Cha mẹ hồn nhiên khi tự ý kê đơn thuốc cho con

Sau khi đi học mẫu giáo được mấy buổi đầu, bé Bin (2 tuổi) ho hắng, sổ mũi, chân tay lại nổi mẩn. Mẹ Bin tự ý mua cho bé thuốc kháng sinh về uống. Chị tâm sự: “Vào viện vừa đông, xếp hàng từ sáng tới trưa mới tới lượt, mà bác sĩ chỉ nhìn nhìn, nghe nghe, mấy triệu chứng đơn giản này mình tự chữa cho con cũng được”.

Thế nhưng sau 1 hôm bé không đỡ mà có dấu hiệu của sự khó thở, người sốt cao, chị lại tiếp tục cho con uống thuốc hạ sốt. Nhưng đến chiều, khi thấy con tím tái, thở hắt ra, chị mới thật sự lo lắng, khi đưa con vào viện khám bệnh chị mới hay con bị ngộ độc thuốc. 

Cũng tin vào “kinh nghiệm làm mẹ” của mình, chị Thái (Hòa Mã, Hà Nội) khi thấy con bị cảm, thay vì đưa con đi khám để bác sĩ chẩn đoán và chỉ định thuốc, chị lại tự khám bệnh và mua thuốc cho con dùng. 

Không chỉ hai bà mẹ trên mà việc tự ý dùng thuốc cho con là tâm lý của rất nhiều bậc phụ huynh. Trong một số ít trường hợp, may mắn trẻ dùng thuốc sai không dẫn tới sự nguy hiểm nào, trẻ chỉ bị rối loạn nhẹ, thế nhưng sau khi “thoát hiểm” mà không hay biết, phụ huynh cứ thế tiếp tục "phát huy" điều này mà không biết rằng việc tự ý kê thuốc chữa bệnh sẽ khiến trẻ đối diện với hậu quả khôn lường. 

Con gặp họa vì cha mẹ tự bắt bệnh, kê đơn thuốc cho con  1
Con gặp họa vì cha mẹ “hồn nhiên” tự ý bắt bệnh cho con (Ảnh minh họa: Chí Toàn)

Khi Bông bị cảm, chị Thái cho con dùng kháng sinh liều cao trong một thời gian dài, khiến bé bị thiếu máu nặng, và suýt tử vong nếu không được các bác sĩ phát hiện kịp thời. 

Chị Cúc (Lò Đúc, Hà Nội) cũng tự ý mua thuốc đau bụng cho con khi thấy con đi tiêu ra máu. Nhưng uống thuốc vài hôm chưa khỏi, rồi tình cờ chị đọc một bài báo về việc trẻ con bị bệnh viêm ruột hoại tử. Nhìn triệu chứng bệnh trong bài báo, chị lo đứng lo ngồi khi thấy cu Sơn nhà mình cũng có vài biểu hiện tương tự: trướng bụng, đầy hơi, đi tiêu ra máu. 

Chị tức tốc cho con tới khám bệnh, hóa ra do chị lo thái quá, bé uống quá ít nước nên mới bị vậy. Thêm vào đó, bác sĩ Tiến Dũng ở viện Bạch Mai cũng khẳng định, với những bé 3 tuổi như Sơn thì việc bị bệnh này là hoàn toàn khó xảy ra.

Sai lầm khi tự ý làm bác sĩ

Trả lời về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho rằng vì thiếu hiểu biết của cha mẹ mà không ít trẻ con gặp họa, bệnh trở nên trầm trọng hơn và có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. 

Bác sĩ Dũng tâm sự về chuyên ngành Y của mình, đó là một ngành khoa học thu nhận thông tin từ rất nhiều kênh. Trước hết là kênh từ cha mẹ và bệnh nhân, qua những lời nói của bậc phụ huynh, các bác sĩ phải chắt lọc thông tin xem điều gì có thể sử dụng được, điều gì thì không cần. 

Kênh thứ 2 đó là công việc thăm khám bệnh nhân, từ nhìn nét mặt, nghe giọng nói của bệnh nhân, rồi dùng đến ống nghe để khám, kỹ năng thăm khám của bác sĩ. Kênh thứ 3 là nhờ máy móc (siêu âm, X quang, xét nghiệm, thăm dò…) phụ thuộc nhiều vào máy móc, người đọc, kết quả xét nghiệm về máu, dịch cơ thể. 

Sau khi có trong tay 3 kênh thông tin này, người thầy thuốc sẽ ra kết luận chẩn đoán cho bệnh nhi. Có những bệnh ra ngay được kết luận cuối cùng, song có những bệnh cần phải theo dõi thêm cả một quá trình để biết chắc chắn đó là bệnh gì, để ra được kết luận bệnh lúc bấy giờ cần sự phối hợp của bệnh nhân và bác sĩ để theo dõi diễn biến bệnh.

Con gặp họa vì cha mẹ tự bắt bệnh, kê đơn thuốc cho con  2
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai.

Chẩn đoán, khám chữa bệnh là một công việc phức tạp liên quan tới con người mà trẻ con khác, người lớn khác, trẻ nông thôn sẽ khác trẻ ở thành phố, bé trai khác bé gái khác... Vì vậy, nếu cha mẹ chỉ thu thập những thông tin ở trên mạng (có thể do thầy thuốc cung cấp, báo dịch) thì đó là những phần quá nhỏ để kết luận con mình có mang bệnh thực sự hay không.

Có một nghiên cứu khoa học ở Anh công bố khi thống kê 19 trang web về y học sâu, chẩn đoán bệnh thì có tới 10 trang tin là cung cấp cho người đọc là những thông tin sai hoàn toàn. Các chuyên gia y tế lắc đầu, không hiểu những thông tin đó trang mạng này lấy từ nguồn nào. Còn lại 8 trang tin thì có cái đúng có cái sai, chỉ có 1 trang tin là chứa đựng thông tin chuẩn. 

Tuy nhiên, giữa hàng bao nhiêu trang tin thì việc lựa chọn trang tin chứa đựng thông tin chuẩn lại không đơn giản, thường chỉ có người có chuyên môn mới nắm được. Vậy, những ông bố bà mẹ không có chuyên môn, không có sự hiểu biết thì không thể biết được và "lo lắng thái quá cho con" là điều dễ hiểu. 

Tuy nhiên, sẽ vô cùng sai lầm khi tự ý kê đơn cho con, điều này có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của trẻ. Bác sĩ Dũng khuyên cha mẹ nên là người đọc có trình độ, bình tĩnh, tỉnh táo, tìm hiểu thông tin từ những tờ báo, trang tin có uy tín, chất lượng. 

Chính bậc phụ huynh cần phải thay đổi, người mẹ không nên nghĩ ra bệnh của con. Việc tự chữa cho con sẽ khiến con bị biến chứng bệnh cao. Nếu thấy con có biểu hiện lạ, người mẹ cần bình tĩnh theo dõi con và đưa con ngay tới bác sĩ để kịp thời chữa trị. 



Kinh nghiệm nhớ đời từ một lần tự chữa bệnh cho con.
Con gặp họa vì cha mẹ tự bắt bệnh, kê đơn thuốc cho con  3