Rất nhiều phụ huynh than thở rằng không hiểu tại sao con mình tự nhiên trở nên hư đốn, không ngoan như trước. Bé rất hay cáu, tức giận, hành xử thô lỗ và không muốn tiếp xúc với mọi người trong gia đình. Chỉ trong chớp mắt con tự dưng biến thành một người khác lạ, không còn là đứa con ngoan ngoãn như trước. 

Lúc này bố mẹ hẳn sẽ có tâm lý khó chịu trước sự thay đổi đột ngột của con. Trong một số trường hợp, phụ huynh có thể nổi giận và dùng bạo lực để thể hiện quyền lực của bố mẹ, gây ra sự tổn thương không chỉ về mặt thể chất mà còn tạo ra bóng đen tâm lý, khiến con lệch lạc nhân cách cho đến lớn.

Nhưng trên thực tế một đứa trẻ thích tranh cãi lại là người có chính kiến, có tư duy độc lập, không sợ uy quyền và đang phát triển rất tốt. Trong một số trường hợp, thực chất là trẻ đang gặp khó khăn nào đó khiến chúng khó mở lời với bố mẹ của mình. Thay đổi tính cách chỉ là cách giúp trẻ thu hút sự chú ý từ bố mẹ. 

Con hay cãi bố mẹ thực ra là có lý do

Nếu phụ huynh cho rằng mình là người lớn còn con chỉ là một đứa bé nên không được phép cãi lại thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Chúng ta cho rằng bản thân hơn trẻ chẳng qua vì có nhiều trải nghiệm hơn mà thôi. Thay vì tỏ ra bực tức, xấu hổ hay khó chịu, việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ lại như vậy sẽ có ích hơn rất nhiều. 

Từ 2-3 tuổi trở lên, trẻ đã bắt đầu có một khả năng nhận thức nhất định cũng như thích thể hiện cái tôi của mình bằng việc nói "không" với các yêu cầu của bố mẹ. Lớn hơn chút nữa, trẻ hiểu biết nhiều hơn về thế giới xung quanh, trở thành một cá nhân có tư duy độc lập, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Với vốn từ và khả năng biểu đạt ngày một hoàn thiện sẽ càng giúp cho trẻ dễ dàng bày tỏ chính kiến của mình trước mặt người lớn. Lúc này việc trẻ phản bác hay cãi lời bố mẹ không thể đánh đồng với việc chúng không tôn trọng hoặc hỗn láo.

Đôi khi phản ứng cãi của con xuất phát từ chính cách cư xử không đúng của phụ huynh, bởi con cảm thấy mình không được công nhận, không được tôn trọng và tin tưởng.

Phụ huynh phải làm gì khi con bất ngờ hành xử thô lỗ?

- Hãy lắng nghe con: Trong lúc này, đứa trẻ đang rất xúc động, thậm chí là kích động và việc bố mẹ nên làm không phải là ngắt lời, đàn áp con mà để cho con có cơ hội giãi bày hết câu chuyện. Hãy là một người lắng nghe thật tốt để giúp con trút bỏ cảm xúc và để có một cái nhìn toàn diện hơn về câu chuyện của con.

- Thừa nhận cảm xúc của trẻ: Phụ huynh hãy giúp trẻ gọi tên những cảm xúc mà chúng đang trải qua và cho chúng hiểu được rằng không có gì là sai trái khi có cảm xúc như vậy, tuy nhiên cách mà con đang hành động thì không đúng đắn.

Ví dụ: "Mẹ biết con giận lắm, mẹ biết con đang thấy khó chịu, nhưng con không thể nói chuyện với bố mẹ như thế này".

Với những đứa trẻ nhỏ hơn, phụ huynh hãy đi trực tiếp vào vấn đề: "Nếu con tức giận có thể nói cho mẹ nghe. Con có thể nói mẹ ơi con đang cáu lắm, con đang không vui, chứ đừng chỉ vào mặt mẹ mà hét lên con ghét mẹ, mẹ xấu xí".

- Tôn trọng và thay đổi từ chính bản thân mình trước khi chỉ trích con: Đứa trẻ thích cãi thực chất là muốn được bố mẹ chú ý và tôn trọng nhiều hơn, có thể là do chúng không đồng ý với bố mẹ, hoặc do cảm xúc của chúng chưa được quan tâm đúng mực. Điều bố mẹ nên làm là nhẹ nhàng tìm hiểu, giúp con thoải mái chia sẻ nỗi lòng của bản thân và trở thành những ''người bạn'' của con. 

https://afamily.vn/con-hanh-xu-tho-lo-hay-cai-lai-cha-me-dung-voi-trach-mang-vi-rat-co-the-con-dang-gap-phai-dieu-nay-20220308154604785.chn