Tiểu Liên (Trung Quốc) vốn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái hoạt bát, dễ thương. Thật không may, chồng cô qua đời trong một vụ tai nạn, Tiểu Liên trở thành bà mẹ đơn thân, cuộc sống một mẹ một con khá vất vả.

Vài năm sau, bố mẹ Tiểu Liên đề nghị cô tìm một người đàn ông đáng tin cậy và tái hôn. Theo ông bà, con cái cần tình yêu của cha, sau khi tái hôn, chất lượng cuộc sống sẽ được cải thiện, Tiểu Liên cũng sẽ không phải sống vất vả như vậy.

Sau khi nghe cha mẹ thuyết phục, Tiểu Liên cũng cảm thấy con mình đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi. Nếu có một người chấp nhận hai mẹ con thì cũng có thể cho đứa trẻ tổ ấm trọn vẹn. 

Sau đó, Tiểu Liên gặp được một người đàn ông có điều kiện tốt. Anh ta không chỉ đối xử tốt với Tiểu Liên mà còn rất yêu thương con riêng của vợ, chủ động mua đồ ăn nhẹ và đồ chơi cho đứa trẻ. Dù con gái Tiểu Liên không thích, nhưng người này vẫn kiên nhẫn chiều chuộng, hết lần này đến lần khác. Tiểu Liên là nhân viên y tế, giờ làm việc không cố định, hầu hết thời gian chăm sóc con cái là nhờ người chồng. Thấy chồng mới có nhân cách tốt, cô khá yên tâm.

Một ngày nọ, vào lúc nửa đêm, đứa trẻ đột nhiên sốt cao phải nhập viện. Khi về nhà soạn quần áo mang vào bệnh viện cho con, Tiểu Liên phát hiện ra sự thật đau lòng. Sâu trong tủ đồ của con là một hộp gỗ với nhiều trang nhật ký ngắn ngủi, đọc xong người mẹ khóc không kìm được. Đứa trẻ viết nội dung giống nhau trên những tờ giấy: "Bố ơi, đừng đánh con nữa, sau này con sẽ ngoan ngoãn".

Con gái 7 tuổi nhập viện, mẹ tìm quần áo rồi phát hiện bí mật đau lòng: Sự vô tâm của mẹ đã hại con- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Khi đó Tiểu Liên mới hiểu tại sao con cô lại cư xử kỳ lạ, không gần gũi và thường xuyên tránh mặt chồng mình. Cô vốn tưởng rằng đứa trẻ không thể tiếp nhận một người cha mới, không ngờ con bị ngược đãi!

Tiểu Liên hối hận khi nhớ lại những vết đỏ, tím bất thường, thường xuyên xuất hiện trên cơ thể con mình, tự trách mình đã quá tin tưởng vào lời nói của chồng rằng đứa trẻ vô tình bị ngã. Cô kiên quyết ly hôn, không thể để con phải chịu thêm tổn hại nào nữa.

Việc trẻ bị bạo hành bởi chính người thân trong gia đình không phải là điều hiếm hoi. Trẻ em chịu bạo lực gia đình dễ bị bóp méo nhân cách, tự ti, thu mình, ít nói. Nỗi đau thể xác khiến trẻ nhạy cảm và đa nghi, thận trọng trong mọi việc, không muốn nói chuyện với ai và không muốn tin tưởng ai. Trẻ vô cùng bất an và chỉ biết cầu nguyện trong thế giới của riêng mình.

Trong lòng các em tràn đầy sợ hãi, luôn lo lắng mỗi cử động của mình sẽ chọc giận cha mẹ và sau đó sẽ bị đánh đập. Trẻ em thường xuyên bị bạo lực gia đình có thể thức trắng đêm, hình ảnh mình bị đánh sẽ hiện lên trong giấc mơ khi trẻ chìm vào giấc ngủ. Bạo lực gia đình đã để lại những dấu ấn khó phai mờ đối với trẻ em, và cái bóng của bạo lực cũng sẽ đồng hành cùng trẻ khi chúng lớn lên.

Trẻ em cũng sẽ bắt chước hành vi của cha mẹ. Sau khi trẻ ra xã hội, nếu gặp phải điều mình không thích hoặc có mâu thuẫn với người khác thì trẻ sẽ sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Trẻ bị bạo hành có thể thường có cảm giác sợ sệt, e dè, ngại giao tiếp và tiếp xúc với bất kì ai, kể cả bố mẹ. Trẻ không chạy nhảy nô đùa như trước mà chỉ thu mình một chỗ, ôm đầu gối hoặc khoanh tay trước ngực… Ngoài ra, trẻ có thể hốt hoảng, ngủ không sâu giấc, gặp ác mộng, nghiến răng, cắn móng tay, thở dốc, toát mồ hôi, đái dầm hoặc chống đối lại cha mẹ. Đây cũng có thể là dấu hiệu đáng chú ý, cho thấy trẻ đang bị ảnh hưởng bởi vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Cha mẹ nên lưu ý để phát hiện ra những sự việc bất thường trước khi quá muộn.