Bác sĩ Ngô Hồng Phúc, khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết nơi đây đang tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bé gái phải đoạn chi sau khi bị rắn cắn.
Trước đó vào ngày 6/10, bé L.M.U. (13 tuổi, ngụ tại Phú Yên, dân tộc Ê-đê) đi cắt cỏ ngoài đồng thì bất ngờ bị một con vật không nhìn thấy cắn ở gối trái. Sau đó vết thương bị sưng, đau nhiều nên gia đình đưa bé đến Bệnh viện (BV) Tuy Hòa cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ xác định bé bị rắn độc cắn và tiến hành điều trị nhưng người nhà xin về.
Nghe hàng xóm mách, cha bé đã chở con mình đến thầy lang vườn tại địa phương để điều trị bằng cách cắt lể, hút máu ở cả hai chân.
Tuy nhiên, sau vài ngày, vết thương ở chân trái không những không thuyên giảm mà chân phải cũng bị sưng to, gây đau đớn cho bệnh nhân.
Lúc này, người nhà mới hoảng hốt đưa con gái trở lại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên ngay lập tức, bé được chuyển thẳng lên BV Nhi Đồng 2 khi cả hai chân đã bị nhiễm trùng rất nặng.
Tại BV Nhi Đồng 2 vì tình trạng nhiễm trùng hoại tử cẳng bàn chân phải quá nặng, các bác sĩ buộc lòng phải cắt bỏ phần chân dưới.
Chân trái bệnh nhi cũng được các bác sĩ cắt lọc và hút dịch 3 lần những chỗ hoại tử nặng. Dù vậy khả năng phải đoạn chi là rất cao.
Từ trường hợp đau lòng này, bác sĩ khuyến cáo khi trẻ bị động vật cắn, phụ huynh nên lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Tuyệt đối không đưa bệnh nhân đến những điểm điều trị tự phát bằng cách cắt lể, cho uống sản phẩm không rõ công dụng, nguồn gốc… có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.