Thời gian gần đây, một bà mẹ đăng tải lên hội nhóm chia sẻ rằng cô con gái của mình mới 8 tuổi đã xuất hiện kinh nguyệt. Bà mẹ lo lắng con đã bị dậy thì sớm vì thế chị quyết định chia sẻ câu chuyện để xin lời khuyên của cộng đồng mạng.

Ngay lập tức, bài viết nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người, đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con nhỏ. Không ít người bình luận chỉ "đích danh" nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ chính là các món ăn như đồ ăn nhanh, đồ ngọt, sữa bò...

Đặc biệt, có người cho rằng việc một bé gái có kinh nguyệt ở độ tuổi 8-10 là bình thường, không đáng lo ngại.

Trẻ em dậy thì ở độ tuổi nào thì được coi là sớm?

Theo các bác sĩ, hiện nay, trẻ em bắt đầu dậy thì sớm hơn so với trước đây. Cụ thể:

Ở nữ: Các dấu hiệu dậy thì thường xuất hiện từ 8 tuổi.

Ở nam: Dậy thì thường bắt đầu từ 9 tuổi.

Nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi này, được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi hoặc nam sau 14 tuổi mà vẫn chưa dậy thì, đó được coi là dậy thì muộn.

PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết: Theo quan niệm thời xưa thì "nữ thập tam, nam thập lục" - tức nữ 13 tuổi, nam 16 tuổi mới bước vào tuổi dậy thì. 

Hiện nay, do nhiều yếu tố tác động nên khả năng có con và tuổi sinh sản kéo dài hơn so với trước kia. "Trẻ em dưới 8 tuổi mà có kinh nguyệt mới gọi là sớm, còn những em 9-10 tuổi trở lên là bình thường, không có gì đáng lo ngại". - PGS Dũng giải thích.

65e1e7475156e.jpg

Hình minh họa.

Cũng theo bác sĩ, nếu muốn biết con có dậy thì sớm hay không, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa ở các bệnh viện. Với những trường hợp nghi ngờ dậy thì sớm, bệnh nhi sẽ được chụp X-quang tuổi xương, xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không.

Tìm hiểu nguyên nhân, có thể liên quan đến các bệnh lý như: Nang buồng trứng; U não; Rối loạn tuyến giáp; Sự gia tăng lượng estrogen qua thực phẩm.

Dậy thì sớm có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng:

- Thể chất: Các khớp xương bị "khóa" sớm, khiến trẻ không cao thêm.

- Tâm lý: Trẻ dễ cảm thấy sợ hãi, lạc lõng khi cơ thể thay đổi bất thường.

- Nguy cơ bị lạm dụng: Trẻ chưa đủ nhận thức để bảo vệ bản thân trước các mối nguy hiểm.

Một số phụ huynh cho rằng dùng thuốc ức chế dậy thì sẽ giúp trẻ cao hơn. Tuy nhiên, PGS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh: "Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng thuốc ức chế dậy thì giúp trẻ tăng chiều cao. Ngược lại, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ".

Cách phòng ngừa dậy thì sớm từ chế độ ăn uống

Cũng trong bài đăng trên, không ít người cho rằng thói quen ăn uống hiện đại là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ dậy thì sớm. Các món như đồ ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chiên rán và sữa bò... được "chỉ đích danh" là thủ phạm.

Thực tế, chế độ ăn giàu chất béo, nhiều đường... quả thực có thể tác động đến sự phát triển thể chất và nội tiết tố của trẻ. 

Một chế độ dinh dưỡng cân đối không chỉ giúp trẻ phát triển tốt mà còn hỗ trợ duy trì sự cân bằng nội tiết tố, hạn chế nguy cơ dậy thì sớm.

1. Ưu tiên thực phẩm tự nhiên

Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và chứa nhiều đường. 

2. Giảm tiêu thụ thịt đỏ và chất béo không lành mạnh

Chọn protein từ cá, đậu và các loại hạt thay vì thịt chế biến. 

3. Sữa và sản phẩm từ sữa

Dùng sữa hữu cơ hoặc sữa không chứa hormone nhân tạo. 

4. Hạn chế thực phẩm chứa chất kích thích

Tránh các loại nước ngọt có gas, đồ uống năng lượng và các món nhiều phẩm màu...