẽ muốn chạy trốn khỏi gia đình như vậy, điều này khiến trẻ trở nên xa cách với cha mẹ.

Cha mẹ nên ngồi xuống một cách bình tĩnh bàn bạc, đó là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Nếu cần phải cãi vã, hãy tránh xa trẻ em.

Ảnh hưởng đến quan niệm về hôn nhân trong tương lai của trẻ

Nếu một đứa trẻ quen với việc cha mẹ cãi vã và khóc lóc, trẻ sẽ nghĩ rằng hôn nhân nào cũng giống như vậy, từ đó tạo nên nỗi sợ hãi và hình thành quan điểm sai lệch về hôn nhân. Chúng cũng không biết làm thế nào để giao tiếp với người khác giới.

Trẻ cũng sẽ học theo những hành động, lời nói của bố mẹ, dẫn đến việc trẻ sẽ sử dụng bạo lực hoặc những lời lẽ không phù hợp trong cách ứng xử để giải quyết vấn đề với những người xung quanh.