Con không thể tự phục vụ bản thân: Lỗi của bố mẹ

Theo PNO,
Chia sẻ

Bạn tôi có người anh Việt kiều. Năm ngoái, hai anh em quyết định cho cậu con trai 17 tuổi của bạn tôi sang Mỹ du học và ở trọ nhà người anh.

Ông này cũng có một cậu con trai 18 tuổi, họ tin chắc rằng hai chàng trai trẻ sẽ kết bạn với nhau, thêm vui. Không ngờ mới được ba tháng, ông anh gọi điện từ Mỹ về nói với em rằng phải cho con vào sống trong nội trú của trường hoặc đi trọ ở nơi khác vì nó hoàn toàn không thích hợp với gia đình và làm ảnh hưởng đến con trai ông.

Bạn tôi vô cùng sửng sốt, vì con mình ngoan và hiền như thế mà sao lại chóng thay đổi đến nỗi không sống được trong nhà ông bác? Ông anh đành phải nói rằng: “Tình anh em, tôi phải nói thật với chú, dù chú có giận cũng chịu. Đúng là con nhà chú rất ngoan, hiền. Nó không chơi bời lêu lổng, rượu chè, cờ bạc. Chỉ có điều ngoài việc học, cháu không biết đến một việc gì trong nhà. Đến bữa, ai dọn cơm ra thì nó ăn. Ăn xong đi về phòng riêng, không bao giờ dọn dẹp bát đũa. Nếu cả nhà đi vắng thì nó nhịn hoặc mở tủ lạnh xem có cái gì ăn được làm vài miếng cho qua bữa.
 
 
Nó cũng không bao giờ dọn nhà, lau sàn, hút bụi, không giặt quần áo, tóm lại là không làm một việc gì. Hỏi ra mới biết khi còn ở trong nước, nó cũng không bao giờ làm gì. Mọi việc đã có cha mẹ và người giúp việc lo liệu. Nó chỉ có mỗi việc học. Học xong thì nghe nhạc, xem phim. Trong khi con tôi thường xuyên vào bếp giúp mẹ làm cơm, ăn xong dọn dẹp bàn ghế, nhà cửa. Cha mẹ đi vắng cả tuần, ở nhà nó vẫn tự phục vụ, không cần ai giúp đỡ. Vì thế con chú ở đây sẽ ảnh hưởng xấu đến con tôi”.
 
Bạn tôi nghe người anh than thở xong không biết nói thế nào, đành thở dài. Hóa ra cậu “quý tử” ấy thiếu một cái kỹ năng tối cần thiết, đó là kỹ năng tự phục vụ bản thân.

Một người bạn khác của tôi có cô con gái 16 tuổi, cứ đi học về là “cấm cung” ở trên lầu. Mỗi sáng, mẹ phải dọn thức ăn lên tận phòng. Ăn xong, cô con gái cắp sách đi xuống cầu thang đã có bố chờ sẵn xe máy chở con đi học. Gần trưa bố lại đến đón con về. Trong khi con người ta biết đi xe đạp từ lâu thì con gái bạn tôi 16 tuổi chưa biết đi xe đạp. Có lần bố cho con tập xe, nó ngã một cái là thôi không tập nữa. Vả lại nó nghe mẹ bảo đi học bằng xe đạp không an toàn. Kiểu này có thể vào đến đại học, bố vẫn phải đưa đón.

Chắc hẳn có người nghĩ đó là con em những nhà giàu có, lắm tiền nhiều của nên chiều con quá mức sinh hư? Nhưng lạ lùng là cả những gia đình chẳng mấy khấm khá, thậm chí thuộc loại chỉ đủ ăn cũng nuôi dạy con kiểu đó. Quán phở bình dân gần nhà tôi buôn bán lèo tèo, chẳng thuê mướn ai, chỉ có hai vợ chồng vừa làm phở, vừa bưng bê cho khách vừa dọn dẹp. Buổi sáng có độ dăm bảy người khách vào là hai vợ chồng cứ tíu tít vã mồ hôi. Trong khi đó, hai người con một trai, một gái thì thong dong đi đánh cầu lông về, cầm cái vợt vung vẩy qua hàng phở lên thẳng trên lầu, không cần biết cha mẹ đang làm gì. Cậu con trai thi đại học hai năm chưa đỗ, đang học ôn để thi lần thứ ba. Cô con gái đang học lớp 12, năm nay cũng sắp thi đại học. Cả hai ăn mặc đỏm dáng, đến bộ đồ đi tập thể dục buổi sáng cũng là hàng hiệu hẳn hoi.

Chính vì không cho con tập tham gia các công việc trong nhà nên nhiều em rỗi rãi quá sinh hư. Muốn cho con cái nên người, chúng ta phải biết cách dạy con. Không phải cứ bỏ tiền ra tạo cho con một cuộc sống đầy đủ không thiếu thứ gì, không phải làm gì, chỉ tập trung có học là tốt. Điều tra của ngành giáo dục cho thấy đại đa số học sinh giỏi từ cấp thành phố trở lên xuất thân trong những gia đình viên chức trung lưu hay cha mẹ là người lao động bình thường, thậm chí có những em hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn, vừa đi học vừa phải giúp đỡ gia đình.
 
 Việc tham gia lao động giúp gia đình sẽ tạo cho các em có kỹ năng sống, trước hết là kỹ năng phục vụ bản thân. Qua đó, các em mới hiểu giá trị của lao động, thông cảm và biết thương cha mẹ, có ý thức cố gắng học để cha mẹ vui lòng. Sự lao động chân tay cũng giúp các em vận động khiến cho thân thể khỏe mạnh hơn. Và đặc biệt khi các em trưởng thành, sẽ dễ hòa nhập vào môi trường tập thể.

Suy cho cùng, bất cứ ai làm cha mẹ cũng muốn con mình thành công trong cuộc đời, có tình yêu, hạnh phúc. Muốn như thế không chỉ học hoàn toàn trong sách vở mà phải học trong cuộc sống đời thường.

Chia sẻ